“Mười tám thôn vườn trầu”, cái địa danh khá dài nhưng đa số người Việt Nam đều biết đến bởi đây là vùng đất rất nổi tiếng. Ngày nay, địa giới chủ yếu của “Mười tám thôn vườn trầu” là huyện Hóc Môn và Quận 12, TP.Hồ Chí Minh.
“Mười tám thôn vườn trầu”, cái địa danh khá dài nhưng đa số người Việt Nam đều biết đến bởi đây là vùng đất rất nổi tiếng. Ngày nay, địa giới chủ yếu của “Mười tám thôn vườn trầu” là huyện Hóc Môn và Quận 12, TP.Hồ Chí Minh.
Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã viết: “Khi trước có 18 thôn phụ giữ nơi ấy, dân cư ở đây rất đông đúc, tạo thành một chợ lớn ở miền núi. Dân nơi đây đều có sản nghiệp, phần nhiều là vườn trầu, họ thường gánh trầu đi bộ từng nhóm 3, 4 mươi người xuống bán ở hai chợ Sài Gòn và Bến Nghé. Nơi đây còn nhiều rừng rậm, cọp dữ thường hay bắt người ăn thịt nên có câu: Hung dữ như cọp Vườn Trầu”.
* Một căn cứ chống giặc Pháp
Nói đến vùng đất này, người ta thường nghĩ đến vùng chuyên canh cây trầu lừng danh mấy thế kỷ. Do đặc điểm thổ nhưỡng tốt, phù hợp với cây trầu, nơi đây đã thành vùng cung cấp trầu cau cho khắp Nam bộ. Đầu thế kỷ 19, “Mười tám thôn vườn trầu” là vùng dân cư trù mật với những phiên chợ trầu sầm uất. Các vườn trầu vươn màu xanh bất tận cả vùng quê. Nghề nuôi ngựa, nuôi gà chọi ở đây cũng khá nổi tiếng.
Tượng đài ở Khu di tích ngã ba Giồng - Hóc Môn.
Nhưng cái làm nên tiếng tăm của vùng đất này chính là truyền thống đánh giặc. Sau khi Pháp chiếm thành Gia Định, rồi mở rộng chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ, nghĩa quân Trương Định - Trương Quyền từng đặt một căn cứ liên lạc tại vùng này, chính xác là khu vực Bà Điểm (nay là xã Bà Điểm), Nguyễn Ảnh Thủ cũng lấy đây là căn cứ phát động khởi nghĩa chống Pháp vào năm 1871. Sau đó, vào 1879, Phan Văn Hớn, một nông dân giỏi võ, mưu trí, tính cách hào phóng, ngay thẳng, cũng trở thành lãnh tụ phong trào nông dân ở đây.
Năm 1930, khi Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời thì “Mười tám thôn vườn trầu” được chọn làm hậu cứ, nơi nuôi dưỡng cán bộ lãnh đạo của Ðảng, nơi cất giấu tài liệu bí mật của Ðảng. Trong khoảng thời gian năm 1930 - 1940, bà con đã bảo vệ, nuôi nấng nhiều chiến sĩ cộng sản, nhiều người con ưu tú của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam: Nguyễn Văn Cừ, Phan Ðăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn.
* Một địa chỉ đỏ của Đảng
Trước Cách mạng tháng Tám, Trung ương Ðảng đã từng tổ chức ở đây nhiều cuộc họp quan trọng. Tháng 3-1937, Trung ương Ðảng họp hội nghị mở rộng kiểm điểm tình hình, bàn chủ trương biện pháp cụ thể, nhất là công tác mặt trận và công tác đấu tranh hợp pháp để đẩy mạnh phong trào cách mạng. Tháng 3-1938, Trung ương Ðảng họp hội nghị toàn thể kiểm điểm ưu khuyết điểm về các mặt công tác: xây dựng Ðảng, tổ chức quần chúng, xây dựng mặt trận. Từ ngày 6 đến 8-11-1939, hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 6 khai mạc tại ấp Tây Bắc Lân với sự tham gia của các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ (Tổng bí thư), Lê Duẩn, Phan Ðăng Lưu, Võ Văn Tần... Hội nghị đã bàn toàn diện các chủ trương của Ðảng trong tình hình mới. Ðêm 23-11-1940, khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ. Ngày đó, bà con “Mười tám thôn vườn trầu” tự vũ trang bằng gậy gộc, giáo mác đánh vào các cơ quan hành chính của thực dân Pháp. Do điều kiện chưa chín muồi, cuộc khởi nghĩa này đã thất bại. Thực dân Pháp dựng trường bắn ngay tại thị trấn Hóc Môn - chỗ ngã ba Giồng. Tại đây, những người con ưu tú của dân tộc, những cán bộ xuất sắc của Ðảng: Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Ðăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai... đã ngã xuống.
* Và một Hóc Môn phát triển hôm nay
Những con đường nhựa hay đường cấp phối, nhiều ngôi nhà cao tầng, tường xây, mái ngói đỏ au san sát đã thi nhau mọc lên nhiều năm qua trong những vùng khó khăn nhất của huyện Hóc Môn. Đất trồng trầu ngày xưa giờ đã trở thành những khu dân cư sầm uất, những cánh đồng lúa ngày nào giờ đã trở thành nơi phát triển của các dự án bất động sản.
Một góc KCN Xuân Thới Thượng nằm cạnh đường Xuyên Á, dễ dàng kết nối giao thông với miền Đông và Tây Nam Bộ.
Tỷ trọng ngành nông nghiệp từ 27% năm 2001 đến nay giảm còn 14,3%, chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, tập trung chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đưa khoa học vào cuộc sống. Công nghiệp của Hóc Môn cũng đã có sự chuyển dịch khá mạnh, từ 43,2% năm 2001 nay tăng lên 72%. Toàn huyện hiện có khoảng 2.000 cơ sở sản xuất, thu hút khoảng 30 ngàn lao động.
Hệ thống giao thông nông thôn đã phủ kín từ ấp đến khu phố với hơn 1.000km đường. Hóc Môn còn có đường Xuyên Á nối từ Campuchia về TP.Hồ Chí Minh và nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua. Đặc biệt, Hóc Môn là cửa ngõ của khu đô thị Tây Bắc, với tiềm năng đất đai phong phú (gần 11 ngàn hécta đất tự nhiên), có nhiều khả năng phát triển các ngành kinh tế và các khu vực đô thị mới.
Đã có trên 300 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó một số dự án đã đi vào hoạt động, như: cụm công nghiệp khu dân cư Nhị Xuân; dự án cụm công nghiệp Xuân Thới Sơn… Ngoài ra, hàng loạt dự án khác đang trong giai đoạn xây dựng, như: dự án trung tâm thương mại - siêu thị Tân Xuân; dự án cụm công nghiệp Cầu Dừa Đông Thạnh; dự án khu dân cư Xuân Thới Thượng…
Nguyễn Thu