Báo Đồng Nai điện tử
En

Xem Phá địa ngục: Câu chuyện cảm động, đậm bản sắc Á Đông

Khánh Kiên
08:26, 10/01/2025

Với sự góp mặt của 2 ngôi sao kỳ cựu là Ảnh đế Hứa Quán Văn và danh hài TVB Huỳnh Tử Hoa, Phá địa ngục (tên tiếng Anh: The last dance) do Trần Mậu Hiền đạo diễn trở thành bộ phim nội địa ăn khách nhất qua mọi thời đại tại Hong Kong (Trung Quốc).

 

Phá địa ngục chinh phục khán giả bởi các tình tiết đời thường dung dị và sâu sắc. Mỗi người trong xã hội đều phải mưu sinh, làm việc để kiếm sống, song cũng là giúp đỡ người khác. Phim đưa ra thông điệp thay đổi những chấp niệm lỗi thời, việc xoa dịu nỗi đau cho người ở lại quan trọng không kém chuyện tiễn đưa những linh hồn qua thế giới bên kia.

Vén màn nghề tang lễ

Nhân vật Đạo Sanh (Huỳnh Tử Hoa đóng) làm nghề tổ chức tiệc cưới song lụn bại do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Bất đắc dĩ anh phải chuyển qua làm dịch vụ tang lễ. Nói vui là “kiếm sống từ người sống không được thì chuyển sang người chết âu cũng chuyện thường tình”.

Đạo Sanh được sư phụ Văn (Hứa Quán Văn đóng) - một đạo sĩ tang lễ nghiêm cẩn và rất nguyên tắc trong công việc cho tiếp xúc và học hỏi những khâu nghi lễ từ vệ sinh tử thi cho đến hình thức cầu siêu tâm linh “Phá địa ngục” với tương truyền dân gian là nhằm giúp người qua đời được siêu thoát lên cõi tiên.

Đạo sĩ Văn có anh con trai duy nhất là Quách Bân (Chu Pak-hong đóng) và con gái Văn Nguyệt (Michelle Wai đóng). Thế nhưng do Bân cưới người vợ theo đạo Công giáo nên không được cha ưng thuận chuyện chính danh nối nghiệp. Còn Đạo Sanh lại nhờ sự giúp đỡ Bân để giỏi nghề tang lễ hơn.

Vệ Thi Nhã (Michelle Wai) vai Văn Nguyệt.
Vệ Thi Nhã (Michelle Wai) vai Văn Nguyệt.

Cao trào kịch tính và xúc động ở cuối phim, khi sư phụ Văn tuổi cao sức yếu qua đời, Đạo Sanh dám đề nghị hai con ruột của ông là Bân và Văn Nguyệt trực tiếp thực hiện nghi thức “Phá địa ngục” cho cha họ. Điều này vấp phải sự phản đối kịch liệt của các đạo sĩ khác cũng như nhiều người dự tang lễ vốn sẵn định kiến trọng nam kinh nữ, xưa nay chưa bao giờ chấp nhận chuyện cho nữ giới được quyền làm nghi lễ cầu siêu “Phá địa ngục”.

Đời nhọc nhằn, nhưng đáng sống

Văn Nguyệt ít nói, song cô là người theo những chuyến xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Cô thực hiện sứ mệnh góp phần cứu người bằng sự tận tâm, song không mấy khi được người cha khó tính ra mặt trân trọng chỉ vì cô là phái yếu. Chỉ đến khi ông Văn qua đời, cô mới thấu hiểu tình cảm cha dành cho mình và biết cái tên của cô mang ý nghĩa “báu vật” đối với cha.

Từ chỗ đến với nghề mai táng chỉ để kiếm tiền, Đạo Sanh dần thay đổi tâm tính theo chiều hướng tích cực hơn. Anh tận tâm hơn với công việc “nghĩa tử là nghĩa tận”, tấm lòng sẻ chia nỗi mất mát với các gia quyến, sẵn lòng giúp tang gia và người đã khuất theo cách ổn thoả nhất, cho dù đôi khi phải làm khác đi những hủ tục, nguyên tắc thông thường.

Giữa môi trường làm việc đặc biệt thấm đẫm nước mắt giữa người ra đi và kẻ ở lại trần thế, Đạo Sanh ngộ ra những tục lệ huyền bí lỗi thời cần được thay đổi sao cho vừa giữ nét tín ngưỡng và văn hoá truyền thống, vừa cân bằng, linh hoạt phù hợp với thời đại. Nếu không những lễ nghi huyền bí chỉ là sự mê tín dị đoan chứ không nhiều ý nghĩa tôn kính, tưởng nhớ người đã khuất.

Người chết đã an bài, những người còn sống tiếp tục sống theo ý niệm sinh - tử đúng bản chất cuộc đời. Như tự sự của Đạo Sanh ở cuối phim: trên chuyến xe buýt cuộc đời, chúng ta hãy sống vui vì ghé được thế gian này không dễ dàng, thay vì lo lắng hãy tận hưởng và sống đời nhiều màu sắc. Mỗi người trong chúng ta đều là “báu vật” - như cách đạo sĩ Văn đặt tên cho cô con gái Văn Nguyệt của ông.

 

  Khánh Kiên

Tin xem nhiều