Nhâm Văn Hán là một họa sĩ tự do nổi tiếng với những bức tranh hí họa đầy sáng tạo và sâu sắc. Những bức tranh của Nhâm Văn Hán không chỉ gây ấn tượng bởi nét vẽ tinh tế mà còn bởi khả năng truyền tải thông điệp mạnh mẽ qua hình ảnh...
Nhân vật vào tranh của Nhâm Văn Hán thuộc đủ thành phần xã hội được anh nhìn dưới gốc độ hài hước, trào lộng. Họ có thể là những chính trị gia, văn nghệ sĩ, bạn bè, đồng nghiệp… cho đến người thợ sửa xe trên đường phố đều đã và sẽ trở thành nhân vật của Nhâm Văn Hán. Anh nhìn chân dung các nhân vật của mình cũng như nhìn cuộc đời luôn rộn tiếng cười yêu thương.
Nhà báo Giản Thanh Sơn. |
Hí họa của Nhâm Văn Hán đem đến cho người xem cảm xúc yêu đời, thêm nhiều năng lượng tích cực trong dòng chảy miệt mài lo toan cuộc sống. Thể loại tranh hí họa khác với tranh châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu. Nhâm Văn Hán chọn hí họa chân dung có lẽ vì anh lựa chọn nhìn vào nét vui, dí dỏm, trào lộng của nhân vật thay vì soi ra mảng tối của mỗi người.
Mỗi bức họa của họa sĩ đều mang một câu chuyện riêng, phản ánh cuộc sống và những mối quan hệ con người, xã hội một cách hài hước nhưng sâu sắc. Theo Nhâm Văn Hán, vẽ tranh hí họa không chỉ để giải trí mà còn để truyền tải lòng yêu thương về con người, khơi gợi suy nghĩ và cảm xúc của người xem.
Đồng Nai cuối tuần có dịp trao đổi với Nhâm Văn Hán câu chuyện khá thú vị xung quanh những bức hí họa của họa sĩ.
* Trước khi vẽ, ông làm nghề gì và cơ duyên đến với nghề vẽ, đặc biệt là vẽ biếm - hí họa?
- Những năm còn nhỏ tôi đã thích và yêu màu sắc, thích tự mình làm mọi thứ nhất là hình họa, tôi chưa từng học qua các lớp vẽ căn bản nào. Trước đó, vào năm 1996, tôi đi bộ đội thuộc Ban Tuyên huấn Sư đoàn 302, Quân khu 7. Cơ duyên vẽ đến với tôi. Một hôm được cấp trên giao cho công việc làm pano cổ động bằng sơn dầu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó tôi không biết gì về vật liệu sơn và tranh thể loại này, nhưng vẫn mạnh dạn thử sức và kết quả và rất “tự hào” khi được sư đoàn chọn bức tranh và treo trang trọng tại sư đoàn.
Đến năm 1998 ra quân, tôi đi học kế toán. Năm 1999, trong một lần đi lang thang các sạp sách cũ và thấy cuốn “Hình họa căn bản” nói về hí họa rất hứng thú nên tôi mua cuốn này về nghiên cứu. Năm 2013, tôi tiếp tục mua sách nghiên cứu và bắt đầu tập vẽ ký họa, truyền thần. Cuối năm 2013, bắt đầu vẽ hí họa cho đến nay...
* Có thể nói, mảng tranh hí họa đang ngày càng thể hiện được quyền năng và ý nghĩa đối với nghệ thuật cũng như sự ảnh hưởng xã hội. Việc phát triển thể loại tranh này một cách đúng hướng sẽ còn hứa hẹn nhiều hơn những thành công cho các họa sĩ thực sự có tư duy và tâm huyết. Theo ông, vẽ biếm họa - hí hoạ, nhất là vẽ về chân dung nhân vật, khó nhất là gì?
- Tôi cho rằng, vẽ chân dung hí họa cái khó nhất là diễn tả được tâm trạng nhân vật, các điểm nhấn (nhận dạng) quan trọng của nét dạng khuôn mặt. Vẽ biếm họa - hí họa các nét có tính động và các nguyên tắc hình họa động luôn song song đối ứng…
* Nhân vật có phản đối hay thích thú với biếm hoạ của ông?
- Tôi nghĩ rằng, hí họa có thể là mới mẻ trong phần nhỏ của suy nghĩ người Việt, hiện vẫn coi đó là tranh chân dung biếm họa nhân vật. Nên hí họa hay biếm họa chân dung vẫn là lằn ranh giữa biếm - hí. Như câu hỏi của anh, tôi cũng thường bị một số nhân vật không ngần ngại phản đối dù chỉ ngắm bạn bè của họ mà không phải chân dung của họ được vẽ.
* Thông điệp của ông từ những bức hí họa?
- Tác phẩm hí họa của tôi xuyên suốt vẫn là tạo sự vui vẻ, hứng khởi, bao dung và truyền năng lượng tích cực cho cuộc sống…
* Xin cảm ơn ông!
Họa sĩ Nhâm Văn Hán do Trương Anh Dũng vẽ. Họa sĩ Nhâm Văn Hán sinh năm 1974, quê quán tại Thái Bình, hiện đang sinh sống tại thành phố Biên Hòa. Nghề nghiệp chính là nhân viên kế toán. Ông tự học vẽ qua sách báo, internet… và chưa từng tham gia hội đoàn về mỹ thuật, chưa in sách. Quan điểm sáng tác: “Tự do là sáng tạo, chỉ sáng tạo mới thay đổi cuộc sống. Mong muốn qua tranh hí họa của mình sẽ góp phần dần thay đổi về cách nhìn của người Việt nói chung. Tôi cảm thấy yêu thích và mong muốn được vẽ thể loại này”.
Giản Thanh Sơn (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin