Báo Đồng Nai điện tử
En

Có một “Sài Gòn mới” trên chiến địa Long Thành

BÙI THUẬN
09:19, 07/12/2024

Ít người biết rằng trong những năm kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Long Thành (bao gồm huyện Nhơn Trạch hiện nay) rất ác liệt, bị phong tỏa kinh tế hết sức ngặt nghèo, lại từng có một vùng căn cứ giải phóng hoàn toàn tự do được tổ chức sinh hoạt đời sống rất nhộn nhịp, đông vui và ấm no. Nơi đây được mệnh danh là “Sài Gòn mới” và là “thủ đô của Long Thành kháng chiến” - chiến khu Phước An.

 Bộ đội Long Thành làm nhiệm vụ bảo vê căn cư Phước An.
Bộ đội Long Thành làm nhiệm vụ bảo vê căn cư Phước An.  Ảnh Tư liệu

Từ căn cứ thành khu chiến

Với diện tích tự nhiên gần 11.000 hécta, xã Phước An - vùng đất phía Nam huyện Long Thành (nay thuộc huyện Nhơn Trạch) có địa hình rất phức tạp. Phía Bắc Phước An là rừng Giồng rộng lớn nối liền với dải rừng Lòng Chảo có hàng trăm lối mòn thông qua các trục lộ 17, 15 để đến chiến khu Đ, hay ra Bà Rịa, Xuân Lộc. Phía Nam Phước An là rừng Sác chằng chịt sông ngòi, rạch, tắc len lỏi đến tận Nhà Bè, sông Sài Gòn và xuống Gò Công, Bến Tre hay ngược lên Vũng Tàu.

Do có địa thế đặc biệt mang tính chất chiến lược, ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, Phước An đã trở thành căn cứ chủ yếu của lực lượng vũ trang Bình Xuyên và tiếp đó là nơi trú quân của nhiều đơn vị cơ động tỉnh Biên Hòa, bộ đội Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngoài là nơi đóng quân, Phước An còn là bàn đạp tác chiến vào vùng ven hướng Đông Nam Sài Gòn.

Xác định Phước An là địa bàn hiểm yếu, nên khi tái chiếm Nam Bộ, vào tháng 3-1946 quân Pháp cho đóng bốt, nhưng chỉ 3 tháng sau, chúng buộc phải rút do áp lực quá mạnh của phong trào kháng chiến huyện Long Thành. Và từ cuối năm 1946, các ban lãnh đạo tổ chức Đảng ở Long Thành sau khi giải thể đều lần lượt chuyển về Phước An.

Đến đầu năm 1947, các cơ quan của huyện như: Ủy ban Hành chính kháng chiến, Mặt trận Việt Minh cùng các đoàn thể đều từng bước ổn định nơi làm việc với trụ sở là những căn nhà lá dừa nước trải dài từ rẫy thơm ấp Bà Bông đến xóm Ngọn trên phía rừng Giồng. Các cơ quan chỉ huy và các đơn vị liên chi Bình Xuyên, kể cả quân y viện và công binh xưởng cũng chuyển vào đóng quân ở nam lộ 19, trong rừng Sác Phước An, Ba Gioi. Từ miền Tây, khoa quân giới Nam Bộ cũng được điều về Phước An để lập các phân xưởng sản xuất vũ khí. Căn cứ của các đơn vị đều được xây dựng quy mô, có bến ghe, vọng gác, phòng tuyến chống địch, bãi tập để huấn luyện quân sự.

Chính quyền, các đoàn thể xã Phước An được củng cố, đội du kích tập trung, dân quân xã, ấp đẩy mạnh hoạt động. Bộ đội, cán bộ qua lại công tác và người dân các xã gần đó lui tới ngày một nhiều hơn và các hàng quán che mái lá ẩn dưới những tán cây rừng cũng lần lượt mọc lên hai bên đường Bào Bông. Qua đó cuộc sống và sinh hoạt trong vùng căn cứ kháng chiến này từng bước định hình nên Chiến khu Phước An khá là độc đáo.

