Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Kết nối nhà nước, doanh nghiệp, nông dân làm nông nghiệp tái sinh

Bình Nguyên
09:52, 21/12/2024
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn.

Vài năm trở lại đây, khái niệm nông nghiệp tái sinh (NNTS) thu hút sự chú ý của nhiều nước trên thế giới. NNTS là làm cho nông nghiệp trở nên bền vững hơn bằng cách sử dụng các phương pháp canh tác giúp bảo vệ đất đai với đích đến cuối cùng chính là sự tái tạo.

Phát triển NNTS gắn với mục tiêu phát triển xanh, bền vững và toàn diện là nội dung được ông NGUYỄN ĐỖ ANH TUẤN, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn quan tâm.

Tích hợp đa giá trị cho sản phẩm nông nghiệp

* Thưa ông, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam trong tương lai như thế nào?

- Đến năm 2050, chủ trương chung về phát triển nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam dựa trên 3 trụ cột gồm: nông nghiệp sinh thái, nông thôn nguyên bản và nông dân văn minh. Trong chiến lược này có các nội dung cốt yếu tạo ra giá trị đa tích hợp của sản phẩm nông nghiệp gồm: giá trị kinh tế, giá trị văn hóa, giá trị xã hội, giá trị nhân văn và môi trường. Tiêu biểu như câu chuyện về chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tiếp đến, giảm chi phí sản xuất bằng việc tận dụng hết tất cả các nguyên liệu chế biến sâu hay tận dụng các phế phụ phẩm tạo ra nhiều giá trị hơn. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy, định hướng xúc tác để doanh nghiệp (DN) và nông dân cùng làm.

* Ông có thể cho biết rõ hơn những câu chuyện liên quan đến 3 trụ cột nông nghiệp, nông dân, nông thôn?

- Về giá trị đa tích hợp có thể minh chứng bằng Chương trình OCOP, đó là có thể tận dụng thế mạnh của từng làng, xã để tạo việc làm, tạo giá trị gia tăng cho người nông dân với những tiêu chuẩn bền vững. Việc của nhà nước là khơi dậy tinh thần đoàn kết, tinh thần cộng đồng để nông dân tự phối hợp với nhau.  Chương trình này có tính nhân văn rất cao, tạo cơ hội việc làm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng tích hợp đa giá trị. Ở trong 1 sản phẩm OCOP tạo ra giá trị nhiều hơn từ ít nguyên liệu đầu vào.

Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng động lực chính để thay đổi phải là từ DN, người dân. Chính sách là để người làm tốt hơn được hỗ trợ, người làm sai có chế tài quản lý.

Tôi muốn nhấn mạnh, tạo ra nhiều hơn từ ít hơn tức là chúng ta giảm chi phí bằng việc tận dụng hết tất cả các nguyên liệu chế biến sâu hay tận dụng các phế phụ phẩm tạo ra nhiều giá trị hơn. Trước đây, nhiều chương trình, đề án của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra phải đi vận động nông dân và các địa phương rất mất công thì nay nông dân tự nguyện, tích cực tham gia.

Cụ thể, Đề án Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Ở đây, nông dân canh tác lúa thay đổi thói quen, gieo sạ ít giống hơn, sử dụng ít phân, ít nước, ít thuốc bảo vệ thực vật hơn... Theo chúng tôi tính toán, với cách làm này, năng suất cây lúa tăng lên 10% so với thông thường, cộng với giảm được 30% chi phí sản xuất, cộng lại lợi nhuận của nông dân đã tăng lên ít nhất 40%. Ngoài ra, chất lượng lúa cao hơn sẽ có DN sẵn sàng tham gia vào chuỗi liên kết và trả giá cao hơn từ 200-300 đồng/kg thóc so với thị trường. Ngoài ra, nông dân còn có thể tận dụng rơm làm nấm, làm phân vi sinh… nên thu nhập của họ tăng lên rõ ràng.

Về triển khai chính sách hỗ trợ của nhà nước thông qua các chương trình, đề án thì đầu tiên sẽ có những kênh lấy ý kiến và sau đó là làm các mô hình thí điểm. Mô hình thí điểm là chỗ chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với khu vực tư nhân. Ví dụ về cà phê, để làm ra cuốn sách hướng dẫn sản xuất cà phê bền vững, không thể là các nhà khoa học ngồi tự chế ra. Chúng tôi lấy ý kiến các công ty kinh doanh, người mua vì phải theo nhu cầu của thị trường. Làm mô hình thí điểm, chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với tư nhân là các tập đoàn, DN lớn, các tổ chức chứng nhận cà phê bền vững trên thế giới. Sau đó, hệ thống khuyến nông sẽ vào cuộc hướng dẫn cho nông dân.

Phát huy vai trò tư nhân

* Theo ông, DN có vai trò như thế nào trong phát triển NNTS?

