Ở tỉnh Bình Dương, có vùng Tân Uyên và vùng Thuận An nổi tiếng cả nước với nét văn hóa võ thuật: Võ Tân Khánh - Bà Trà
Võ sư Hồ Văn Lành. |
Ở tỉnh Bình Dương, có vùng Tân Uyên và vùng Thuận An nổi tiếng cả nước với nét văn hóa võ thuật: Võ Tân Khánh - Bà Trà
Truyền thống võ nghệ của Tân Khánh phát triển qua bao thế hệ. Câu phương ngôn được nhắc tới tận bây giờ “cọp Bàu Lòng - Võ Tòng Tân Khánh” như một niềm tự hào về truyền thống ấy.
Giai thoại kể rằng, giữa thế kỉ 19, một nữ tướng trong đội quân Tây Sơn dạt về Tân Khánh lánh nạn tránh sự trả thù của quân Nguyễn Ánh, bà tên Trà. Về đây, bà bao phen đương đầu với bọn cường hào ác bá. Bà còn là người nổi tiếng vì đánh hổ giúp dân. Môn phái võ Tân Khánh được bổ sung thêm các thế võ, đường côn quyền của môn phái Bình Đình. Rồi cũng chẳng biết từ khi nào, cái tên Bà Trà được bia miệng dân truyền.
Theo thời gian, người dân xứ này tự hào cho rằng, trên suốt chiều dài đất nước hình chữ S, chỉ có hai vùng đất võ nổi danh nhất: đất võ Bình Định và vùng đất thân yêu của họ: Tân Khánh Bà Trà
Các thế hệ sau này tự hào với truyền thống thượng võ và tiếp tục gìn giữ, phát triển, truyền bá võ thuật Tân Khánh - Bà Trà. Người dân Tân Khánh thuộc nằm lòng huyền thoại về ông Võ Văn Ất, ông Võ Văn Giá cùng người con gái là bà Năm Vuông lừng danh đả hổ. Ong Bảy Phin, Năm Nhị, Sáu Trực rồi Út Lành (Hồ Văn Lành), Tư Thứ (Hồ Văn Thứ), Tư Thạch (Hồ Văn Thạch) với những thế võ, đường quyền biến ảo khôn lường, bao phen hạ gục mãnh thú khiến môn phái võ Tân Khánh nức tiếng khắp vùng Nam Bộ thời hoang vu “beo kêu cũng sợ – sấu trừng cũng kinh”
Sức thuyết phục của chính môn phái võ lâm Tân Khánh Bà Trà đã khiến các môn sinh bốn phương tụ về. Một trong những người có công lớn gìn giữ và phát huy võ Tân Khánh Bà Trà cho các thế hệ mai sau là võ sư Hồ Văn Lành (còn được gọi là võ sư Từ Thiện).
Đặc trưng kĩ thuật của phái võ lâm Tân Khánh Bà Trà là lối tấn công liên tục, kết hợp liên hoàn đòn chân tay (cước pháp, thủ pháp) nhằm làm rối loạn khả năng phòng thủ của đối phương, vừa đạt hiệu quả ra đòn, vừa phù hợp với vóc dáng nhỏ con của người Việt. Mặt khác, dựa vào điều kiện sống của người dân khai hoang mục đích chủ yếu là bảo vệ thành quả lao động nên các thế võ ít mang tính biểu diễn, các đòn, các thế đánh ra phải sắc gọn, tấn công đồng thời với phòng thủ tận dụng tối đa những sơ hở dù nhỏ nhất của đối phương, làm tê liệt sức kháng cự bằng cách ra đòn nhanh, mạnh và liên tục.
Giống như võ cổ truyền lâu đời Việt Nam, võ phái này có hệ thống quyền pháp từ thấp đến cao như Thái Sơn, Tấn Nhất, Lão Mai, Thần Đồng, Ngọc Cải… mỗi nhịp dạo quyền đều gắn với những câu lục bát, song thất lục bát, gọi là thiệu để các môn sinh dễ nhập tâm.
Ngày nay, võ phái Tân Khánh Bà Trà vẫn sống với các lò võ ở khắp nơi đang hoạt động. Bây giờ dù võ học đã gắn với mục đích thể thao nhiều hơn. Nhưng càng tinh thông võ nghệ, con người càng rèn luyện cho mình sự bình ổn trong tâm hồn, tinh thần thượng võ trong lối sống và hơn hết đó là sự hướng thiện trong nhân cách. Và đất võ Tân Khánh Bà Trà vẫn bền bỉ với đời trong tinh thần thượng võ Việt Nam.
Phong Lan