Gần một tháng qua, những người dân khi đến giải quyết thủ tục hồ sơ tại UBND quận 1, TP.Hồ Chí Minh (HCM) đều cảm thấy lạ với một loạt thiết bị điện tử mới. Đó là 11 máy cảm ứng tại 11 cửa giao dịch, tương ứng với 11 cán bộ, công chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại số 47 đường Lê Duẩn. Có người gọi những thiết bị điện tử này là “máy chấm điểm cán bộ”…
Gần một tháng qua, những người dân khi đến giải quyết thủ tục hồ sơ tại UBND quận 1, TP.Hồ Chí Minh (HCM) đều cảm thấy lạ với một loạt thiết bị điện tử mới. Đó là 11 máy cảm ứng tại 11 cửa giao dịch, tương ứng với 11 cán bộ, công chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại số 47 đường Lê Duẩn. Có người gọi những thiết bị điện tử này là “máy chấm điểm cán bộ”…
Thực ra, đây là hệ thống thiết bị điện tử được chính quyền đưa vào thí điểm tại Tổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả nhằm lấy ý kiến góp ý của cá nhân công dân, tổ chức và doanh nghiệp khi đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính. Các thiết bị này đã được lập trình sẵn những câu hỏi và phương án trả lời theo hình thức trắc nghiệm. Người dân tới đây, sau khi làm việc với cán bộ, công chức (CBCC) có thể bày tỏ ý kiến về thái độ, năng lực chuyên môn của CBCC thông qua các nút bấm trên màn hình điện tử. Trên giao diện của màn hình cảm ứng này còn hiển thị hình ảnh, tên, chức danh của mỗi CBCC ở từng cửa giao dịch cụ thể.
* Đo “lòng dân”
Là người làm kinh doanh trên địa bàn quận 1, anh Đào Xuân Phú thường xuyên đến với cơ quan công quyền để thực hiện các thủ tục hành chính. Anh tâm sự rằng, hầu như ai trong chúng ta cũng đều có ít nhiều trải nghiệm không hay khi đi đến các cơ quan công quyền. Nhưng thời gian qua, sau khi quận 1 thí điểm đưa thiết bị điện tử vào khảo sát, rõ ràng bộ mặt cơ quan hành chính ở đây đã đổi thay rất lớn.
Trên giao diện của các thiết bị điện tử này, máy luôn hiển thị hình ảnh của các cán bộ công chức khi tiếp nhận hồ sơ để giải quyết. |
Chị Dao Anh, một người kinh doanh hàng ăn uống trên địa bàn quận kể rằng, chị rất bất ngờ khi biết UBND quận 1 đã hết sức “bản lĩnh” khi cho phép người dân được thể hiện sự hài lòng hoặc không hài lòng của mình về quy trình, chất lượng phục vụ của CBCC bằng những thao tác rất đơn giản, thuận tiện, mà không cần phải nêu rõ tên họ
Hệ thống khảo sát này ứng dụng công nghệ cảm ứng. Người dân tham gia khảo sát chỉ cần dùng các ngón tay chạm vào các phương án trả lời đưa sẵn trên màn hình. Hệ thống thí điểm này hiện đang lập trình 3 câu hỏi. Hai câu hỏi chung và một câu đối với CBCC tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ. Kết quả khảo sát sẽ được truyền về server trung tâm. Các cán bộ chuyên môn có thể tổng hợp, báo cáo trực tiếp bất cứ lúc nào cho người quản lý, lãnh đạo. Và nhờ đó, có thể kiểm tra ngay tức khắc những phản ánh của người dân để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Thực ra, không phải đến thời điểm này, việc lấy ý kiến đánh giá của người dân mới được thực hiện, nhưng ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình này có lẽ quận 1, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm. Trước đây, người dân vẫn có quyền tham gia nhận xét đánh giá quy trình thủ tục và CBCC tại UBND quận 1 qua một phiếu viết tay với nhiều câu hỏi đưa ra nên đa phần e ngại. Bình quân mỗi tháng trước đây chỉ có 40 ý kiến nhận xét, đánh giá. Kể từ khi áp dụng phương thức “chấm điểm” bằng màn hình cảm ứng điện tử (20-6) đến nay số lượng người tham gia nhận xét đánh giá tăng vọt. Tính đến trưa ngày 8-7 (tức sau 18 ngày thực hiện) trong tổng số 1.864 lượt người giao dịch giải quyết hồ sơ, có 1.074 lượt người tham gia nhận xét, đánh giá.
* Dân bàn, dân kiểm tra
Bên cạnh số lượng những ý kiến đánh giá, những phát biểu đóng góp của người dân cũng góp phần giúp cho các nhà quản lý điều chỉnh. UBND quận 1 hứa sẽ kịp thời biểu dương, khen thưởng CBCC hoàn thành tốt nhiệm vụ qua phản ánh của người dân, đồng thời hạn chế, khắc phục thiếu sót nhằm nâng cao hình ảnh thân thiện của đội ngũ CBCC phấn đấu để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Việc tiếp thu ý kiến của người dân là một trong những biện pháp hữu hiệu làm tăng tính minh bạch, tạo cơ chế giám sát cán bộ trong công tác giải quyết các thủ tục hồ sơ hành chính. Bên cạnh đó, tính dân chủ cũng được nâng cao, tạo sự liên hệ chặt chẽ giữa chính quyền và nhân dân, góp phần tích cực trong việc xây dựng một chính quyền đô thị trong sạch, vững mạnh.
Lâu nay các “hòm thư góp ý” đặt tại các cơ quan công sở mang nặng tính hình thức và thường không phản ánh đúng thái độ của người dân. Vì thế, giải pháp kỹ thuật như quận 1 đã ứng dụng được sự đồng tình cao.
Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM Phạm Thành Kiên cho biết thêm: Kể từ khi áp dụng “chấm điểm” bằng máy, tinh thần, thái độ phục vụ của các cán bộ, công chức cũng được cải thiện rõ rệt theo chiều hướng tích cực: niềm nở, trách nhiệm và tận tình với người dân hơn. Ông Kiên cũng cho biết, sau thời gian thử nghiệm, quận sẽ triển khai khảo sát sự hài lòng của người dân với quy trình giải quyết hồ sơ và cán bộ công chức tại 10 phường trên địa bàn. Tùy vào điều kiện bố trí nhân sự của từng phường mà gắn số lượng máy khảo sát cụ thể, song ít nhất mỗi phường phải 4 máy dành do 4 cán bộ công chức làm công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân.
***
Hãy còn quá sớm để nói về hiệu quả của mô hình này trong việc đo chỉ số hài lòng của người dân. Hay nói cách khác, muốn thu hút được người dân tham gia vào việc nhận xét đánh giá đội ngũ CBCC thì còn nhiều giải pháp đồng bộ khác chứ không chỉ là chuyện hình thức hay kỹ thuật.
Tuy nhiên, đây là nỗ lực rất đáng biểu dương và cần được nhân rộng. Lắng nghe ý kiến của người dân, nhanh chóng phản hồi những tâm tư, nguyện vọng của dân là việc cần thực hiện như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà báo Phan Khiêm, từ Hà Nội, khi tìm hiểu mô hình thí điểm này, đã nhận định: Rõ ràng là bằng cách này hay cách khác và không riêng gì TP.HCM, mà nhiều địa phương khác trên cả nước, nếu có quyết tâm cao trong việc thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính sẽ từng bước tạo nên sự chuyển biến rõ rệt trong công tác này trong thời gian tới.
Lệ Minh