Báo Đồng Nai điện tử
En

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu: Mở rộng thị trường để tăng kim ngạch

11:10, 24/10/2011

Thiên nhiên ban tặng cho Bà Rịa -Vũng Tàu bờ biển dài hơn 160 km và là vùng biển có trữ lượng hải sản khá dồi dào, là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước. Nghề cá bao năm qua đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế cũng như kim ngạch xuất khẩu của tỉnh…

Thiên nhiên ban tặng cho Bà Rịa -Vũng Tàu bờ biển dài hơn 160 km và là vùng biển có trữ lượng hải sản khá dồi dào, là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước. Nghề cá bao năm qua đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế cũng như kim ngạch xuất khẩu của tỉnh…

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có trên 5.000 tàu đánh cá với tổng sản lượng khai thác đạt trên 300 ngàn tấn. Những năm qua, nghề khai thác hải sản chuyển dần sang đánh bắt xa bờ, giảm những nghề gây suy kiệt, sát hại nguồn lợi thủy sản. Các công trình hậu cần nghề cá từng bước được đầu tư.

Làng chài.
Làng chài.

Ngành thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển cân đối, vừa khai thác đánh bắt xa bờ, gần bờ, vừa phát triển nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Mấy năm gần đây, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh này phát triển mạnh, phần lớn hộ dân chuyển đổi trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản có thu nhập khá hơn trước. Bà con nuôi trồng thủy sản tập trung vào các vùng nuôi tôm công nghiệp chính như Lộc An (huyện Đất Đỏ); Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc); Long Hương (TX. Bà Rịa); Hội Bài (huyện Tân Thành) và một số vùng nuôi cá và các loại thủy sản khác, như: vùng nuôi cá xuất khẩu trên sông Chà Và (chủ yếu là nuôi cá lồng bè), vùng nuôi ngọc trai, ốc hương và cá mú tại Côn Đảo, vùng nuôi cá nước ngọt tập trung tại: TX. Bà Rịa và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.

Những năm qua, hoạt động chế biến hải sản của tỉnh này cũng phát triển nhanh để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã xuất khẩu được 70.981 tấn hải sản các loại, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2010, đạt hơn 71% so với kế hoạch năm 2011. Tuy sản lượng xuất khẩu tăng không đáng kể, nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu thủy sản của toàn tỉnh đạt hơn 222,2 triệu USD, tăng 25,6% cùng kỳ.

Một cán bộ ngành thủy sản tỉnh này cho biết thêm, dù nguồn nguyên liệu khan hiếm, chi phí sản xuất tăng cao, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn tăng cả về sản lượng và kim ngạch. Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất, nhập khẩu thủy sản của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa ra nhiều chiến lược, như: đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng tinh chế, nâng giá trị gia tăng sản phẩm. Các mặt hàng giá trị gia tăng như seafood mix với nguyên liệu làm từ mực, bạch tuộc và tôm. Hàng đông lạnh với những sản phẩm như mực nút nguyên con làm sạch, mực ống nguyên con làm sạch, mực nang sashimi, râu bạch tuộc cắt, bạch tuộc, surimi, cá lưỡi trâu dán bột, cá trích tẩm cốm. Ngoài ra còn có sản phẩm là hàng khô như cá chỉ vàng fillet, cá đổng, cá trích… Đây là những sản phẩm được ưa chuộng tại các thị trường châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Ngoài các thị trường truyền thống như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, trong thời gia qua, nhiều doanh nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã khai thác được thêm những thị trường mới như Brazil, Canada, Philippines, Ukraine. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang mở rộng thị trường sang các nước có tiềm năng lớn là Hàn Quốc và Trung Quốc.

Các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này ở Bà Rịa - Vũng Tàu là Công ty cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 9 tháng đầu 2011, doanh nghiệp đã xuất khẩu được gần 5.000 tấn sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,4 triệu USD, tăng hơn 5 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 104% so với kế hoạch năm 2011. Công ty cổ phần thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo trong 9 tháng năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này cũng tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái… Được biết, từ đầu năm đến nay thị trường xuất khẩu thủy sản khá thuận lợi, các doanh nghiệp đều ký được đơn đặt hàng dài hạn. Trong thời gian tới đây, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại châu Á và châu Âu sẽ tăng. Nguyên nhân là do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, chính vì thế, nhu cầu tiêu dùng đã chuyển sang lựa chọn các sản phẩm thủy sản cho đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cơ hội cho ngành xuất khẩu thủy sản tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất, nhập khẩu đang lo lắng trước tình trạng thiếu nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng. Để khắc phục khó khăn trên, các doanh nghiệp thủy sản đang mạnh dạn phát triển các mặt hàng mới, đầu tư nâng cấp công nghệ chế biến, tạo ra các sản phẩm tinh chế có giá trị xuất khẩu cao. Giữ vững các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, EU, đồng thời phát triển thêm các thị trường mới.

Kim Vân

 

Tin xem nhiều