Báo Đồng Nai điện tử
En

Tây Ninh đánh thức tiềm năng du lịch

09:10, 03/10/2011

Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức cuộc họp báo giới thiệu về Hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh Tây Ninh và Đông Nam bộ trong 2 ngày 25 và 26-11 tới tại thị xã Tây Ninh.

Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức cuộc họp báo giới thiệu về Hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh Tây Ninh và Đông Nam bộ trong 2 ngày 25 và 26-11 tới tại thị xã Tây Ninh. Theo thông tin từ cuộc họp báo, đây là cuộc hội thảo quy mô lớn, gồm nhiều hoạt động như: Giới thiệu quy hoạch phát triển du lịch Tây Ninh và Đông Nam bộ; khảo sát thực tế những địa điểm đầu tư nổi bật tại khu du lịch núi Bà Đen, cửa khẩu Mộc Bài, hồ Dầu Tiếng…

Hồ Dầu Tiếng, một điểm du lịch tiềm năng của Tây Ninh
Hồ Dầu Tiếng, một điểm du lịch tiềm năng của Tây Ninh

Nhiều năm qua, ngành “công nghiệp không khói” của Tây Ninh phát triển rất chậm so với tiềm năng thiên nhiên của vùng đất này. Du lịch Tây Ninh còn nhiều khó khăn. Lượng khách nước ngoài đến du lịch ở tỉnh này rất thấp, chỉ chiếm khoảng 1% so với lượng du khách đến đây trong cả năm. Các đề án tiếp thị, giới thiệu điểm đến, xác định thị trường, dòng khách chưa được tiến hành. Số lượng các khu du lịch, vui chơi giải trí rất ít, đa phần mới đang ở dạng đầu tư ban đầu như Long Điền Sơn hoặc ở dạng tiềm năng như Ma Thiên Lãnh, Lò Gò - Xa Mát.

* “Đặc sản” tâm linh

Nói đến du lịch Tây Ninh, người ta nghĩ ngay đến chùa Bà và tòa thánh Tây Ninh, những địa điểm thu hút mỗi năm trên 3 triệu khách nội địa. Sức hút của 2 địa điểm này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tâm linh. Từ 10 năm trước, chùa Bà đã được đầu tư hệ thống cáp treo (được xem như hệ thống cáp treo đầu tiên trong cả nước) nhưng đến  nay công nghệ đã trở nên lạc hậu và ngoài chùa Bà, các sản phẩm du lịch khác trong Khu di tích văn hóa lịch sử núi Bà Đen vẫn không thu hút  du khách.

Từ thực tế đó, UBND tỉnh Tây Ninh xác định chọn du lịch tâm linh là sản phẩm chính để thu hút các nhà đầu tư. Ông Trần Lưu Quang, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, nói thêm: “Du lịch Tây Ninh không thể có thế mạnh như TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi xem du lịch tâm linh là “đặc sản”, đồng thời là động lực chính để thúc đẩy ngành du lịch phát triển”.

So với các tỉnh, thành trong vùng trọng điểm, du lịch Tây Ninh là nàng công chúa ngủ trong rừng, nhiều lợi thế so sánh chưa được đánh thức. Ví dụ, Tây Ninh là đầu mối giao thông trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại du lịch của các nước tiểu vùng sông Mê Kông nhờ có vị trí nằm trong các trục không gian phát triển chính của vùng, cách TP.Hồ Chí Minh 100km, Tây Ninh có lợi thế rất lớn trong việc thông thương và kết nối tour, tuyến du lịch với Campuchia và các nước ASEAN khác.

Và rất ít người biết rằng, ngoài núi Bà Đen, tòa thánh…, Tây Ninh còn có nhiều điểm du lịch đặc biệt như hồ Dầu Tiếng; Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Trung ương Cục miền Nam, tháp Chóp Mạt…

Phó chủ tịch tỉnh Tây Ninh Trần Lưu Quang khẳng định, khai thác du lịch tâm linh ở đây không phải là mê tín dị đoan, mà phải định hướng đó là du lịch văn hóa. Sẽ có những công trình văn hóa, những sự kiện và ý tưởng văn hóa trong tín ngưỡng tâm linh, có sự định hướng rõ ràng. Tây Ninh hội tụ nhiều điều kiện để phát triển thành trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử và du lịch tâm linh của cả khu vực miền Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.

* Đánh thức nàng công chúa

Vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch ở Tây Ninh theo hướng kết nối các tỉnh, thành Đông Nam bộ nói riêng, cả nước nói chung và các tuyến du lịch lữ hành quốc tế thành các sản phẩm trọn gói là câu chuyện hạ tầng du lịch và các sản phẩm du lịch mới.

Hiện nay, du khách đến với các điểm du lịch ở Tây Ninh đều than phiền rằng các hoạt động dịch vụ ở đây quá đơn sơ, thiếu thốn nhiều dịch vụ phụ trợ. Chất lượng các sản phẩm du lịch và dịch vụ chưa cao đã đành, nhưng hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở địa phương này cũng chưa hiệu quả, nhất là đối với thị trường quốc tế.

Khu du lịch núi Bà Đen là “đứa con cưng” của ngành du lịch tỉnh này, bao năm qua chỉ dừng lại ở việc quy hoạch trên giấy, chưa thu hút được nhiều các nhà đầu tư. Du lịch núi Bà Đen phát triển manh mún, thiếu đồng bộ. Các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh hiện chỉ có mạng lưới nhưng còn nhỏ lẻ, nguồn nhân lực chưa qua đào tạo nên tính chuyên nghiệp không cao.

Đường giao thông đến các điểm du lịch hiện nay ở Tây Ninh cần được đầu tư xây mới, nâng cấp với số vốn không nhỏ. Trong khi đó, chủ trương của tỉnh này là không dùng ngân sách đầu tư du lịch, mà chủ yếu là kêu gọi đầu tư. Vì thế, theo các chuyên gia, Tây Ninh cần có các chính sách, cơ chế ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, mà để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu du lịch, các khách sạn cao cấp trên địa bàn, đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch.

Theo lãnh đạo Sở VH-TT-DL Tây Ninh, hiện nay, tỉnh sẽ chú trọng phát triển các tuyến du lịch trọng điểm, kết nối các tour du lịch này với các tỉnh, thành phố và tuyến lữ hành quốc tế sang Campuchia, đẩy mạnh du lịch gắn với các khu vực cửa khẩu quốc tế, du lịch thương mại cửa khẩu hướng tới thu hút khách du lịch nước ngoài từ Campuchia và Thái Lan theo đường bộ sang Việt Nam. Đồng thời, tập trung phát triển du lịch gắn với tiềm năng sông nước, trong đó chú trọng phát triển tuyến du lịch sinh thái miệt vườn dọc sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn.

Các nhà quản lý đặt hy vọng rằng, với những nỗ lực trong thời gian tới, du lịch Tây Ninh sẽ có nhiều khởi sắc.

Thu Dịu

 

 

 

Tin xem nhiều