Gần 4 năm sống ở Chiến khu Đ, trước khi được tập kết ra miền Bắc, để 23 năm sau trở lại cố hương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Đỗ Bá Nghiệp (đã mất năm 2023) vẫn nhớ những tháng ngày gian khổ trong rừng núi chiến khu và đặc biệt ấn tượng mạnh về nhân vật khá độc đáo - đó là ông Ba Trợn.
Chiến khu Đ năm xưa. Ảnh tư liệu |
Ông Đỗ Bá Nghiệp nhớ: “Ông Ba Trợn năm ấy khoảng chừng 30 tuổi, tướng tá dồ dề, suốt ngày chỉ mặc xà lỏn với áo thun. Nói năng rổng rảng, chẳng biết sợ ai”.
Chủ quán thiệt là… ba trợn
Hầu như cán bộ, bộ đội từng sống, chiến đấu hay đi công tác đến vùng căn cứ Chiến khu Đ “thời 9 năm” đều biết tiếng ông Ba Trợn. Những năm 1950-1954, chính quyền cách mạng cho đồng bào ở các xã vùng tự do như: Bình Chánh, Khánh Vân hoặc xã mới thành lập là Tân Dân được buôn bán, mở hàng quán ăn uống rất đông vui. Trong đó quán của ông Ba Trợn danh tiếng nhất, dù cũng giống những quán kia là dựng bằng tre, lợp tranh, ngoài món chủ lực là hủ tíu còn bán thêm chuối, bánh tráng…
Được Khu trưởng Huỳnh Văn Nghệ mời vào thăm Chiến khu Đ, nhà báo Thiếu Sơn rất ấn tượng với nhân vật lạ đời: anh Ba Trợn. Nhà báo nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh này cho rằng: “Quán Ba Trợn có cái đặc biệt là đối với khách hàng quen thì tính rẻ hoặc cho không, nhưng đối với người lạ thì chém thẳng tay. Lần lần khách lạ không dám tới ăn ở quán Ba Trợn và quán Ba Trợn thì đông nghẹt những khách quen. Buôn bán theo kiểu đó thì lỗ vốn là cái chắc”.
Làm sếp bót cho Tây
Tên thật của ông là Lê Văn Phụng, sinh khoảng năm 1920 tại làng Lợi Hòa (huyện Vĩnh Cửu), tham gia kháng chiến từ nhũng ngày đầu cách mạng. Vệ quốc quân Lê Văn Phụng nổi tiếng là rất hăng say, gan dạ, từng ném lựu đạn vào quân Pháp, nhưng lựu đạn không nổ, anh liền chạy theo bốc lên và ném lần nữa. Được Chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hòa Huỳnh Văn Nghệ (Tám Nghệ) chỉ đạo trá hàng và tình nguyện gia nhập quân đội Pháp, Lê Văn Phụng từng bước được thăng chức hạ sĩ.
Khi quân Pháp triển khai hệ thống đồn bót dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai để án ngữ và ngăn chặn bộ đội, cán bộ Việt Minh xâm nhập, Chi đội trưởng Tám Nghệ tìm cách vận động để hạ sĩ Phụng được bố trí làm sếp bót Lợi Hòa. Để hỗ trợ Đội Phụng, tình báo Chi đội 10 còn thu xếp để đưa thanh niên trí thức có cảm tình cách mạng là Lê Văn Bạch cùng quê Lợi Hòa vào bót Lợi Hòa làm thông ngôn. Cả hai đã thuyết phục và lôi kéo được 12 thanh niên trong làng tình nguyện làm lính bót Lợi Hòa để tránh cho bà con trong vùng bị quân Pháp nhũng nhiễu, bắn phá bừa bãi.
Người chiến sĩ cách mạng từng một thời đi lính Tây này không coi ai ra gì cả, mà còn lớn tiếng tuyên bố: “Trên đời này, tao chỉ có nể phục, kính trọng anh Tám Nghệ mà thôi”. |
Để có thêm vũ khí trang bị cho bộ đội và các đoàn thể ở Biên Hòa, giữa tháng 6-1946, Chi đội trưởng Tám Nghệ lệnh cho sếp bót Lê Văn Phụng “ôm hết súng đạn của đồn đem về cho kháng chiến”. Ông Ba Trợn nhớ lại: “Lúc đó, đã gần tới cuối tháng, tới kỳ lãnh lương. Tôi tiếc quá, nhưng không dám trái lệnh anh Tám. Ở với Tây thì sung sướng, ăn nhậu phủ phê nhưng nghĩ tới anh Tám ăn uống cực khổ, mình sung sướng sao đành. Do đó, tôi phải trở về với anh Tám. Anh bảo tôi chết tôi cũng chết”.
Đêm 28-6-1946, cả 12 người lính được sếp bót Lê Văn Phụng tổ chức bắt trói rồi giải đi cùng với toàn bộ vũ khí và 1 máy đánh chữ, 1 điện thoại. Đây là trận đánh bằng công tác binh vận làm nòng cốt đầu tiên ở Biên Hòa thành công và thắng lợi đến mức làm cho bọn tề, tổng ở quận Châu Thành (tỉnh lỵ Biên Hòa) rúng động vì không biết là Việt Minh xuất quỷ nhập thần lúc nào, ở đâu; còn bọn nhà binh Pháp thì cứ ngơ ngác không hiểu vì sao cái bót trang bị mạnh như Lợi Hòa mà bị quân kháng chiến Việt Minh nuốt gọn một cách dễ dàng như vậy.
