Có người nói “đặc sản” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là… trạm thu phí. Tất nhiên đó là nói đùa, nói ngoa, nhưng trong thực tế, đúng là hiện nay không nơi nào trong cả nước mật độ trạm thu phí nhiều như địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai…
Có người nói “đặc sản” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là… trạm thu phí. Tất nhiên đó là nói đùa, nói ngoa, nhưng trong thực tế, đúng là hiện nay không nơi nào trong cả nước mật độ trạm thu phí nhiều như địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai…
Trục tam giác 3 địa phương lớn ở miền Đông này hiện có quá nhiều trạm thu phí bủa vây. Thực trạng này dẫn đến chi phí vận tải tăng lên, thời gian vận tải cũng như ách tắc giao thông tăng lên làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế trong khu vực.
* Mê hồn trận
Điều đáng nói là trong khu vực miền Đông Nam bộ, tình trạng các trạm thu phí quá gần nhau xuất hiện khá nhiều do các dự án BOT giao thông khai thác. Tiêu biểu cho thực trạng này là địa bàn Bình Dương. Có thể kể ra đây hàng loạt trạm thu phí, như: trạm Vĩnh Phú (huyện Thuận An) trên quốc lộ (QL) 13 hướng TP.Hồ Chí Minh đến Bình Dương do Becamex làm chủ đầu tư; trạm Suối Giữa cũng trên quốc lộ 13 cách trạm Vĩnh Phú 20km về hướng thị xã Thủ Dầu Một; trạm Lái Thiêu (huyện Thuận An) cách trạm Vĩnh Phú khoảng 2km; trạm An Phú (huyện Thuận An) cách trạm Lái Thiêu 8km và trạm Bình Thung cách trạm An Phú 18 km. Bốn trạm thu phí này đều do Công ty vật liệu và xây dựng Bình Dương (M&C) làm chủ đầu tư.
Trạm thu phí Định Quán. Ảnh: T.NGUYÊN
Nhưng chưa hết, ở Bình Dương còn có trạm thu phí Bình Thắng do M&C làm chủ đầu tư nằm gần nút giao thông ngã ba Tân Vạn và cũng gần đó còn có trạm thu phí Bình Đáng.
Tuy không có mật độ quá dày như Bình Dương nhưng trạm thu phí ở TP.HCM cũng không ít. TP.HCM là nơi có lưu lượng xe cộ qua lại hàng ngày với tần suất cao nhất nước và có nhiều tuyến đường huyết mạch ngang qua. Có thể kể tên các trạm thu phí tiêu biểu như: trạm cầu Bình Triệu (trên QL 13), trạm xa lộ Hà Nội, trạm An Sương - An Lạc, trạm Kinh Dương Vương, trạm cầu Phú Mỹ, trạm Nguyễn Văn Linh...
Ở Đồng Nai, ngoài các trạm trên các quốc lộ lớn như Dầu Giây, Long Thành, riêng địa bàn TP.Biên Hòa đã có đến 11 trạm thu phí, nhiều trạm cách nhau chưa đến 500m (như 2 trạm của Công ty TNHH IDICO Cường Thuận quản lý tại vòng xoay Hóa An). Một số đường nhỏ như tỉnh lộ ĐT760, ĐT743, đường Đồng Khởi cũng có trạm thu phí.
Tất nhiên, khi doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng cầu đường theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) họ được phép thu phí. Nhưng người dân đặt câu hỏi: Vì sao các cơ quan quản lý lại để mật độ trạm thu phí dày đặc như thế?
* Những lời phàn nàn
Làm một cuộc phỏng vấn nhỏ với 10 tài xế xe vận tải hành khách trong khu vực miền Đông, chúng tôi nhận được những câu trả lời bức xúc rất giống nhau về tình trạng quá nhiều trạm thu phí.
“Các xe đi qua 4 trạm này chỉ phải đóng tiền 2 lần đi và về. Nhưng bất cập ở chỗ có quá nhiều trạm trên một đoạn đường ngắn gây lộn xộn, ùn tắc vào giờ cao điểm bởi xe cộ phải nối đuôi mua vé qua trạm. Nhiều người ít đi lại khu vực này phải mua vé ở tất cả trạm nên bị mất tiền oan”, một tài xế thường qua đây cho hay.