Những “chuyện lạ” trong chiến khu Phước An đã thu hút một số bà con ở Nhà Bè, Sài Gòn tìm sang để “coi tận mắt cuộc sống kháng chiến” và sau đó nhiều người đã đem cả gia đình vào chiến khu ở luôn. Điều này đã thể hiện niềm tin to lớn của nhân dân vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Biên Hòa, ngày 5-5-1947 tại chiến khu Phước An diễn ra một sự kiện quan trọng trong lịch sử chống Pháp của Long Thành: Huyện ủy đầu tiên do tỉnh chỉ định được thành lập. Bí thư Huyện ủy là đồng chí Vũ Hồng Phô (bí danh Sáu Khánh). Ngay sau đó, các cấp ủy viên được phân công xuống xã để lãnh đạo phong trào và thành lập chi bộ cơ sở. Phong trào kháng chiến ở địa bàn huyện vùng Đông Nam Sài Gòn lên cao. Cuối tháng 6, quân Pháp đưa một tiểu đoàn càn vào rừng Sác Phước An dưới sự yểm trợ của các tàu chiến án ngữ suốt một dải từ tắc Ngọn tới Rạch Mới; nhưng chỉ đốt được 4 kho lúa đã phải vội vã rút quân, do bị đánh trả ác liệt.

Để bảo vệ các vùng căn cứ kháng chiến, huyện đưa ra chủ trương chặn giặc đường sông. Chỉ trong 15 ngày, hàng ngàn cây gỗ dài 3 mét được đồng bào, cán bộ, chiến sĩ của chiến khu Phước An đóng thành những hàng cọc hàn kín các cửa sông Bào Bông, Ba Gioi, Vũng Gấm, Vàm Cây Khô. Quanh các kho tàng đều gài mìn, cả trên cây lẫn dưới gốc bần, đước. Từ đó, quân giặc hầu như không dám càn vào sâu vùng Phước An.

Kỷ niệm 2 năm độc lập

Nhằm động viên khí thế kháng chiến, Huyện ủy Long Thành chủ trương tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa một cách trọng thể.

Ngày 2-9-1947, chiến khu Phước An tưng bừng trong không khí của ngày đại lễ. Cờ đỏ rực rỡ tung bay khắp xóm và khắp các cơ quan, trường, chợ. Tất cả các xã trong huyện đều có đoàn đại biểu về dự. Nhiều xã còn đưa theo đội văn nghệ để tham gia hội diễn. Đặc biệt là có đến hàng ngàn người dân ở Long Thành, Nhà Bè phần lớn là thanh niên nam, nữ biết ở Phước An tổ chức lễ mừng ngày độc lập đã tìm mọi cách vượt qua đồn bốt, trạm gác, theo đường sông, đường rừng náo nức đổ vào chiến khu.

3h chiều bắt đầu cuộc biểu dương lực lượng. Trên đường Bào Bông, Bà Trường rộn ràng tiếng trống, tiếng hô khẩu hiệu và rầm rập tiếng chân người. Buổi mít tinh trọng thể được khai mạc vào lúc 8h tối với sự có mặt của đại biểu khu 7, đại biểu tỉnh Biên Hòa, Sài Gòn - Gia Định, chỉ huy và chiến sĩ thuộc liên chi Bình Xuyên, bộ đội huyện Long Thành, dân quân, du kích các xã… Sau đó là hội diễn văn nghệ kéo dài đến sáng. 

Trong Long Thành những chặng đường lịch sử (NXB Đồng Nai 1988) các nhà bình luận quân sự cho rằng: “Lễ kỷ niệm mùng 2-9-1947 tại Phước An là cuộc lễ lớn nhất trong 9 năm kháng chiến chống Pháp ở Long Thành và có tác dụng động viên rất lớn tới khí thế kháng chiến của toàn dân trong huyện. Đặc biệt là niềm tin vào sức mạnh của kháng chiến được củng cố”.