- Việt Nam có nhiều DN làm mô hình NNTS, nông nghiệp xanh rất tốt như: Công ty TNHH Bayer Việt Nam (thành phố Biên Hòa) với mô hình ForwardFarming - canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai. Công ty TNHH De Heus (Thành phố Hồ Chí Minh) với mô hình xây dựng các trang trại, nhà máy thân thiện với môi trường, hướng đến tương lai bền vững… Ngoài ra, nhiều câu chuyện tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp làm nông nghiệp tuần hoàn đã được triển khai...

Chúng tôi học được rất nhiều từ DN về trồng cà phê, trồng lúa chất lượng cao… Vườn cà phê không những năng suất, giảm chi phí, bảo vệ môi trường mà phải đẹp, tạo cảnh quan để chất lượng cà phê ngon hơn. Ở lĩnh vực lâm nghiệp, chúng tôi có đề án phát triển rừng đa dụng, trồng rừng tái tạo lại nguồn nước, hệ thống cảnh quan, nông - lâm kết hợp... để tạo ra các sản phẩm hoàn toàn theo hướng NNTS.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Tuấn Anh trao đổi thông tin với các doanh nghiệp tại một hội thảo về nông nghiệp tái sinh tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh.  Ảnh: B.Nguyên
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Tuấn Anh trao đổi thông tin với các doanh nghiệp tại một hội thảo về nông nghiệp tái sinh tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: B.Nguyên

 * Theo ông, điều gì sẽ thu hút DN đầu tư phát triển NNTS?

- Câu chuyện NNTS dường như chỉ giúp cho người nông dân vậy thì DN được lợi gì? Về mặt dài hạn, DN đầu tư NNTS chắc chắn sẽ tốt hơn về mặt xã hội và họ cũng hoàn thành trách nhiệm về mặt xã hội. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nếu làm tốt, DN cũng hưởng lợi rất nhiều. Thứ nhất là họ có vùng nguyên liệu đảm bảo, bền vững. Vùng nguyên liệu đó đáp ứng đúng nhu cầu người mua và DN không còn lo người tiêu dùng không mua vì không đảm bảo về tính bền vững. Họ cũng không phải lo khó vào các thị trường khó tính như châu Âu. Và đấy cũng là cách DN tạo thương hiệu cho mình. Hợp tác công tư giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới hỗ trợ chúng tôi rất nhiều để triển khai các chương trình, đề án NNTS, nông nghiệp xanh.

* Hiện nay, thị trường cho sản phẩm NNTS như thế nào?

- Phát triển sản xuất phải dựa trên thực tế của thị trường. Và câu chuyện này là của cả DN, nông dân, nhà nước phải cùng phối hợp để thực hiện. Tôi lấy ví dụ, ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt ở vùng lũ, chúng ta có mô hình nuôi thủy sản mùa lũ trên ruộng lúa. Trước nông dân ở đây làm 3 vụ lúa, phải đầu tư hệ thống đê bao. Nhưng xét về chất lượng lại không tốt vì chúng ta “bóc lột” đất nhiều quá, cũng không tốt cho môi trường mà chưa chắc tạo ra lợi nhuận cho người nông dân. Vì sản xuất vụ thứ 3 chi phí rất cao, sâu bệnh rất nhiều và đôi khi nông dân bị lỗ. Bây giờ có giải pháp mở đê bao trong mùa lũ, để cá, tôm từ sông chảy vào các vùng ruộng lúa vài trăm hécta. Và khi nước rút thì nông dân thu hoạch cá, tôm.

Vai trò của nhà nước, của DN ở đây là tìm thị trường cho nông dân. Nhưng từ xưa, chắc chắn vào mùa lũ thì rất nhiều người tiêu dùng có nhu cầu ăn cá linh và các loại thủy sản khác. Tương tự, ở miền Bắc, giữa 2 vụ lúa, nông dân trồng cây vụ đông, chẳng lẽ trước đây, nông dân không biết cây vụ đông bán cho ai? Thực tế, họ biết cây vụ đông bán thu lợi nhuận cao hơn làm vụ lúa. Hàng loạt các công ty Hàn Quốc, Trung Quốc mua su hào, bắp cải, cà rốt... Đấy là câu chuyện chúng ta có nhiều giải pháp lựa chọn các cây trồng đỡ rủi ro nhất và có thị trường tốt nhất. Nhà nước không bao giờ đi mua hộ nông dân mà chỉ giới thiệu khách hàng, tổ chức các hội nghị kết nối, phát triển thị trường hoặc có các công tác mở cửa hải quan với các rào cản kỹ thuật của các nước. Ví dụ như câu chuyện đàm phán với phía Trung Quốc để mở cửa thị trường cho sầu riêng tươi và đông lạnh. 

* Xin cảm ơn ông!

 

  Bình Nguyên (thực hiện)

 

  

Tin xem nhiều