Tuần qua, đợt triều cường với đỉnh triều vượt mức báo động III (trên 1,50m) đã làm cho nhiều khu vực dân cư của TP.Hồ Chí Minh, kể cả một số vùng nội thành bị ngập nặng. Đây được xem là đợt triều cường lớn nhất trong lịch sử!
Tuần qua, đợt triều cường với đỉnh triều vượt mức báo động III (trên 1,50m) đã làm cho nhiều khu vực dân cư của TP.Hồ Chí Minh, kể cả một số vùng nội thành bị ngập nặng. Đây được xem là đợt triều cường lớn nhất trong lịch sử!
Đỉnh triều cường đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn tối 29-10 lên mức 1,57m (cao hơn dự báo 8cm). Do hệ thống các công trình phòng chống triều cường chưa hoàn thành đồng bộ nên khi đỉnh triều dâng cao đột ngột, nhiều hộ dân sống trong vùng ngập phải đối phó hết sức vất vả.
* Gian nan chống ngập
Anh Nguyễn Văn Hồng, nhà ở phường Linh Đông, Thủ Đức, cho biết đợt triều cường rồi, một số đoạn bờ bao bị bể, nước tràn vào làm hàng trăm hộ dân ở đây bị hư hỏng nhiều đồ đạc, vật dụng. Ông Trần Văn Thời ở phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức cho biết thêm, sáng 30-10 rồi cả khu vực này vẫn ngập sâu trong nước do một đoạn bờ bao dài hơn 5m tại rạch Cầu Làng bị bể từ tối hôm trước. Các trục đường 38, 40, 53… ngập nặng. Nước dâng lên nhanh, ngập sâu khiến nhiều người dân không kịp trở tay, phải thức trắng đêm ngồi chờ nước rút. Nhiều loại vật dụng điện tử như tủ lạnh, máy giặt, tivi không kịp được kê lên cao để tránh ngập. Nhiều nơi nước ngập quá sâu, bà con chỉ biết cúp điện, khóa cửa tìm chỗ cao để trú chờ nước rút cho đến sáng. Ông Nguyễn Thanh Toàn, gia đình có vườn cây trồng kiểng bán Tết và ao cá quy mô lớn thở dài: “Thế là bao nhiêu vốn liếng, công sức đổ sông rồi!”.
Triều cường gây ngập ở một số tuyến đường. |
Các trục giao thông ở TP.Hồ Chí Minh như tuyến đường Kha Vạn Cân, đường 25, 27 (Thủ Đức), đường Nơ Trang Long (Bình Thạnh) bị ngập dẫn đến ùn tắc giao thông trong mấy ngày cuối tuần qua. Hầu hết khu vực ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn các quận 2, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh đều rơi vào tình trạng tương tự.
* Ì ạch các công trình
Bao năm qua, ngân sách TP.Hồ Chí Minh đã chi rất nhiều để đối phó với tình trạng ngập do triều cường. Tuy nhiên, tình trạng này ngày một xấu đi. Người dân ở những khu vực xung yếu vẫn phải tự đắp bao cát để ngăn nước tràn vào nhà nhưng không phải hộ dân nào cũng đủ điều kiện để ngăn ngập. Lực lượng chức năng cũng đang gia cố lại những đoạn bờ bao bị bể. Các công ty quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.Hồ Chí Minh bơm nước giúp giảm ngập cho khu vực bị bể bờ bao. Tất cả đều là những giải pháp tình thế.
Theo dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình triều cường ở TP.Hồ Chí Minh còn diễn biến phức tạp. Nhưng các dự án bờ bao ngăn triều cường, ngăn lũ… với quy mô lớn nhỏ khác nhau hiện vẫn bị chậm tiến độ. Dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư có chức năng giải quyết ngập nước, môi trường, ngăn mặn từ sông rạch phía nam xâm nhập và phát triển vùng đất nông nghiệp rộng 3.560 hécta ở quận Gò Vấp, quận 12 và huyện Hóc Môn, Củ Chi còn 10% khối lượng công việc chưa được hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng hay do một số hộ dân không chịu thực hiện theo thiết kế của dự án, gây khó khăn cho các đơn vị thi công.
Dự án đê bao ngăn lũ ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn Thủ Đức hiện vẫn thi công nhỏ giọt. Các công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước thực hiện năm 2011 chỉ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng 7/59 công trình (đạt 11,86%), 6/59 công trình đang và chuẩn bị thi công. Còn lại 46 công trình mới đang tiến hành lập và thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật, dù chỉ còn hai tháng nữa là hết năm.
Câu chuyện triều cường tuần qua tại TP.Hồ Chí Minh ngẫu nhiên trùng với sự cố lũ lụt ở Bangkok - Thái Lan như gióng lên hồi chuông báo động cho việc chậm thi công các công trình khắc phục hậu quả triều cường.
Hữu Vinh