Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài toán giao thông: Nhìn từ cầu Bình Lợi

11:08, 09/08/2011


Cầu Bình Lợi là cây cầu đường sắt bắc qua sông Sài Gòn được người Pháp xây dựng hơn một trăm năm qua. Trên cây cầu này có một làn đường được thiết kế cho xe gắn máy, xe thô sơ và người đi bộ lưu thông. Những năm gần đây, khi lượng phương tiện giao thông đi qua cầu ngày càng cao mà cầu thì ngày càng xuống cấp.

Cầu Bình Lợi là cây cầu đường sắt bắc qua sông Sài Gòn được người Pháp xây dựng hơn một trăm năm qua. Trên cây cầu này có một làn đường được thiết kế cho xe gắn máy, xe thô sơ và người đi bộ lưu thông. Những năm gần đây, khi lượng phương tiện giao thông đi qua cầu ngày càng cao mà cầu thì ngày càng xuống cấp. Giờ đây, cầu Bình Lợi được xem là điểm nóng tiêu biểu trong đời sống giao thông TP.Hồ Chí Minh và cả khu vực miền Đông khi nó đang gây cản trở việc lưu thông của cả 3 loại phương tiện: đường bộ, đường sắt và đường thủy…

Cầu Bình Lợi giờ đây thành điểm nóng giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy ở TP.Hồ Chí Minh.
Cầu Bình Lợi giờ đây thành điểm nóng giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy ở TP.Hồ Chí Minh.

Nhiều tháng qua, giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn đoạn qua cầu Bình Lợi thường xuyên bị tắc nghẽn. Nhiều lúc, hàng trăm sà lan lớn, nhỏ đậu kín mặt sông chờ nước triều xuống qua cầu để đi về hướng Bình Dương, Tây Ninh, khu vực Tây Bắc của TP.Hồ Chí Minh. Nhiều trường hợp tàu thuyền buộc phải quay đầu trở lại vì không thể qua được gầm cầu.

 * Bơm nước vào tàu để… qua cầu

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban An toàn giao thông (ATGT) TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Do cây cầu có tuổi đời quá lớn nên hiện nay khoảng tĩnh không ngày càng thấp và không hợp lý, chỉ đạt 1,8m, có khi thủy triều lên chỉ còn hơn 1m. Khoảng thông thuyền hiện có chừng 30m, thực tế không thể đáp ứng giao thông thủy ở địa bàn TP.Hồ Chí Minh”. Nhiều thuyền trưởng các tàu vận tải đường sông cho biết, những tháng cuối năm, lúc triều cường đạt đỉnh, tĩnh không thông thuyền của cầu Bình Lợi chỉ còn hơn 1m. Bình thường lúc thủy triều xuống thấp, tĩnh không thông thuyền của cầu Bình Lợi cũng chỉ đạt cao nhất là 2m. Vì thế, lâu nay cây cầu Bình Lợi vô tình trở thành barrier nằm chắn ngang dòng sông Sài Gòn gây hạn chế lưu thông đường thủy.

Đã từng xảy ra sự cố tàu, sà lan đội cầu, giao thông đường sắt bị tê liệt nhiều giờ. Ví dụ, trong năm ngoái, cụ thể như vào ngày 15-4-2010, tàu kéo LA-03797 bị vướng vào dầm cầu đã gây ùn tắc giao thông thủy đến 5 giờ đồng hồ; ngày 5-11-2010, tàu kéo LA-03925 vướng mũi sà lan vào dầm cầu khiến hàng loạt tàu, thuyền dồn cục; ngày 28-11-2010, sà lan VL-11349 cũng kẹt vào dầm cầu làm cho dầm cầu bị xê dịch 5,5cm...

Một cán bộ làm công tác cứu hộ lâu năm khu vực này cho biết, đã có hàng chục tàu, sà lan bị Đội cứu hộ của Sở cảnh sát PCCC TP.Hồ Chí Minh  buộc phải đánh chìm để bảo vệ cầu Bình Lợi. Nhiều ghe tàu đi qua khu vực này thường phải bơm nước vào đầy hầm tàu để chìm thấp xuống mới chui được qua cầu.

Ông Dương Hữu Nhật, Phó giám đốc đoạn quản lý đường thủy nội địa số 10, cho biết đơn vị ông đã có phương án trình Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để xem xét và đang chờ phê duyệt phương án này. Theo đó, tại thượng và hạ nguồn cầu đường sắt Bình Lợi, Đoạn 10 sẽ lập hai trạm ứng trực điều tiết giao thông; trang bị hai tàu kéo để kịp thời ứng cứu khi có tai nạn xảy ra.

