Hai tờ báo Xuân chúng tôi có trong tay là Đồng Nai và Đồng Nai cuối tuần. Vui vui, làm con toán số học đơn giản, 2 tờ có tất cả 33 bài thơ, tờ Đồng Nai có 17 bài và Đồng Nai cuối tuần có 16 bài thơ dài ngắn khác nhau, như vậy có 33 bài trên 2 tờ báo Xuân. Tòa soạn mời nhà thơ Đàm Chu Văn tuyển chọn, 33 bài của 33 tác giả khác nhau, “chiếu thơ” đông vui.
![]() |
Có nhiều lý do để đọc thơ trên báo Xuân, vì Tết thì hay bận rộn, những ai yêu thơ họ lướt qua để vui Xuân cùng với những tâm hồn thơ kể như đồng điệu. Còn gì vui cho bằng khi Tết đến, Xuân về, gặp những người đồng điệu thể hiện qua thơ. (Những bài chính luận, thời sự, có thể hay, nhưng để dịp khác). Khách quan, sau Tết Nguyên đán là Nguyên tiêu rằm tháng Giêng, là Ngày Thơ Việt Nam, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Nguyên tiêu.
Cảm xúc Xuân bật lên thành thơ là chuyện muôn đời. “Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước một nhành mai”; nguyên tác “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” - Mãn Giác thiền sư, triều nhà Lý) và trên báo Xuân Đồng Nai cũng vậy. Thế nhưng, không nhất thiết có chữ Xuân mới là thơ Xuân.
Xuân mà. Những Lê Thanh Xuân, Đỗ Minh Dương, Lê Đăng Kháng, Trần Ngọc Tuấn, Trần Thu Hằng, Dương Đức Khánh và nhiều người khác góp mặt, trang Xuân là trang vui.
Có ai đó nói rằng, mỗi bài thơ là một câu chuyện. Cảm xúc nhất thời thành câu chữ, thành thơ bất chợt nhưng bao giờ cũng có “dây mơ rễ má” tận đâu đâu.
Gặp những trang thơ, tôi thích đọc thơ nữ và những tác giả (nam, nữ) quen biết. Dõi các vị theo đời thơ cũng là điều thú vị. Một tác giả thơ nữ chưa được biết nhiều trong đời sống thơ ở Đồng Nai nhưng Bích Phú có ý thơ tôi thích trong bài Bàn chân lạ: “bước chân anh chằng biết có vô tình/Hằn in trên con đường lạ”; và “Em ướm thử bước chân của người lạ/Sao đỗi ấm hơi quen”. Chuyện Thánh Gióng đời Hùng Vương có truyền thuyết người phụ nữ ướm bàn chân người khổng lồ và về mang thai Thánh Gióng, còn Bích Phú là “của nồng nàn, yêu thương…” thì hiện tại.
Nhà thơ nữ Hạnh Vân từng đoạt giải nhất thơ Giải thưởng Trịnh Hoài Đức, bài Mùa không phai… có một “nhắc nhở” về tình yêu: “hôn lên những vết rạn trên da em sau mùa thai nghén/hôn lên những thô ráp cỗi cằn/cho héo úa hồi sinh”.
Một nhà thơ nữ vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn là Trần Thị Bảo Thư có Những hạt mưa bay ngang ô cửa và ước mơ Xuân của cô với ăm ắp hoài niệm:
Con ước gì đời mẹ như Xuân
Trong mưa bụi tóc lại xanh tuổi cũ
Nón cầm tay như con đò nhỏ
Chở tháng Giêng ngược sông Cấm mẹ về.
Đàm Chu Văn đưa vào thơ một sự tích. Ai về Phú Điền (Tân Phú) thấy ngay một hòn đá rất lớn có vẻ như “mồ côi”, đứng ở cầu La Ngà đã thấy: “Phú Điền ăm ắp mùa hoa/Thương hòn núi lẻ bóng nhòa nước mây…” và “Lưỡi cày lật tảng đá đen/ Tầng tầng cổ tích và em hẹn lời” (Nhớ Phú Điền).
Rất nhiều tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có tác phẩm trên Báo Đồng Nai Xuân. Tổ chức trang thơ, Đàm Chu Văn mời Nguyễn Đức Mậu, sinh năm 1948, “cây đa cây đình” trong làng thơ Việt Nam. Dễ nhớ ông với Trường ca Sư đoàn, Giải thưởng Nhà nước, ASEAN cùng năm 2001, “Một vuông đất: Kẻ nằm người đứng/ Nhưng hòa bình từ nay về ta”, bài 30 tháng Tư. Lần này trong thơ Xuân Báo Đồng Nai, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết: “Mình đang già đi hay vẫn còn thơ dại/Mắt mơ nhìn hồn lâng lâng men say…” (bài Sớm Xuân ra ngõ”.
TRẦN CHIÊM THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin