Thế hệ hôm nay ít người biết kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từng là con kênh đẹp nhất, nhì của TP.Hồ Chí Minh. Người Pháp, từng đặt cho nó cái tên “Arroyo de l’Avalanche - Kênh Tuyết đổ”. Trong quá trình phát triển đô thị Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần hình thành bộ mặt cảnh quan của thành phố.
Thế hệ hôm nay ít người biết kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từng là con kênh đẹp nhất, nhì của TP.Hồ Chí Minh. Người Pháp, từng đặt cho nó cái tên “Arroyo de l’Avalanche - Kênh Tuyết đổ”. Trong quá trình phát triển đô thị Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần hình thành bộ mặt cảnh quan của thành phố.
Nhiêu Lộc hôm nay không còn là một dòng nước đen bẩn thỉu cùng những khu ổ chuột hôi hám mà đã trở lại thành một phần bộ mặt cảnh quan của thành phố.
Sự trật tự, ngăn nắp do bờ kè cùng hai dải cây xanh đem lại cảnh quan tươi tắn cho dòng kênh. Khi bờ kênh được giải tỏa, rất nhiều công trình lịch sử, văn hóa đã lộ ra hấp dẫn. Môi trường tự nhiên đã phần nào được cải thiện. Tệ nạn xã hội cũng không còn ngang nhiên hoành hành, bởi không còn những góc tối, và đã có hệ thống đèn đường chiếu sáng.
* Những đòi hỏi ngày càng cao hơn
Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc kéo dài nhiều năm nhưng đến nay, vẫn còn những tiềm năng cảnh quan của không gian xanh chưa được khai thác. Dòng kênh hiện nay có thể phân thành hai đoạn: đoạn từ cầu Lê Thánh Tôn tới cầu Lê Văn Sỹ và đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ cho tới cầu số 1. Đoạn đầu có không gian yên tĩnh nhưng hình thức khô khan do thiết kế còn cứng nhắc. Nếu tiếp tục bê tông hóa hai bờ kênh, điều đó cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi vẻ đẹp vốn có của không gian cảnh quan ở đây, thậm chí, cắt đứt mối liên hệ giữa bờ kênh và mặt nước. Trong khi đó, việc xây dựng những cây cầu bê tông với mật độ quá dày như hiện nay cũng đang biến không gian dọc hai bên kênh trở thành một tuyến giao thông đường bộ tấp nập. Đây cũng là bài toán khó cho TP.Hồ Chí Minh: hoặc sử dụng không gian ven kênh như một đường giao thông thuận tiện (đương nhiên đây là giải pháp đơn giản) cho bài toán giao thông đô thị, nhưng liệu như vậy có hợp lý không trong khi áp lực của phương tiện giao thông cá nhân vẫn gia tăng hàng ngày, hoặc giữ gìn được cảnh quan vô giá này cho các thế hệ sau.
Kênh Nhiêu Lộc.
Nhu cầu sử dụng hai dải cây xanh ven kênh rất lớn: hàng ngày, người dân thuộc đủ thành phần, đủ lứa tuổi tới đây nghỉ ngơi, ngắm cảnh, tập thể dục, hò hẹn tâm tình, vui chơi… Tuy nhiên, nhà quản lý - nhà đầu tư chưa khai thác hết tiềm năng cảnh quan của kênh để đáp ứng được những nhu cầu này. Một chuyên gia nói rằng: Kinh nghiệm từ việc tổ chức không gian công cộng trên thế giới cho thấy, việc người dân tích cực tham gia nghỉ ngơi, vui chơi chính là điều kiện quyết định để chặn đứng sự quay trở lại của các tệ nạn xã hội.
* Còn thiếu mảng xanh
Theo các nhà chuyên môn, hai dải cây xanh dọc kênh hiện chỉ mang hình thức “dải cách ly”. Điều dễ thấy nhất là ở đây thiếu phương tiện cho người dân ngồi nghỉ và thực tế các thảm cỏ đã lấn hết diện tích có thể lắp đặt băng ghế. Hiện nay, cảnh người dân ngồi chơi trên hai dải xích sắt lan can bờ kè rất phổ biến, chỉ cần chút sơ suất là có thể xảy ra tai nạn.
Hai dải cây xanh ven kênh cũng chưa bố trí tốt chỗ cho trẻ em vui chơi và sân bãi để tập thể dục. Do đó, mọi người phải buộc lòng bước lên bãi cỏ xanh mướt được chăm sóc kỹ lưỡng. Ngoài việc gây hư hỏng cây xanh và thảm cỏ, gây tốn kém cho việc bảo dưỡng, về lâu dài điều này sẽ gây nên tâm lý thiếu ý thức tôn trọng không gian công cộng, dễ dàng dẫn tới sự phá hoại. Để có một sân chơi cho trẻ em thực ra không quá phức tạp và tốn kém: chỉ cần một hố cát, một cầu trượt hay mấy chiếc đu quay. Chiều rộng dải cây xanh này hoàn toàn cho phép ta bỏ hẳn một mảng thảm cỏ để làm điều đó.
Tại các mảng xanh ở đây cũng còn thiếu hệ thống các biển chỉ dẫn - thông tin, dù che - mái che mưa nắng, thùng chứa rác và nhà vệ sinh công cộng. Ngoài công dụng phục vụ cho nhu cầu người dân, các tiện nghi này sẽ tạo nên một hình ảnh ngăn nắp, trật tự cho công viên cây xanh, hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh chung trong cộng đồng cư dân.
* Để cộng đồng sáng tạo
Lâu nay, rất ít những sự kiện - hoạt động xã hội, hoạt động vui chơi giải trí được tổ chức dọc kênh và hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Theo các nhà quản lý văn hóa, việc tập trung tổ chức các lễ hội, các trò chơi tập thể, hoạt động vui chơi giải trí, khuyến khích các hoạt động văn hóa cộng đồng v.v… diễn ra trên mặt kênh và hai bên bờ kênh sẽ góp phần tạo nên “linh hồn” cho dòng kênh ấy, đẩy lùi ấn tượng về một kênh nước đen thuở nào. Có người đưa ra ý tưởng: Nhà nước nên đứng ra phát động các cuộc thi sáng tác, thiết kế các biểu trưng cho công viên ven kênh, thiết kế những mẫu thùng rác, thiết bị chiếu sáng công cộng, biển chỉ dẫn - thông tin, dù che - mái che, quầy thông tin - kiosk, băng ghế, các điêu khắc trang trí v.v… nhằm giúp gắn bó chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa người dân với không gian dòng kênh. Thành phố cũng có thể đứng ra huy động các cộng đồng cư dân ven kênh đóng góp xây dựng những sân chơi cho riêng họ trên từng đoạn bờ kênh.
Khi người dân cùng tham gia sáng tạo cho cảnh quan của nơi mình sống thì kênh Nhiêu Lộc sẽ góp phần hun đúc nên “hồn đô thị” của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh.
Đến bao giờ người dân Sài Gòn có thể chèo thuyền vui chơi trên dòng kênh Nhiêu Lộc như người Paris chèo thuyền trên sông Seine hay phơi mình tắm nắng trên những bãi cát nhân tạo ven sông Seine? Nếu có những dự án khả thi, Nhiêu Lộc hoàn toàn có thể trở thành dòng kênh của thơ ca và âm nhạc trong một tương lai không xa.
Lý Thế Dân