Ông Nhật cho biết thêm, mật độ tàu, thuyền qua lại trên tuyến này ngày càng tăng về khối lượng và tải trọng, có lúc đến 236 lượt/ngày đêm, nhiều tàu thuyền tải trọng đến trên 500 tấn. Mà đây là một tuyến đường quan trọng nên càng muộn giải quyết, càng gây nhiều thiệt hại.

* Xe máy giành đường tàu

Cầu Bình Lợi hiện do Cục Đường sắt Việt Nam quản lý. Nhưng đây cũng là cầu dành cho xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ. Hằng ngày, ngang qua đây vào giờ cao điểm, dễ dàng chứng kiến cảnh hàng trăm phương tiện xe gắn máy xếp hàng để chờ nhích từng mét vào cây cầu già nua này.

Trên cây cầu này, bên cạnh đường ray xe lửa, người ta có thiết kế thêm một đường phụ rộng 1,6m dành cho xe 2 bánh và người đi bộ lưu thông hai chiều. Ùn tắc và va chạm giao thông vì thế vẫn xảy ra hằng ngày trên cái khoảng đường phụ 1,6m này do mật độ xe gắn máy ngày càng tăng lên.

Cầu Bình Lợi là một phần của tuyến đường sắt Bắc-Nam được người Pháp xây dựng từ năm 1902, cùng thời với cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát ở Biên Hòa, được xem là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn. Cầu có kết cấu vòm thép, mặt cầu bằng gỗ, có đường ray xe lửa. Phía bờ quận Thủ Đức, trước đây cầu được thiết kế có một nhịp quay do hãng Lavelois Perret thi công. Nhịp cầu quay cầu Bình Lợi không còn hoạt động từ hàng chục năm nay do bị gỉ sét và hư hỏng.

Ông Phạm Xuân Hoàng, nhân viên tổ gác cầu Bình Lợi cho biết: “Vì tranh giành nhau qua cầu sớm, khi lượng xe quá đông, chỉ cần vài người thiếu ý thức đã giành đường vượt ẩu dẫn đến tình trạng kẹt cầu”.

Để hạn chế tình trạng các phương tiện lưu thông tranh nhau vào cầu gây ách tắc giao thông, đơn vị quản lý cầu Bình Lợi đã cho hàn trụ thép ở giữa làn đường bộ nhằm phân luồng xe với mỗi chiều lưu thông chỉ vừa cho một phương tiện xe gắn máy qua từng chiếc. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế vì đây là một trong những lối đi chính nối 2 quận nội thành TP.Hồ Chí Minh  là Bình Thạnh và Thủ Đức (một phần Bình Dương) gắn liền với đời sống sinh hoạt của hàng triệu người dân hằng ngày ở đây.

Do cầu chật chội không còn lối đi, nhiều người đi bộ đánh liều bằng cách đi vào giữa đường dành cho tàu hỏa và đã có trường hợp bị tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Ông Lê Hồng Phúc, Phó giám đốc Công ty quản lý đường sắt Sài Gòn, nói: “Thời gian qua, cầu Bình Lợi cũng đã được duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Hiện nay chất lượng cầu rất thấp. Dầm thép gỉ rất nhiều. Mặt lát bằng thép cũng bị gỉ liên tục. Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi thường xuyên phải cho người kiểm tra, dặm vá vì chỉ cần một lỗ thủng nhỏ, người dân đi qua lọt bánh xe thì có thể gây ra tai nạn”.

* Bao giờ đường sắt trên cao?

 Cách nay 2 tháng, UBND TP.Hồ Chí Minh có văn bản gửi Bộ GT-VT về vấn đề đảm bảo ATGT thủy nội địa trên đoạn sông Sài Gòn, khu vực cầu đường sắt Bình Lợi. Theo đó, Bộ GT-VT được giao xem xét chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam triển khai ngay các biện pháp điều tiết giao thông thủy trên sông Sài Gòn tại vị trí hai bên cầu Bình Lợi. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng thuộc Bộ GT-VT vẫn chưa bố trí điều tiết phương tiện để đảm bảo giao thông đường thủy nội địa tại khu vực này.

Hiện nay, một cây cầu đường bộ đang được xây dựng ngay cạnh cầu Bình Lợi. Trong một vài năm nữa khi hoàn thành, vấn đề giao thông đường bộ ở khu vực này sẽ cơ bản được giải quyết. Tuy vậy, đến lúc đó thì giao thông đường thủy ở đây vẫn bị cản trở vì sự tồn tại của cầu đường sắt Bình Lợi. Dự án đường sắt trên cao Hòa Hưng - Trảng Bom  cũng đã có từ lâu, dự kiến khi hoàn thành cầu Bình Lợi được thay mới sẽ giải quyết được vấn đề giao thông đường thủy trong khu vực. Tuy nhiên, dự án đường sắt đó đến nay vẫn chưa ai biết bao giờ mới khởi công.

Nguyễn Thu

 

 

 

 

Tin xem nhiều