Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảng biển Vũng Tàu: Tuy gần mà xa

09:08, 23/08/2011

Bà Rịa - Vũng Tàu giờ đây đã trở thành trung tâm cảng biển của cả nước. Hiện tại, địa phương này có 3 cảng nước sâu đã đi vào hoạt động và có thể đón tàu 50-110 ngàn tấn. Và, từ đây hàng hóa Việt Nam có thể trực tiếp vận chuyển đến các nước Âu Mỹ mà không phải qua các cảng trung gian. Thế nhưng khó khăn lớn nhất để phát triển cảng biển ở đây lại là vấn đề giao thông đường bộ. Trong khi hệ thống cảng biển phát triển mạnh thì ngược lại, hạ tầng giao thông phục vụ cho cảng lại khá chậm chạp...

Bà Rịa - Vũng Tàu giờ đây đã trở thành trung tâm cảng biển của cả nước. Hiện tại, địa phương này có 3 cảng nước sâu đã đi vào hoạt động và có thể đón tàu 50-110 ngàn tấn. Và, từ đây hàng hóa Việt Nam có thể trực tiếp vận chuyển đến các nước Âu Mỹ mà không phải qua các cảng trung gian. Thế nhưng khó khăn lớn nhất để phát triển cảng biển ở đây lại là vấn đề giao thông đường bộ. Trong khi hệ thống cảng biển phát triển mạnh thì ngược lại, hạ tầng giao thông phục vụ cho cảng lại khá chậm chạp...

Theo kế hoạch, đến năm 2020, với hơn 20km cảng biển, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu đạt khoảng 120 triệu tấn/năm. Từ dịch vụ này, hàng năm tỉnh có thể thu về trên 60 ngàn tỷ đồng tính theo giá trị tại thời điểm hiện nay. Nếu nạo vét, nắn dòng thì công suất hàng hóa có thể tăng từ 300 - 350 triệu tấn/năm. Đây là lợi thế mà ít có địa phương nào có và khai thác được.

 

* Thiếu vốn, thiếu mặt bằng và thiếu cả quyết tâm

Hạ tầng giao thông phục vụ cho hệ thống cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang thi công với tốc độ rất chậm do thiếu vốn, thiếu mặt bằng và thiếu cả quyết tâm của nhiều chủ thầu thi công.

Tỉnh lộ 965 - một trong những dự án thành phần quan trọng nhất trong hệ thống đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, hiện chưa hoàn thành. Theo tính toán của các cảng biển, nếu con đường này và tuyến QL51 thi công xong, mỗi ngày sẽ có khoảng 4.000 lượt xe container vào ăn hàng. Tuy nhiên, hiện nay do đường chưa làm xong nên lượng xe chỉ khoảng trên dưới 400 lượt. Điều này đã gây khó khăn cho các cảng biển trong việc thu hút hàng hóa. Các chủ hàng cũng tốn thêm một khoảng không nhỏ để trung chuyển hàng hóa bằng đường biển đến TP.Hồ Chí Minh.         

Những cảng nước sâu này chưa thể khai thác được vì thiếu hạ tầng đường bộ.         Ảnh: Đại Lâm
Những cảng nước sâu này chưa thể khai thác được vì thiếu hạ tầng đường bộ. Ảnh: Đại Lâm

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu có 21 cảng biển đang hoạt động, 12 cảng đang xây dựng, 15 cảng đang thực hiện bước chuẩn bị đầu tư và 4 dự án đang kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, lượng hàng hóa thông qua toàn cụm cảng ước đạt 45 triệu tấn. Vướng mắc của vấn đề đã được nêu ra thời gian qua, khi hệ thống giao thông chưa theo kịp tiến độ, nhiều cảng biển đã hoàn thành ở đây không thể kết nối với hệ thống giao thông. Lượng hàng hóa bốc dỡ để vận chuyển bằng đường bộ tại cảng vì thế chỉ chiếm 10%, còn lại phải vận chuyển bằng đường thủy về các cảng tại TP.Hồ Chí Minh.

Ông Nam Sik - Tổng giám đốc Công ty TNHH POSCO Việt Nam - bức xúc: “Tình trạng hiện nay của tuyến đường liên cảng gây khó khăn nhiều cho việc vận chuyển hàng hóa của một số doanh nghiệp đang hoạt động. Thời gian tới, nếu một số dự án của Công ty POSCO Việt Nam khởi công xây dựng nữa thì đơn vị càng không thể đi lại bằng tuyến đường hiện nay. Điều này dẫn đến tác động tiêu cực trong việc nhập khẩu nguyên liệu cũng như xuất khẩu hàng hóa và việc bán hàng trong nước thông qua vận chuyển bằng đường bộ”.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ - Phó tổng giám đốc cảng Cái Mép (CMIT) cho biết: “Hiện nay, tại cảng CMIT,  95% hàng hóa trung chuyển đều dùng xà lan vì đường liên cảng chưa hoàn thành. Trong khi thiết kế các cầu cảng đều phục vụ cho tàu lớn nhưng doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí để thiết kế lại nhằm giúp các xà lan tiếp cận lấy hàng. Đường liên cảng chưa hoàn thiện, QL51 chưa biết bao giờ mới làm xong đã khiến việc thu hút hàng hóa của các cảng biển rất khó khăn vì chủ hàng không muốn tốn thêm chi phí để trung chuyển, các doanh nghiệp ở Đồng Nai và Bình Dương không thể vận chuyển hàng hóa đến cảng CMIT để xuất khẩu”.

 * Bao giờ cho đến tháng 10?

Đường tỉnh lộ 965 có tổng mức đầu tư khoảng 1.031 tỷ đồng được khởi công xây dựng từ tháng 10-2008. Đây là tuyến nối QL51 vào hàng loạt các KCN, nhà máy và cảng lớn ở đây. Theo kế hoạch, tuyến đường này hoàn thành vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên đến nay, vẫn chẳng thể xác định cụ thể thời điểm nào việc thi công mới hoàn thành.

Giai đoạn 2 của dự án đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép có tổng vốn đầu tư 5.900 tỷ đồng. Trong chiến lược phát triển kinh tế của cả 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, tuyến đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép nói chung, cầu Phước An nói riêng giữ vai trò rất quan trọng, vừa góp phần giảm tải cho QL51, vừa rút gắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các cảng BR-VT đến TP.Hồ Chí Minh và đến những tỉnh thành miền Tây. Trong lúc bối cảnh thắt chặt đầu tư, nhưng chính phủ vẫn quyết định cho triển khai dự án này, bởi đây là công trình trọng điểm không chỉ giúp Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn cả nước có thể phát huy vị thế cảng biển.  

Không chỉ tuyến đường 965 và QL51 cứ triền miên kéo dài việc thi công mà dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải có chiều dài 21,3km đi qua 6 khu công nghiệp tập trung và nhóm cảng biển số 5 cũng đang bị ách tắc. Dự kiến, năm 2012 dự án này sẽ hoàn thành nhưng hiện nay mới chỉ có 4/9 dự án thành phần được triển khai. Số khác hoặc chưa xong giải phóng mặt bằng, hoặc đang chờ thủ tục pháp lý thẩm định dự án.

Ông Trần Minh Sanh - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Ngoài khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, các dự án bị chậm trễ do thiếu vốn. Chẳng hạn năm nay, tỉnh cần 850 tỷ đồng để đầu tư xây dựng dự án này nhưng chỉ được Trung ương bố trí 150 tỷ đồng. Trong nhiều lần làm việc với Thủ tướng Chính phủ và Bộ GT-VT, tỉnh đã kiến nghị vấn đề này vì việc đầu tư và đưa các dự án hạ tầng vào hoạt động không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh mà còn cả của khu vực”.

***

Hệ thống cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu nếu đi vào hoạt động đồng bộ sẽ thu hút hơn 5.000 cán bộ có trình độ chuyên môn cao của Việt Nam và các nước trên thế giới đến làm việc và sinh sống, giúp cho việc tiếp cận với khoa học kỹ thuật, tập quán kinh tế trong vận tải và khai thác cảng của thế giới được thuận lợi, đồng thời sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho 20 ngàn lao động trong vùng, từ đó cải thiện đời sống nhân dân, giúp cho sự phát triển hoàn thiện các khu đô thị biển và vùng nông thôn mới.

Song song đó, việc phát triển các ngành kinh tế cảng biển sẽ đóng góp nhiều khoản thu lớn cho ngân sách nhà nước. Đó là chưa kể nhiều hoạt động hỗ trợ khác mang lại nguồn thu cao cho các đơn vị khác như hoạt động hoa tiêu, lai dắt cứu hộ, cung cấp xăng dầu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, hoạt động dịch vụ vệ sinh tàu thuyền.v.v... Phát triển hệ thống cảng biển cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển du lịch vì nơi đây sẽ có nhiều tàu khách du lịch có trọng tải lớn ghé thăm.

Nhưng rõ ràng, nếu hệ thống giao thông đường bộ nối liền các cụm cảng không sớm hoàn thiện, không được đầu tư đồng bộ thì lợi thế riêng có của Bà Rịa - Vũng Tàu và những hiệu quả kinh tế - xã hội nói trên sẽ không thể phát huy trong thực tế.

Đức Doanh

 

(Đài PTTH Bà Rịa - Vũng Tàu)

 

 


 


 

 

 

Tin xem nhiều