Không biết tự bao giờ, trầu cau được nhắc đến trong thơ ca như một biểu tượng của sự chung thủy. Ngàn đời nay, trầu cau là một nét đẹp trong văn hóa, nhưng dòng xoáy của đời sống hiện đại đang có nguy cơ làm xóa sổ tập tục nhai trầu. Vậy mà, giữa TP.Hồ Chí Minh sầm uất, có một chợ chuyên bán trầu cau vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay qua bao thăng trầm của thời gian...
Không biết tự bao giờ, trầu cau được nhắc đến trong thơ ca như một biểu tượng của sự chung thủy. Ngàn đời nay, trầu cau là một nét đẹp trong văn hóa, nhưng dòng xoáy của đời sống hiện đại đang có nguy cơ làm xóa sổ tập tục nhai trầu. Vậy mà, giữa TP.Hồ Chí Minh sầm uất, có một chợ chuyên bán trầu cau vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay qua bao thăng trầm của thời gian...
Chợ nằm trên đường Lê Quang Sung, đoạn cắt từ Chu Văn An đến Nguyễn Hữu Thận, đối diện bến xe Chợ Lớn. Người dân thành phố quen gọi là chợ, nhưng thực tế nơi đây chỉ gồm những gánh hàng trầu cau bán buôn trên vỉa hè. Không ai biết chợ có từ khi nào, nhưng những cụ già khẳng định rằng chợ trầu cau này đã tồn tại cả trăm năm nay.
* Thủy chung với nghề
Đoạn đường này chỉ dài chưa tới 100m, thế nhưng lại có đến khoảng 10 - 15 gánh hàng trầu cau. Giữa tiếng ồn ào của xe cộ, tiếng cười nói của người dân hai bên đường là hình ảnh nhỏ bé, lặng thầm của những bà, những dì bán trầu cau.
Chợ trầu cau ở Sài Gòn.
Đa số họ đều đến từ Bà Điểm, Hóc Môn - vùng đất nổi tiếng với 18 thôn vườn trầu. Họ lặng lẽ ngồi đấy giữa những quả cau xanh bóng nhoáng và những lá trầu xếp gọn ghẽ trong cái thúng con. Công việc hằng ngày của họ là cắt tỉa những quả cau, lá trầu và gói lại theo đơn đặt hàng của khách. Thỉnh thoảng mới có vài người khách tới mua trầu cau hoặc nhận hàng đã đặt. Họ đã gắn bó với cái chợ này từ khi còn là những cô thiếu nữ. Gánh hàng trầu cau ấy đã từng một thời nuôi chồng nuôi con, nhưng nay họ bám trụ với nghề không phải vì đồng lời mà có lẽ vì tình yêu đối với quả cau, miếng trầu.
Bà Lê Thị Út, năm nay 80 tuổi, nhưng có đến 70 năm bán trầu cau ở chợ này - tâm sự: “Nghề này không có lời nhiều đâu. Chục cau lời 1.000 đồng à. Hồi trước mình gánh cái gánh trầu lên vai là mình nuôi chồng, nuôi con được, còn bây giờ hổng có nuôi nổi”.
Hằng ngày, bà Út phải dậy thật sớm và đi 4 chuyến xe buýt từ Bà Điểm lên tới Chợ Lớn để bán trầu cau. 70 năm qua, hành trình buôn bán của bà cứ như thế. Nhiều người buôn bán trầu cau giờ đã bỏ nghề, chuyển sang làm những công việc khác. Những quầy hàng bán trầu cau đang ngày một ít đi.
Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng
Cau xanh ăn với trầu vàng xứng chăng?
Trầu vàng nhá lẫn cau xanh
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.
Hình ảnh trầu cau trong văn chương Việt Nam tượng trưng cho tình yêu, cho sự chung thủy. Trầu cau là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt từ ngàn đời nay. Và những người bán trầu cau ở TP.Hồ Chí Minh cũng vẫn đang cố chung thủy với cái nghề tôn vinh lòng chung thủy, dù hiện nay việc buôn bán hết sức khó khăn.
* Về đâu, 18 thôn vườn trầu?
Xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn là quê hương của 18 thôn vườn trầu nổi tiếng. Trầu Bà Điểm nổi tiếng với hương vị cay, thơm đặc biệt, không đâu sánh bằng. Trước kia, Bà Điểm là nơi cung cấp trầu cau chủ yếu cho các chợ trên địa bàn thành phố và thậm chí cả miền Đông Nam bộ. Nhưng những năm qua, trồng trầu cau không thể làm giàu được, mà công việc thì vất vả, nhiều chủ vườn trầu đã phá bỏ hết trầu cau, thay vào đó là những khu nhà trọ cho thuê.
Trước cơn lốc đô thị hóa ấy, 18 thôn vườn trầu nay chỉ còn lại chưa tới... một thôn.
Trầu cau lấy từ Bà Điểm không còn đủ để bán, nhiều người phải tìm nguồn cung từ nơi khác. Bà Nguyễn Thị Nga, 60 tuổi, một người làm nghề bán trầu cau - cho biết: “Trầu cau dì bán đây là hàng ở dưới Cần Thơ đưa lên. Trầu Bà Điểm bây giờ ít lắm, không đủ bán. Thời này người còn ăn trầu cau cũng ít rồi. Giờ chỉ bán để người ta làm lễ lộc, cúng, cưới hỏi… thôi”.
Nguồn cung nguyên liệu trầu đang giảm và nhu cầu ăn trầu ngày càng ít. Người xưa từng quan niệm “miếng trầu là đầu câu chuyện”, đó là một nét đẹp trong văn hóa giao tiếp của người Việt. Thế nhưng, cuộc sống hiện đại với nhiều tiện nghi dần thay đổi thói quen sống của người thành thị. Nhiều người bán cho biết, ngày nay khách mua trầu không phải để ăn. Lớp người già bỏm bẻm nhai trầu giờ không còn nhiều, mà lớp người trung niên, người trẻ lại càng hiếm. Vậy nên, số phận của miếng trầu, của những người bán trầu cau mai này không biết sẽ đi về đâu…
***
Lớp trẻ hôm nay không dùng nón lá bài thơ nhưng áo dài thì còn được các bạn nữ cách tân, sáng tạo. Truyền thống trầu cau, tập tục ăn trầu liệu có còn không trước cơn lốc thị trường? Và, làm thế nào để giữ lại nét đẹp văn hóa Sài Gòn từ cái chợ Trầu Cau đang lây lất tồn tại đến hôm nay?
Trường Bùi