Nhịp sống đô thị ở miền Đông Nam bộ nói chung, TP.Hồ Chí Minh nói riêng luôn sôi động. Một hình ảnh khá tiêu biểu cho nét sôi động của vùng đô thị công nghiệp này là… cơm trưa công sở. Với dân làm văn phòng, công chức nhà nước hay nhân viên doanh nghiệp, cơm trưa công sở là nhu cầu gần gũi và hiện đại.
Nhịp sống đô thị ở miền Đông Nam bộ nói chung, TP.Hồ Chí Minh nói riêng luôn sôi động. Một hình ảnh khá tiêu biểu cho nét sôi động của vùng đô thị công nghiệp này là… cơm trưa công sở. Với dân làm văn phòng, công chức nhà nước hay nhân viên doanh nghiệp, cơm trưa công sở là nhu cầu gần gũi và hiện đại.
Hiện đại và gần gũi bởi bữa trưa của dân công sở là cuộc gặp gỡ ngắn để trao đổi, là dịp để tranh thủ lướt web, đọc báo, trả lời email riêng hay để nhắn tin nhanh, gọi điện về nhà cho con chứ không chỉ giải quyết nhu cầu… no bụng.
* Chỗ nào cũng có, giá nào cũng có
Ở hầu hết các quận nội thành TP.Hồ Chí Minh và trung tâm các huyện ngoại thành đều có cơm trưa công sở. Nhưng đó không phải là quán cơm như hình thức nhà hàng mà đa phần là quán cà phê. Nếu bây giờ vào buổi trưa, bạn đến với khu vực Hồ Con Rùa hoặc các con đường ở quận 1, quận 3, như: Ngô Thời Nhiệm, Nguyễn Thị Diệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Tú Xương..., bạn sẽ chứng kiến cảnh các công chức, nhân viên, doanh nhân dập dìu xe hơi, xe máy đến khu cơm trưa văn phòng có wifi này. Điểm chung ở các quán cơm trưa công sở dưới dạng quán cà phê này là có máy lạnh, có không gian lịch thiệp, có sự phục vụ chu đáo và tất nhiên có cơm trưa với giá cả hợp lý.
Các quán cơm trưa công sở thường có phong cách lịch sự, ấm áp. Ảnh: Xuân Vinh
Những năm gần đây, khi nhận thức về vệ sinh thực phẩm ngày càng cao, nhu cầu cơm trưa công sở cũng tăng lên và mô hình các quán cà phê nâng thành quán cơm trưa công sở cũng tăng theo. Tên gọi là quán cà phê nhưng giờ đây chủ quán không đơn thuần kinh doanh thức uống mà chuyển sang đầu tư cho cơm trưa văn phòng, thậm chí còn kinh doanh ăn sáng, có nơi làm cả hình thức buffet. Thực đơn ban đầu còn đơn điệu chỉ với cơm, món mặn và món canh, giờ đây, do cạnh tranh, các quán này cũng tạo ra nhiều sự chọn lựa phong phú cho thực khách và đặc biệt, tạo không khí đầm ấm như bữa cơm gia đình và không tăng giá giữa thời giá tăng.
* Văn hóa ẩm thực
Cơm trưa văn phòng như một nét đặc trưng của nếp sống thị dân. Nếu thời bao cấp trước đây và một thời gian dài sau đổi mới, dân công sở vẫn còn mang “cà mèn” đến công sở thì nhiều năm qua, chuyện đó đã “xưa rồi Diễm”. Cơm trưa văn phòng giờ đây như một nếp văn minh.
Và bởi nó là biểu hiện văn minh nên thực khách cần được ăn uống lịch thiệp, trang nhã. Các chủ quán đánh vào tâm lý này nên đã đầu tư chỉn chu hơn về thực đơn. Phổ biến là thực đơn năm món: cơm trắng, món mặn, món xào, món canh và tráng miệng;cơm phần hoặc cơm theo set. Bàn ăn, món ăn, đồ dùng ăn cơm phải đảm bảo tiêu chí sạch sẽ, tinh tươm với các món ăn được tạo hình, tạo màu sắc. Màu trắng tinh của cơm, của chiếc đĩa trắng, màu xanh của rau sống, sa lát tươi ngon, rau xào; màu đỏ của cà chua, ớt; màu vàng của những lát thơm trong bát canh chua... Cá, thịt trong các đĩa phải được trang trí sống động, hấp dẫn.