“Đi một khúc ngắn là thấy một trạm!”- Anh Hoàng Văn Toàn, lái xe cho một cơ quan nhà nước đã cáu lên như thế. “Mặc dù tiền qua trạm thu phí cơ quan thanh toán nhưng tôi ngán cái cảnh chạy một chút là gặp trạm thu phí”.
“Đi một đoạn là đóng phí mà các con đường mình chạy có tốt đâu. Nhiều con đường xuống cấp đầy ổ gà, ổ trâu, hệ thống thoát nước không đồng bộ… cũng thu phí, như trạm Định Quán trên QL20. Đường QL51 cũng làm chưa hoàn chỉnh đã thu phí, năm ngoái có nhiều vụ tai nạn giao thông vì đường hư”, anh Nguyễn Hải Phùng, tài xế xe tải nhỏ ở Bình Dương bức xúc.
Anh Lê Văn Đố, một tài xế chuyên chở vật liệu xây dựng cho các vựa nói thêm: “Trạm thu phí nhiều làm tài xế mất thời gian và nhiều người tìm cách né trạm làm hư đường nhỏ. Trạm thu phí nhiều quá cũng làm tốc độ vận chuyển chậm lại. Tôi đóng phí hàng tháng mấy triệu đồng cho các trạm ở khu vực Bình Dương và Biên Hòa khi vận chuyển hàng chưa đầy 30 cây số. Tôi biết cái khoản tiền này thì cũng đưa vào giá thành cho bà con mình thôi”.
Điều đáng nói là không chỉ cánh tài xế phàn nàn về thực trạng này mà chính người đi đường, hành khách, trong đó cán bộ công chức cũng tỏ ra không thông cảm với mạng lưới trạm thu phí dày đặc ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
* Phí chồng lên phí
Thử vào bản đồ vệ tinh của Google tại khu vực giáp ranh giữa thành phố Biên Hòa và hai huyện Tân Uyên - Thuận An của tỉnh Bình Dương, chúng ta có thể nhìn thấy mạng lưới trạm thu phí ở khu vực này dày như thế nào.
Tất nhiên, ai cũng đồng ý rằng việc đặt trạm thu phí để hoàn vốn cho các dự án giao thông là cần thiết, là phù hợp nhưng cự ly, khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng tuyến và khác tuyến thì không thể quá gần như ở miền Đông. Điều này cũng được quy định tại Thông tư 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính, trong đó quy định rõ: Khoảng cách giữa hai trạm thu phí ở trên cùng một tuyến đường phải có độ dài tối thiểu là 70 km.
Trạm thu phí tỉnh lộ 16 (TP.Biên Hòa).
Khi được hỏi vì sao mật độ trạm thu phí vượt quá quy định của Thông tư 90, một cán bộ ngành giao thông giấu tên nói rằng, đó là cách lách luật vì Thông tư 90 chỉ dành cho các đơn vị thuộc Nhà nước, còn đối với các đơn vị hoạt động theo hình thức BOT thì không bị ảnh hưởng!
Hiện nay còn rất nhiều dự án giao thông BOT đang chuẩn bị phương án xây trạm thu phí (như trường hợp cầu Đồng Nai mới, đường tránh nội thành Biên Hòa). Và vì thế, có vẻ như câu chuyện mật độ trạm vẫn còn là bài toán chưa có lối ra. Và người dân lại tiếp tục những lời càm ràm không được giải thích: Ai quản lý chuyện thu phí và công khai tài chính để dân biết được thời điểm hoàn vốn của từng tuyến đường?
Nhiều người dân có xe hơi nhưng nhà nằm giữa hai trạm thu phí đành phải gửi nhờ xe ở bên ngoài trạm. Có xe hơi nhưng đi làm ăn về nhà vẫn bị ướt mưa. Hoặc có doanh nghiệp tư nhân vận chuyển hàng chỉ cần chạy trễ lệch sang ngày khác là chịu hai lần phí. Những chuyện dở khóc dở cười của thu phí giao thông như thế không chỉ là đề tài những câu chuyện bất bình trong cánh tài xế mà xét cho cùng, sự bất hợp lý ấy sẽ dẫn đến thiệt thòi cho chính cộng đồng, cho từng người dân nghèo.
Vẫn biết nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hết sức bức thiết nên phải huy động vốn đầu tư của toàn xã hội. Và một khi nhà đầu tư bỏ vốn làm đường, cầu thì họ được phép thu phí theo quy định. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải cần phải rà soát lại để tránh tình trạng phí chồng phí như hiện nay.
Tuấn Kiệt