Ngày 7-5-2009, dòng sông Vàm Cỏ tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, Tây Ninh xảy ra một vụ chết cá hàng loạt mà Hội Nông dân - qua thống kê trong 18 hộ nuôi cá bè - cho biết, thiệt hại trên 12,5 tỷ đồng. Đã hơn 3 năm qua, người dân làng bè này vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng về nguyên nhân chết cá. Trong khi đó, câu chuyện ô nhiễm đầu nguồn sông Vàm Cỏ lại ngày càng diễn biến xấu hơn…
Ngày 7-5-2009, dòng sông Vàm Cỏ tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, Tây Ninh xảy ra một vụ chết cá hàng loạt mà Hội Nông dân - qua thống kê trong 18 hộ nuôi cá bè - cho biết, thiệt hại trên 12,5 tỷ đồng. Đã hơn 3 năm qua, người dân làng bè này vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng về nguyên nhân chết cá. Trong khi đó, câu chuyện ô nhiễm đầu nguồn sông Vàm Cỏ lại ngày càng diễn biến xấu hơn…
Người dân làng bè Phước Vinh hiện còn giữ một đoạn video clip ghi hình cá chết nổi trắng dòng sông và mẫu nước trong thời điểm đó như một bằng chứng.
* Từ câu chuyện cá chết hàng loạt...
Ông Nguyễn Minh Dũng, một nông dân nuôi cá bè ở đây bức xúc: Bà con vay tiền ngân hàng để nuôi cá nhưng đến nay sau vụ cá chết, bà con phải tự gánh chịu vì không ai hỗ trợ, giúp đỡ. Nguyên nhân chết cá là do lò mì Sầm Nhất xả thải từ đầu nguồn về.
Thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông hiện cũng đang hứng chịu nhiều nguồn nước thải ô nhiễm do sản xuất và sinh hoạt. |
Ông Lê Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã nói thêm: Tất nhiên việc quy trách nhiệm phải dựa trên những chứng cứ. Đảng ủy, chính quyền xã cũng đã kiến nghị nhiều lần để làm sáng tỏ vụ này. Nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Cơ quan chức năng nói chưa tìm được nguyên nhân do bà con báo tin chậm, cơ quan giám sát môi trường không lấy đúng mẫu nước để phân tích. Vụ chết cá này đã khiến 13 hộ phải bỏ nghề nuôi cá. Nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn vì hết vốn làm ăn.
Hành vi xả nước thải ra sông Vàm Cỏ của nhiều cơ sở sản xuất tại Tây Ninh hiện vẫn diễn ra dưới nhiều mức độ tinh vi khác nhau. Các cơ sở lợi dụng những lúc mưa lớn, triều cường, những ngày nghỉ để mở các hầm chứa đổ ra sông suối.
Những người dân xã Hòa Bình, huyện Tân Biên, khu vực thượng nguồn dòng Vàm Cỏ, khẳng định là không thể sử dụng nước sông để ăn uống, tắm giặt vì nước đục và nặng mùi. Nhiều hộ dân giờ đây phải mua nước hợp vệ sinh với giá cao để sinh hoạt.
*... Đến phản ứng của người dân gần đây
Trên địa bàn Tây Ninh hiện có 68 nhà máy chế biến bột khoai mì, 11 nhà máy chế biến mủ cao su, 2 nhà máy chế biến đường, 11 cơ sở y tế mà đa số chất thải của các đơn vị này đều đổ ra trực tiếp hoặc ra các chi lưu của Vàm Cỏ Đông.
Tại dòng kênh tiêu TN16, thuộc xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, Tây Ninh, khu vực gần cầu Đoạn Trần hiện có nhiều miệng cống thải mà chỉ bằng mắt và mũi cũng có thể hình dung đây là nước thải ô nhiễm nặng. Khu vực này có 20 lò chế biến bột mì tư nhân hoạt động. Thực tế 2 năm qua, khu vực này đã được ngành môi trường chấn chỉnh hoạt động sản xuất nhưng việc xả thải sau đó vẫn diễn ra. Doanh nghiệp tư nhân Đoàn Thanh Tòng dù đã bị đình chỉ hoạt động vẫn cố tình xé niêm phong, sản xuất lén lút vào ban đêm và tiếp tục thải nước ra kênh. Lượng nước thải chưa qua xử lý này sẽ xuôi dòng kênh tiêu khoảng 6km để rồi hòa chung với nước sông Vàm Cỏ Đông.
