So với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm, Bình Phước có tốc độ thu hút đầu tư còn thấp. Lâu nay, tỉnh đã mở ra nhiều khu công nghiệp trên diện tích 5.219 hécta nằm rải đều trên nhiều địa phương. Theo con số thống kê mới nhất, hiện chỉ có 581 hécta diện tích công nghiệp được lấp đầy, đạt 11,1%…
So với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm, Bình Phước có tốc độ thu hút đầu tư còn thấp. Lâu nay, tỉnh đã mở ra nhiều khu công nghiệp trên diện tích 5.219 hécta nằm rải đều trên nhiều địa phương. Theo con số thống kê mới nhất, hiện chỉ có 581 hécta diện tích công nghiệp được lấp đầy, đạt 11,1%…
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Phước nói thêm: Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên hơn 6.857 km2 nhưng quy hoạch công nghiệp chiếm 0,76% tổng diện tích này. Hiện Bình Phước có 8 Khu công nghiệp (KCN) với 18 tiểu khu và 1 Khu Kinh tế cửa khẩu. Sau hơn 14 năm tái lập tỉnh, chỉ có khoảng 90 doanh nghiệp đến đầu tư, bình quân mỗi tiểu khu có vài đơn vị đến làm ăn. Tính đến nay, tổng số vốn đầu tư trong các KCN toàn tỉnh là 416 triệu USD và hơn 5.688 tỷ đồng. Nhưng đó là vốn đăng ký, vốn thực hiện chỉ khoảng 150 tỷ đồng và 121 triệu USD.
Nhà máy chế biến gỗ MDF tại Khu công nghiệp Minh Hưng III do Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam và tập đoàn DongWha (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng.
Điểm sáng nhất trong hệ thống các KCN ở Bình Phước là KCN Minh Hưng - Hàn Quốc. Đây là KCN có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 83%. Các đơn vị tiếp theo có tỷ lệ lấp đầy rất thấp như KCN Minh Hưng III chỉ có 27,2%, KCN Bắc Đồng Phú 18,4%, KCN Tân Khai 11,8%.
Bên cạnh đó, còn khá nhiều KCN mở ra rồi bỏ hoang không có ai đầu tư, như trường hợp KCN Tân Khai II, KCN Việt Kiều Tân Khai, KCN Thanh Bình, KCN Đồng Xoài II, KCN Đồng Xoài III, KCN Nam Đồng Xoài, KCN Sài Gòn - Bình Phước, KCN Becamex - Bình Phước, KCN Đại An…
Nhiều trường hợp những KCN mở ra nhưng các nhà đầu tư không thực hiện cam kết ban đầu nên UBND tỉnh Bình Phước phải thu hồi như KCN Bình Phước - Đài Loan hơn 486 hécta.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình, đến nay, Bình Phước mới đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho kết cấu hạ tầng của hai KCN. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 75 tỷ đồng và còn lại là vốn địa phương. So với nhu cầu của 18 tiểu khu công nghiệp và một khu kinh tế cửa khẩu, thì Bình Phước còn cần trên 50 ngàn tỷ đồng. Cái khó của Bình Phước hiện nay là nguồn ngân sách địa phương eo hẹp không kham nổi. Theo Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg ngày 19-3-2009 của Thủ tướng Chính phủ thì Trung ương chỉ hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho mỗi tỉnh không quá hai KCN. Trong khi đó, hiện Bình Phước cần một con số đầu tư khoảng 40 lần con số Chính phủ đã hỗ trợ.
Ngân sách địa phương còn thiếu, Bình Phước sẽ khó kham nổi việc đầu tư hạ tầng hàng chục KCN đã quy hoạch. Và như thế, con đường thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước của tỉnh này còn quá nhiều khó khăn.
Đông Dương