Một “Sài Gòn mới” trong lòng chiến khu

Tiếp đến là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đánh dấu cho bước phát triển mới của phong trào cách mạng Long Thành. Tháng 1-1948, tại chiến khu Phước An, Đại hội Đảng bộ huyện lần đầu tiên được tổ chức, và cũng lần đầu tiên bầu cử theo hình thức dân chủ. Đồng chí Vũ Hồng Phô được chính thức bầu làm Bí thư Huyện ủy. Trong Ban Chấp hành có đầy đủ đại diện các tổ chức Đảng của cơ sở, các lực lượng vũ trang đóng quân địa bàn; tạo cơ sở cho sự thống nhất lãnh đạo.

Sự phát triển toàn diện của phong trào kháng chiến Long Thành đã xác lập thế liên hoàn, vững chắc giữa các vùng tự do mà trung tâm là chiến khu Phước An. Từ đó các tuyến liên lạc đều được mở thông, chiến khu Phước An trở thành một trong những tụ điểm chính trên con đường vào Nam ra Bắc của vùng Đông Nam Sài Gòn. Một số cơ quan của Sài Gòn - Gia Định cũng về đóng ở Phước An. Vùng đất có địa thế độc đáo này thời đó được cán bộ quân cán chính miền Đông gọi là “Thủ đô của Long Thành kháng chiến”.

Nhưng đặc biệt hơn, không những là trung tâm quân sự và chính trị quan trọng, chiến khu Phước An còn là một trung tâm kinh tế sầm uất và nhộn nhịp đến nỗi người dân của vùng Long Thành, Biên Hòa, Sài Gòn, Chợ Lớn và cả lục tỉnh gọi chiến khu này là… “Sài Gòn mới” ở phía Đông Nam Sài Gòn.

Dân cư trong chiến khu Phước An vào giữa năm 1948 đã lên đến khoảng 9.000 người, bao gồm cả binh lính, cán bộ và dân thường. Thực hiện 10 chủ trương kinh tế mới của tỉnh, bên cạnh việc khai hoang, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, khai thác, đánh bắt thuỷ sản, làm củi, than… để mua bán, trao đổi hàng hóa với các vùng tạm chiếm, Phước An còn móc ráp với thương nhân Trà Vinh, Bến Tre, Gò Công cung cấp lúa, gạo…

Nhờ vậy, bến sông Phước An luôn tấp nập tàu, ghe, trên bờ là “chợ Sắt” cũng rất đông người mua kẻ bán. Chợ thời chiến nhưng bán đủ loại nhu yếu phẩm, kể cả vải, thuốc tây, nước ngọt… là những mặt hàng khá hiếm thời bấy giờ. Và phong phú hơn là sản vật của rừng Giồng, rừng Sác, mà dân sống ở đô thành rất ưa thích.

Cùng với chợ Sắt, trong chiến khu Phước An còn có… phố Bào Bông nằm trải dài hai bên lộ 19 từ ấp Chợ tới ấp Bàu Bông, lúc nào cũng đông người qua lại, do có nhiều hàng quán ăn uống, giải khát, tiệm chụp hình, tiệm may, tiệm đóng giày, dép, xắc cốt, lò bánh mì… Thu hút thực khách đông nhất là quán cơm bình dân của kinh tài huyện và các tiệm phở, tiệm hủ tiếu tư nhân.

Sáng sáng dưới bến Bào Bông ghe thuyền đậu kín vận chuyển hàng lên chợ Sắt, cùng lúc bà con vùng tạm chiếm như Phước Lý, Mỹ Hội gồng gánh các loại nông sản, trái cây miệt vườn đến bán. Về đêm nhiều chiếc xe bò vẫn xuyên rừng Giồng lọc cọc chở hàng… Đặc biệt, tiền sử dụng ở Phước An là đồng bạc Cụ Hồ và các loại tiền của chính phủ kháng chiến.

Một nét nổi bật khác là đời sống văn hóa trong chiến khu lại khá văn minh và lành mạnh. Ấp nào cũng có trường học phổ thông, lớp xóa nạn mù chữ. Sân vận động Bào Bông tháng nào cũng có một đôi lần biểu diễn văn nghệ quần chúng...

Bùi Thuận

Tin xem nhiều