Năm 1961, anh Nguyễn Hà Sơn gia nhập vào đội du kích của xã rồi lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các xã Trí Bình, Thái Bình, Hòa Hội, Hòa Thạnh (huyện Châu Thành - tỉnh Tây Ninh)…
Năm 1961, anh Nguyễn Hà Sơn gia nhập vào đội du kích của xã rồi lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các xã Trí Bình, Thái Bình, Hòa Hội, Hòa Thạnh (huyện Châu Thành - tỉnh Tây Ninh)… Đất nước thống nhất, anh tiếp tục tham gia đánh bè lũ xâm lược Pôn Pốt bảo vệ biên giới Tây Nam. Năm 1979, trong một trận đánh càn của quân Pôn Pốt, anh Sơn đã mất đi chiếc chân phải.
Anh thương binh Nguyễn Hà Sơn bên vườn cao su của mình.
Trở về với một cơ thể không lành lặn, anh Sơn vẫn vượt qua khó khăn, tiếp tục công tác cách mạng. Lần lượt qua nhiều cương vị công tác khác nhau, ở cương vị nào, chức vụ nào người thương binh Nguyễn Hà Sơn vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Những năm 1980, vợ chồng anh Sơn sống trong hoàn cảnh rất khó khăn, cả hai cha mẹ cũng đều nghèo khó. Đồng lương công chức của anh Sơn quá ít ỏi, hai đứa con thì một đứa bị nhiễm chất độc da cam, 1 đứa đi học, cuộc sống vô cùng chật vật buộc người thương binh này phải vươn lên bằng ý chí vượt khó của người lính.
Không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp từ của nhà nước, hai vợ chồng anh Sơn cùng nhau suy tính tìm phương kế thoát đói nghèo. Bấy giờ không có ruộng để canh tác, không có vốn để mở một cơ sở sản xuất - kinh doanh... anh Sơn nhiều đêm trằn trọc: làm gì đây để nuôi vợ, nuôi con? Anh nhớ lại: “Hồi đó gia tài của 2 vợ chồng tui chỉ có 2 bộ quần áo, vài cái nồi. Mình phải ra tay khai hoang để làm nông thôi”.
Và anh đã chọn vùng đất ấp Suối Dộp, xã Thái Bình. Ngày nào cũng vậy, tờ mờ sáng, khi người dân quanh nhà còn say giấc ngủ thì người thương binh ấy đã dậy sớm để đi ra đồng làm việc. Hết trồng xoài, mãng cầu, đến chăn nuôi… anh mày mò các phương cách làm ăn sau nhiều lần thất bại rồi tích cóp dần dần. Thời gian và đất đai không phụ lòng người, cuộc sống gia đình anh Sơn ngày càng khấm khá. Khi tích lũy được một số vốn, anh Sơn mua thêm đất để phát triển sản xuất và thuê thêm đất đầu tư thâm canh trồng trọt và chăn nuôi.
Miền đất của vùng biên giới Tây Nam đã giúp người thương binh nghèo khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng trở thành ông chủ nhỏ. Hiện nay, anh Sơn đã có hơn 2 hécta cao su và gần 1hécta đất vườn để làm trang trại kinh tế gia đình. Vợ chồng anh đã xây dựng nhà tường, vật dụng tiện nghi trong nhà khá đầy đủ. Thương binh Nguyễn Hà Sơn chia sẻ: “Giờ đây tui chưa giàu như người ta nhưng cuộc sống cũng tạm ổn định, con cái được chăm lo đầy đủ”.
Người con trai của anh giờ đây đã là bác sĩ, còn người con gái bị bệnh nên sống cùng với cha mẹ. Sự thành đạt của con trai là nguồn động viên tinh thần, tiếp sức cho ông vượt qua những cơn đau do chiến tranh để lại mỗi khi trái gió trở trời để tiếp tục làm việc dù tuổi đã cao.
Diệu Anh