Thạc sĩ Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai, cho rằng: “Trận đánh bằng binh vận của ông Ba Trợn là trận đầu tiên trong lịch sử cách mạng vũ trang của tỉnh Biên Hòa thì đã rõ. Còn chuyện ông Ba Trợn mở quán ở ngay cửa ngõ vào Chiến khu Đ theo nhận định của riêng tôi, với vỏ bọc quán ăn ông Ba Trơn đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho bộ đội Tám Nghệ. Vì có mấy lần bọn giặc càn quét, quán Ba Trợn bị phá tiêu tan, nhưng sau đó vẫn cứ đàng hoàng mọc lại”.
Không biết có phải ông Ba Trợn mở quán để làm vỏ bọc hoạt động hậu cần cho bộ đội Tám Nghệ hay không; nhưng theo nhà báo Thiếu Sơn thì với cách làm ăn ba trợn ba trạo của ông chủ quán trời ơi này thì quán bị đứt vốn hoài và lần nào ông Ba Trợn cũng ngửa tay xin tiền và được Khu trưởng Tám Nghệ cấp vốn cho tiếp tục làm ăn.
Hiến xác vợ để gài bẫy cọp
Sau vụ dọn sạch bót Lợi Hòa, Lê Văn Phụng vào chiến khu được biên chế vào Trung đoàn 310. Vợ con của viên đội này được cơ sở và liên lạc của Tám Nghệ móc nối đưa vào căn cứ. Với công trạng lập được lại nhiễm thói cao ngạo của thời làm sếp bót, nay lại phải sống kham khổ như cán bộ, chiến sĩ cách mạng bình thường, nên Phụng thường tỏ ra bất tuân thượng lệnh. Một chuyện đau lòng đã biến người chiến sĩ binh vận Lê Văn Phụng trở thành… Ba Trợn đến chết tên.
Theo đó, kể từ sau chiến thắng La Ngà, ở Chiến khu Đ thường xảy ra nạn cọp chụp người ăn thịt. “Thủ phạm” là con cọp 3 móng rất ranh ma, không bắt người ở cùng một chỗ mà cách xa nhau hàng chục cây số, một cách chớp nhoáng, bất ngờ. Đơn vị bộ đội được lệnh diệt con cọp này để trừ họa, nhưng gần như không thể vì nó liên tục đổi chỗ rình mồi.
Quyết không để cho con ác thú lộng hành, Ban Chỉ huy trung đoàn thành lập Ban Diệt cọp. Qua theo dõi, các chiến sĩ nắm được đặc điểm của con cọp này là vồ được mồi rồi lần đầu chỉ ăn một phần nhỏ, phần lớn còn lại của con mồi được cọp tha đem giấu vào một nơi kín đáo để tối hôm sau mới ra ăn tiếp. Thế là Ban Diệt cọp lên kế hoạch hành động. Sau khi vận động được gia đình nạn nhân đồng ý hiến xác, bộ đội thiết lập sàn thao tác để đặt súng săn và cả khẩu trung liên chĩa nòng vào đúng nơi cọp giấu mồi. Đến khuya, con cọp bất ngờ từ xa phóng tới, chộp lấy con mồi vọt mất trước mắt các xạ thủ. Biết chuyện, doanh trại các cơ quan, nhà dân vội làm vòng rào bao quanh cao đến 4m.
Một thời gian sau, Ban Diệt cọp mới thuyết phục xin được xác thứ hai. Lựu đạn được gài dưới phần mồi để dành này của con cọp, còn các xạ thủ rình sẵn trên cây. Mờ tối, con cọp xuất hiện và phóng đến vồ lấy con mồi rồi vọt luôn. Với động tác quá nhanh của con cọp, nên lựu đạn nổ, mà nó không hề hấn gì.
Hai lần thoát chết, con cọp 3 móng này trở nên nổi tiếng. Không phải chỉ đồng bào mà một số cán bộ còn cho rằng con cọp này rất… linh. Nó tiếp tục sát hại đến hơn trăm người, chỉ trong vòng 20 tháng. Người thứ 106 là bà Phụng - vợ của ông Ba Trợn. Được Ban Diệt cọp đến vận động, các con ông đều ngăn cản. Ai cũng muốn chôn cất mẹ đàng hoàng cho mồ yên mả đẹp theo tục lệ ông bà. Nén nỗi đau trong lòng, ông Phụng nói với các con: “Hiến xác, không những các con trả thù cho má, mà còn trừ hại cho cả chiến khu này, không hơn hay sao? Ba không tin người ta có linh hồn, nhưng nếu có, biết việc này, má các con chắc cũng hả lòng, hả dạ…”.
Rút kinh nghiệm của hai lần trước, lần thứ 3 này, Ban Diệt cọp cột xác nạn nhân vào cọc, phía dưới đặt 2 trái mìn. Chạng vạng tối, con cọp 3 móng quen mùi phóng tới chộp lấy mồi định vọt đi, nhưng bị trì lại; cùng lúc 2 trái mìn phát nổ, ổ bụng nát bét, ruột gan bay hết, nhưng nó vẫn cố lết đến hơn 100m mới chết.
Biết được chuyện thuộc cấp gặp chuyện mất mát đau thương, nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh, ông Tám Nghệ càng thương quý ông Phụng hơn. Sau cú sốc này, ông Phụng ngày càng tỏ ra bất cần mọi sự, không tuân phục các cấp chỉ huy.
Để giữ kỷ luật bộ đội, Khu trưởng Tám Nghệ bàn với Ban chỉ huy trung đoàn cho Lê Văn Phụng giải ngũ. “Anh Tám” cũng là người cho tiền để “thằng em” từ lúc đó được gọi là Ba Trợn mở quán bán hủ tíu. Rồi cũng do cách buôn bán rất ba trợn đi tới đứt vốn, nhiều lần sau đó Tám Nghệ lại phải cho tiền để Ba Trợn tiếp tục làm ăn...
Bùi Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin