Báo Đồng Nai điện tử
En

Bến phà Cát Lái chờ cầu

09:08, 16/08/2011

Kể từ khi cây cầu Phú Mỹ thông xe và đưa vào sử dụng cuối năm 2009, xe cộ từ các tỉnh miền Tây đi về các tỉnh miền Đông và ngược lại đã chọn qua phà Cát Lái để rút ngắn trên 30 km quãng đường thay vì đi theo quốc lộ 1A - xa lộ Hà Nội - rẽ ngã ba Vũng Tàu vào quốc lộ 51 như trước.

Kể từ khi cây cầu Phú Mỹ thông xe và đưa vào sử dụng cuối năm 2009, xe cộ từ các tỉnh miền Tây đi về các tỉnh miền Đông và ngược lại đã chọn qua phà Cát Lái để rút ngắn trên 30 km quãng đường thay vì đi theo quốc lộ 1A - xa lộ Hà Nội - rẽ ngã ba Vũng Tàu vào quốc lộ 51 như trước. Phà Cát Lái (phương tiện giao thông đường thủy nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và quận 2, TP.Hồ Chí Minh) vì thế ngày càng trở nên quá tải gây ùn tắc giao thông hai bên đầu bến.

Đường dẫn xuống cầu Cát Lái quá hẹp.
Đường dẫn xuống cầu Cát Lái quá hẹp.

Theo dự báo của các chuyên gia giao thông, khi liên tỉnh lộ 25B hoàn thành, tình trạng quá tải của phà Cát Lái sẽ trầm trọng hơn. Trước thực trạng này, mới đây, UBND TP.Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương nâng cấp mở rộng bến phà Cát Lái bằng nguồn vốn ngân sách trong khi chờ đợi việc xây cầu.

Ông Trần Minh Thành, Giám đốc Xí nghiệp phà Cát Lái - Thủ Thiêm (thuộc Công ty TNHH một thành viên công trình cầu phà TP.Hồ Chí Minh) cho biết, theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 45 ngàn phương tiện và hành khách đi bộ qua phà Cát Lái, trong đó riêng xe ô tô là 3.600 lượt/ngày. Lượng khách tăng đột biến trong vòng 2 năm gần đây và chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, lượng phương tiện lưu thông qua phà tăng 30%, trong đó xe ô tô tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bến phà Cát Lái nhiều năm qua phục vụ chủ yếu cho người dân ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đến TP.Hồ Chí Minh và ngược lại. Gần đây, đại lộ Đông Tây, rồi cây cầu Phú Mỹ hình thành và đưa vào hoạt động, cánh tài xế xe khách và xe tải nhỏ đã chọn qua phà Cát Lái để giảm hành trình, tiết kiệm nhiên liệu.

Áp lực vận tải tăng nhưng bến phà Cát Lái chỉ có 9 chiếc phà và bến bãi hẹp, khó đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Những ngày cuối tuần, lễ, tết, tình trạng ùn tắc 2 đầu bến diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa ra vào cảng Cát Lái.

Cùng với sự hình thành và phát triển của khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Hồ Chí Minh), huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), những năm qua đang thu hút mạnh đầu tư và hình thành các cụm công nghiệp lớn. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ấy đã thu hút một lượng lớn người lao động đổ về làm việc, sinh sống. Nhu cầu giao thông giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu qua phà Cát Lái sẽ còn tăng mạnh.

Lâu nay, để giảm áp lực, Xí nghiệp phà Cát Lái - Thủ Thiêm cũng sử dụng nguồn vốn của cơ quan để thuê 2 phà loại 200 tấn ở Bến phà Cần Thơ mỗi tháng 90 triệu đồng/2 phà. Cuối tháng 7 rồi, đơn vị này đưa vào vận hành một phà 200 tấn trị giá 22 tỷ đồng, công suất 500 hành khách/chuyến. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những biện pháp tình thế vì áp lực vận tải không chỉ đặt trên phà mà còn là bến bãi, cầu dẫn hiện rất cũ kỹ và quy mô không tương xứng.

Sắp tới đây, hai đầu bến phà sẽ lắp đặt thêm một cặp cầu dẫn, phao nổi 250 tấn cách hạ lưu sông Đồng Nai 70m để 11 chiếc phà hiện có ra vào bến được cùng lúc (hiện chỉ có 5 chiếc ra vào đồng thời). Sau khi nâng cấp, mở rộng, bến phà có thể sẽ cho các loại xe tải trên 5 tấn qua phà.

Việc mở rộng phà Cát Lái sẽ góp phần tiết kiệm rất lớn chi phí vận chuyển hàng hóa, hành khách trên tuyến đường Đông - Tây, đồng thời giúp cho bà con nhân dân Nhơn Trạch - TP.Hồ Chí Minh thường xuyên đi qua phà tiết kiệm thời gian, thuận tiện hơn trong đi lại.

Tuy nhiên, về lâu dài, theo các chuyên gia, một cây cầu vượt sông mới là giải pháp căn cơ nhất cho nhu cầu vận chuyển ở đây.

Hữu Thành

 

 

Tin xem nhiều