Đã qua rồi cái thời cơm hộp, cơm dĩa với thực đơn hơn chục món mặn không thay đổi, món xào, món canh... đơn điệu. Giờ đây, giới làm văn phòng chuộng kiểu cơm phần như cơm gia đình. Có nơi chia thực đơn theo phần từ 2 - 6 người, mỗi phần có từ 6 - 7 món, gồm các món: luộc, chiên, kho, canh… và dùng tráng miệng chè hoặc trái cây. Giá trung bình 50 ngàn đồng/phần.
Cũng đã có một số quán khai thác phong cách ẩm thực theo vùng miền như món ăn Huế, món Bắc, món xứ Quảng. Chị Ánh Mai, nhân viên một công ty truyền thông nói: “Ăn cơm văn phòng giờ đây giống như ở nhà. Mọi người cùng bàn chuyện công việc, chuyện riêng, góp vui”. Ông Đặng Thành Nam, một chủ quán trên đường Võ Văn Tần cho biết: “Tất cả các quán đều đặt gần những khu vực công sở nên biết đặc điểm của khách hàng mình phục vụ và chọn lựa cách bày trí, chọn lựa thực đơn phù hợp. Công chức nhà nước hay nhân viên văn phòng buổi trưa ngại đi xa, nên khách chủ yếu vẫn là khách quen. Đôi khi, quán còn bán được cơm cho cả đoàn khách của những công sở có khách”.
Nét văn hóa của cơm trưa công sở Sài Gòn thể hiện rõ nét trong trang phục của thực khách. Ở đây, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những phụ nữ mặc váy, giày cao, tóc búi hoặc xõa xoăn nhẹ; đàn ông mang laptop, quần áo lịch sự hoặc cả bàn cùng đồng phục. Người ăn dùng bữa không ồn ào, nói chuyện vừa phải, trao đổi công việc từ tốn.
Nét văn hóa của cơm trưa công sở Sài Gòn còn ở chỗ quán ăn có âm nhạc và không khói thuốc. Nhiều quán bố trí các phòng đặc biệt cho người hút thuốc, nhưng có quán tuyệt đối cấm thuốc lá.
* Và câu chuyện giá cả
Chỗ ngồi thoải mái, món ăn ít dầu mỡ, rau nhiều, chế biến sạch sẽ, hương vị phù hợp với số đông… là những gì mà người ta nói về cơm trưa công sở. Tất nhiên, không phải công chức, nhân viên nào cũng chịu nổi giá cả cơm trưa văn phòng. Hiện nay, giá bình quân 40 - 50 ngàn đồng cho một bữa trưa (với bốn món, ly trà đá, một khăn lạnh) không phải ai cũng thấy rẻ nếu thu nhập dưới 5 triệu đồng.
Tình hình giá cả leo thang hiện nay đã buộc nhiều quán cà phê - cơm trưa lác đác tăng giá. Giải pháp của đa số nhân viên văn phòng hiện nay là đi ăn chung để giảm chi phí hoặc kêu các món ăn cực rẻ như… cà muối, canh. Có người gọi cơm hộp ở các quán bình dân mang tới thêm. Có người mang theo cơm hoặc thức ăn nấu sẵn ở nhà, ra quán chỉ gọi nước uống.
Đa số giới chủ quán cũng làm hết sức để giảm chi phí đầu vào và không tăng giá nhiều để giữ khách và tạo ra các dịch vụ gia tăng khác như mua các loại báo, đặt các máy vi tính nối mạng để phục vụ thêm cho khách.
Ông Nguyễn Thành An, chủ một quán cà phê - cơm trưa ở đường Hai Bà Trưng khẳng định: Dù sao, cơm trưa công sở ngày càng được nhiều người chọn lựa và ngày càng có nhiều mức giá phục vụ khác nhau nên đây là dịch vụ còn liên tục phát triển. Giá cả cũng chi phối một phần nhỏ thôi. Cái chính là khách hàng cảm thấy an tâm, an toàn và được thư giãn nếu chọn lựa ăn trưa ở các quán cơm văn phòng đầu tư tốt.
Chị Hương Giang, giảng viên Đại học Khoa học xã hội - nhân văn nói thêm: “Cũng hơi xót tiền nhưng mình có những phút giây thư giãn, có thể chợp mắt một tí trước khi vào dạy ca chiều. Nhà mình ở tận Gò Vấp, về đến nhà nấu ăn làm sao quay lên dạy kịp. Đôi khi, đi ăn với đồng nghiệp còn trao đổi được nhiều điều thú vị và bổ ích nữa”.
Minh Hồng