Báo Đồng Nai điện tử
En

Khắc phục tồn tại, vướng mắc về bảo hiểm y tế

Kim Liễu
09:00, 07/12/2024

Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. So với Luật BHYT năm 2014 (hiện hành), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 có một số điểm thay đổi theo hướng tăng quyền lợi của người tham gia BHYT.

Người dân đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: Hạnh Dung
Người dân đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: Hạnh Dung

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 không chỉ nhận được sự nhất trí cao của các đại biểu Quốc hội, nội dung luật sửa đổi còn được dư luận đánh giá cao. Nhiều ý kiến kỳ vọng khi triển luật mới sẽ giúp giải quyết các tồn tại, vướng mắc của Luật BHYT hiện hành. Hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất, bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người tham gia BHYT, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa người tham gia BHYT với cơ sở khám chữa bệnh (KCB)…

Bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người tham gia bảo hiểm y tế

Tại cuộc họp trực tuyến với bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh, thành phố và BHXH cấp huyện trên toàn quốc thông tin về nội dung của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa chia sẻ, luật này có nhiều điểm mới nổi bật mang lại lợi ích và thuận lợi cho người tham gia BHYT. Cụ thể: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 đã sửa đổi hoàn toàn Điều 12 của Luật BHYT năm 2014 về đối tượng, phương thức đóng, mức đóng, đồng bộ với Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 6-2024. Nhiều nhóm đối tượng mới được bổ sung cũng như nâng mức hỗ trợ.

Về mở rộng quyền lợi, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 mở rộng phạm vi hưởng BHYT với hình thức KCB từ xa, hỗ trợ KCB từ xa, KCB y học gia đình, KCB tại nhà để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

“Các quy định mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người tham gia BHYT” - Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành nhấn mạnh.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 quy định đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 về phân cấp chuyên môn thành 3 cấp gồm: chuyên sâu, cơ bản và ban đầu. Trong đó, việc chuyển cơ sở KCB sẽ không phụ thuộc vào tuyến (xã, huyện, tỉnh, trung ương) như trước; tạo điều kiện tối đa cho người bệnh, giảm thủ tục hành chính khi chuyển cơ sở KCB.

Về đăng ký KCB ban đầu, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 có quy định, tiêu chí rất rõ ràng. Trong đó, người đăng ký KCB ban đầu ở cấp cao sẽ được KCB ở cấp thấp hơn. Đặc biệt là việc người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở y tế cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ngoài ra, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 cũng quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế trong rà soát và cập nhật thường xuyên phác đồ điều trị để bảo đảm thuận tiện trong KCB và thanh toán BHYT; quy định về đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ KCB BHYT; quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực BHYT, việc liên thông và sử dụng kết quả cận lâm sàng liên thông giữa các cơ sở KCB phù hợp yêu cầu chuyên môn và đưa ra giải pháp tăng cường năng lực KCB BHYT cho y tế cơ sở; bổ sung quy định về cấp thẻ BHYT điện tử…

Người tham gia bảo hiểm y tế phấn khởi

Có người thân mắc bệnh hiểm nghèo, thường xuyên sử dụng BHYT để KCB nên bà T.T.H. (ngụ thị trấn Dâu Giây, huyện Thống Nhất) rất vui khi biết tới đây khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành, tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT thì người bệnh, nhất là người có bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo sẽ được phục vụ tốt hơn.

“Mẹ tôi bị ung thư gan có một số kỹ thuật điều trị bệnh viện tuyến tỉnh không có buộc phải chuyển tuyến. Luật mới quy định đối với một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao..., người bệnh không cần phải chuyển tuyến theo quy định mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng. Như vậy, nếu áp dụng thì việc KCB BHYT khi điều trị bệnh của mẹ tôi sẽ thuận lợi hơn vì được cắt giảm các thủ tục hành chính” - bà H. cho hay.

Tương tự, bà Trần Thanh Duyên (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, theo dõi thông tin liên quan đến các quy định mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024, bà thấy các quy định mới của luật rất phù hợp với thực tiễn; tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT. Như trường hợp con trai bà có bệnh lý suy tim, có đăng ký tham gia BHYT. Theo quy định mới bệnh của con bà sẽ thuộc danh mục bệnh được KCB tại cơ sở KCB cấp chuyên sâu trên toàn quốc mà không cần giấy chuyển viện.

Giám đốc BHXH Đồng Nai Phạm Minh Thành cho biết, một điểm nhấn là trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024, các quy định được thiết kế hướng đến việc “xóa địa giới hành chính” trong KCB.  Luật quy định việc chuyển cơ sở KCB không phụ thuộc vào tuyến (xã, huyện, tỉnh, trung ương như trước kia); tạo điều kiện tối đa cho người bệnh giảm thủ tục hành chính khi chuyển cơ sở KCB. Quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp KCB BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh. Người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở KCB BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi KCB nội trú tại cơ sở KCB BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc... Trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu

Ngoài ra, người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được KCB tại cơ sở KCB trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở KCB bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở KCB khác có tổ chức KCB BHYT ban đầu…

 Kim Liễu


8 nhóm điểm mới cơ bản 

Gia An

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 có 8 nhóm điểm mới cơ bản so với Luật BHYT năm 2014. Đó là:

1. Sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng BHYT, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng BHYT, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng để phù hợp hơn và đồng bộ với quy định của Luật BHXH và luật khác có liên quan.

2. Quy định về KCB BHYT, trong đó có đăng ký KCB BHYT ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB BHYT theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

3. Quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp KCB BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp...

4. Điều chỉnh tỷ lệ chi cho KCB BHYT, chi dự phòng và tổ chức hoạt động BHYT từ số tiền đóng BHYT; quy định rõ thời hạn thông báo kết quả giám định chi phí KCB để khắc phục vướng mắc về kéo dài thời gian thanh, quyết toán.

5. Bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở KCB và thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế.

6. Bổ sung quy định cụ thể về chậm đóng, trốn đóng BHYT và các biện pháp xử lý đối với các trường hợp này.

7. Quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế trong rà soát và cập nhật thường xuyên phác đồ điều trị để bảo đảm thuận tiện trong KCB và thanh toán BHYT; quy định về đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ KCB BHYT...

8. Bổ sung quy định về cấp thẻ BHYT điện tử, quy định kiểm toán nhà nước kiểm toán Báo cáo quyết toán chi tổ chức và hoạt động BHYT của cơ quan BHXH hàng năm để đồng bộ với Luật BHXH.


 

Tin xem nhiều