Tại ấp Hòa Bình, xã Hòa Hiệp, Tân Biên, 53 hộ dân cùng ký tên khiếu nại về ô nhiễm suối Bà Sự. Ông Nguyễn Văn Mười, một nông dân ở đây, nói thêm: Các lò chế biến bột mì ở đây sử dụng giếng khoan để hút nước ngầm, dân không có nước xài vì họ khai thác nước ngầm dữ quá. Giếng đào của dân tưới rau cũng không được nói chi nước uống. Giếng đào nước có mùi hôi thối.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh Tây Ninh, tính từ năm 2007 đến nay, đoạn sông Vàm Cỏ Đông thuộc tỉnh Tây Ninh xảy ra 6 vụ cá nuôi bè và cá tự nhiên bị chết hàng loạt. Tình trạng ô nhiễm vùng đầu nguồn Vàm Cỏ hiện nay đáng quan ngại đến mức những người nông dân hiền lành phải lên tiếng. Những lá đơn kêu cứu tập thể đang đổ về các cơ quan chức năng như trường hợp bà con ở khu vực cầu Suối Tre, xã Hòa Đông B, Tân Biên mới đây…
* Bao giờ xóa danh sách đen?
Ông Trần Khắc Phục - Chi cục phó Chi cục BVMT Tây Ninh cho biết: Từ năm 2007 tỉnh Tây Ninh đã đưa vào “danh sách đen” 108 nhà máy chế biến tinh bột mì, cao su, gạch, cơ sở y tế… thuộc diện phải xử lý ô nhiễm môi trường theo quy định giai đoạn 2007-2010, nhưng đến giữa năm 2011 chỉ có 87 cơ sở nghiêm túc thực hiện, không còn gây ô nhiễm, còn lại 21 cơ sở vì những lý do khác nhau vẫn chưa thực hiện.
Những năm qua, nỗi băn khoăn lớn nhất của người nuôi thủy sản là vấn đề ô nhiễm môi trường nước. Nghề nuôi cá bằng lồng bè mấy năm trước đây phát triển rất mạnh nay đã giảm rất nhiều.
Dòng Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ Campuchia chảy vào Việt Nam bằng 6 nhánh nhỏ. Với chiều dài 218km chảy trong nội địa nước ta, Vàm Cỏ Đông đi qua 2 huyện Tân Biên, Châu Thành của tỉnh Tây Ninh, 2 huyện Đức Hòa, Bến Lức của Long An, hợp lưu với sông Vàm Cỏ Tây tại huyện Tân Trụ và sau đó hòa vào dòng sông Đồng Nai ở Nhà Bè đổ ra biển Đông qua cửa biển Soài Rạp. Vàm Cỏ Đông có vai trò quan trọng trong đời sống của hàng chục triệu dân ở Tây Ninh, Long An và TP.Hồ Chí Minh. |
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) tỉnh Tây Ninh, các phòng TN-MT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, nhưng tiến độ triển khai còn chậm, hiệu quả vẫn chưa cao. Một trong những nguyên nhân là do nhân lực còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ.
Việc khắc phục ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất còn chậm, kéo dài, vẫn còn để xảy ra tình trạng xả lén nước thải ra sông suối. Trong năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, các ngành chức năng đã phát hiện 53 vụ vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, tổng số tiền xử phạt trên 1,8 tỷ đồng; 16 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, buộc phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Trên thực tế, số tiền phạt trong nhiều lần vi phạm cũng là quá nhỏ so với số tiền đầu tư hệ thống xử lý hàng tỷ đồng. Do vậy, nhiều cơ sở chọn cách đóng phạt nếu không may bị phát hiện, hơn là phải tự bỏ quá nhiều tiền để đầu tư hệ thống xử lý.
***
Dòng Vàm Cỏ Đông từng đi vào thơ ca nhạc họa, từng được người dân cả nước biết đến qua bài ca vọng cổ nổi tiếng “Dòng sông quê em”. Nhưng “Vàm Cỏ Đông nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng” sẽ mất đi nếu không kịp thời bảo vệ sông trước tác động xấu do phát triển công nghiệp. Đó là chưa kể một số nhà máy thuộc Campuchia nằm kề cận biên giới vẫn xả nước thải chưa qua xử lý. Không sớm khắc phục ô nhiễm thượng nguồn, thì ẩn họa đối với hạ nguồn Vàm Cỏ Đông, trong đó có sông Đồng Nai vẫn còn treo lơ lửng.
Hồng Việt