Trong quá trình phát triển đô thị bền vững, hai thách thức đối với TP.Hồ Chí Minh hiện nay là quy mô dân số quá lớn (7,2 triệu dân theo kết quả điều tra dân số năm 2009) và tình trạng dân nhập cư tăng quá nhanh những năm gần đây. Bức tranh người nhập cư ở thành phố năng động này tồn tại song song hai mảng sáng tối và vấn đề dân nhập cư cũng là bài toán quản lý đang đặt ra hôm nay…
Trong quá trình phát triển đô thị bền vững, hai thách thức đối với TP.Hồ Chí Minh hiện nay là quy mô dân số quá lớn (7,2 triệu dân theo kết quả điều tra dân số năm 2009) và tình trạng dân nhập cư tăng quá nhanh những năm gần đây. Bức tranh người nhập cư ở thành phố năng động này tồn tại song song hai mảng sáng tối và vấn đề dân nhập cư cũng là bài toán quản lý đang đặt ra hôm nay…
Hiện có người nói rằng TP.Hồ Chí Minh là một Việt Nam thu nhỏ, vì ở đây có đủ các nguồn dân từ các tỉnh, thành, các dân tộc trong cả nước về mưu sinh và học tập. Quá trình di dân này có tính quy luật trong phát triển, xuất phát từ tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, nhất là các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Theo một số liệu thống kê chưa đầy đủ, dân nhập cư ở TP.Hồ Chí Minh chiếm khoảng 1,3 triệu người.
* Một đội quân lao động lớn
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hầu, làm nông ở Thanh Hóa, gia đình khó khăn, 5 năm qua đã đưa các con vào sống trong một căn nhà trọ tồi tàn ở phường 11, quận Gò Vấp. Chồng đi làm xe ôm, chị đi bán hàng rong. Hiện chị đã lo cho các con học hành ổn định. Chị cho rằng không có nơi đâu dễ sinh sống như ở TP.Hồ Chí Minh. Nếu ở quê giờ này chắc các con chị không thể đi học được. Chị nói rằng, chắc chắn đến thế hệ con mình, đời sống sẽ khá hơn.
Những người dân Quảng Ngãi nhập cư bán hàng rong góc đường Pasteur - Võ Thị Sáu.
Bạn Trần Thành An, quê Hà Tĩnh, sau khi tốt nghiệp Đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, đã quyết tâm ở lại mảnh đất này vì cho rằng cơ hội việc làm không ở đâu bằng. Hiện nay An đã có việc làm ở một cơ sở dịch vụ môi trường và có thu nhập bình quân mỗi tháng 7 triệu đồng.
Đó là hai trong số hàng triệu trường hợp quyết tâm đến với mảnh đất năng động này. Các nghiên cứu xã hội học cũng chỉ ra những con số về độ tuổi, về trình độ và những công việc của người nhập cư ở TP.Hồ Chí Minh. Và các con số đó cho thấy, hiện người nhập cư là đội quân lao động lớn ở đô thị này từ người bán hàng rong, thợ hồ, công nhân dệt da, may mặc đến những trí thức… trong các khu chế xuất, các cơ sở kỹ thuật... Đa phần những người nghèo và trình độ kém thì tham gia vào lực lượng mua bán ve chai, bán báo, đánh giày, giúp việc nhà...
Có thể nói, đội quân lao động nhập cư này có đóng góp nhất định trong sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Mặt khác, nguồn tài chính hàng tháng họ gửi về cho gia đình cũng góp phần cải thiện cuộc sống, làm giàu cho chính bản thân và quê hương họ.
Nhưng, đó là nhìn ở một bình diện tích cực. Còn một hệ lụy xã hội khác: người nhập cư ngày càng đổ dồn về làm cho TP.Hồ Chí Minh ngày một quá tải.
* Quá tải các dịch vụ
Mật độ dân số trung bình hiện nay tại TP.Hồ Chí Minh là 3.400 người/km2, trong đó mật độ dân số tại các quận nội thành cao gần gấp năm lần các huyện ngoại thành. Bệnh viện, nhà hộ sinh, trạm xá không còn đủ chỗ cho bệnh nhân. Có khoảng 30 - 35% bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện là người có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh, thành khác.
Lượng người nhập cư ngày càng đông đã góp phần làm cho lưu thông tại thành phố thường xuyên tắc nghẽn, số vụ tai nạn giao thông tiếp tục gia tăng.
Các khu nhà trọ bình dân tự phát xuất hiện ở khắp nơi để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người nhập cư. Tệ nạn xã hội và tội phạm vì thế cũng gia tăng. Có nhiều vụ án do người ngoại tỉnh gây ra đã tạo không ít khó khăn cho cơ quan điều tra. Nhiều cơ sở đăng ký kinh doanh lưu trú bình dân (nhà cho thuê) không thực hiện đầy đủ các quy định về an ninh trật tự, là điều kiện cho các đối tượng có lệnh truy nã, đồng thời là nơi để các loại tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, ma túy... lén lút hoạt động.
Nhiều gia đình đã dắt díu nhau tha hương lên thành phố chỉ mong có một cuộc sống tốt hơn. Tại một số tuyến đường, lòng đường được trưng dụng làm nơi buôn bán. Nơi nào buôn bán được, họ đẩy các xe đẩy đến, tạo thành một dãy dài. Hễ có lực lượng kiểm tra thì tạm lắng, không có người lại tụ tập buôn bán. Lâu ngày, nơi đây hình thành khu buôn bán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị... Cá biệt, có trường hợp không việc làm ổn định, lại nặng gánh con đông, nhiều trụ cột gia đình lâm vào con đường nghiện ngập rượu chè, cờ bạc...
* Bài toán quản lý
Quản lý dân cư là một bộ phận của chính sách quản lý đô thị, trong đó quản lý dân nhập cư là cần thiết cho việc quy hoạch và phát triển đô thị. Nhiều năm qua, chính quyền TP.Hồ Chí Minh cũng đã đầu tư ngân sách rất lớn cho vấn đề dân nhập cư. Các giải pháp để quản lý như việc xuất trình giấy CMND, thực hiện đăng ký tạm trú và phải ở đúng địa chỉ nơi đăng ký, khi thay đổi phải thông báo với chính quyền địa phương hiện vẫn chưa hiệu quả. Vấn đề tạo ra chỗ ở cho người nhập cư cũng như việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng lao động phổ thông ra khỏi nội thành cũng được đặt ra.
Người dân nhập cư thường ở trong những khu nhà trọ.
Rõ ràng người nhập cư có góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.Hồ Chí Minh, thậm chí có con số nghiên cứu cho rằng họ đóng góp cho địa phương này khoảng 30% GDP mỗi năm. Và vì thế, cần nhìn nhận việc di cư như một xu hướng xã hội tất yếu, tích cực, và cần có chính sách chăm sóc cho di dân hơn là coi di dân như là gánh nặng xã hội cần phải dứt bỏ xuất phát từ thực trạng khó khăn của nhiều địa phương khác trong cả nước.
Những chính sách quản lý vấn đề nhập cư cũng phải là những chính sách vĩ mô của Nhà nước. Trong đó, việc các tỉnh thành khác có cơ chế thực sự thu hút lao động chất xám, sinh viên ra trường về tỉnh; lôi kéo các nhà đầu tư về địa phương cũng sẽ góp phần hạn chế sự quá tải của TP.Hồ Chí Minh. Bởi, khi đó nhiều người sẽ “ly nông bất ly hương”, không cần đổ về đây để mưu sinh.
Minh Hạnh