Trong quá trình 121 năm hình thành và phát triển, từ Trường dạy nghề Biên Hòa, rồi trở thành Trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa, Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa, Trường Kỹ thuật Biên Hòa, Trường phổ thông Công nghiệp Đồng Nai, Trường trung học Mỹ thuật trang trí Đồng Nai và hiện nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, ngôi trường này vang danh từ rất sớm trong giới mỹ thuật trong nước và thế giới nhờ sự đóng góp quan trọng của khá nhiều người.
Bên cạnh Hiệu trưởng Balick và vợ là bà Mariette đã xây dựng được phương pháp đào tạo, đặc biệt là tổ chức nghiên cứu phối chế thành công men màu xanh đồng “Vert de Biên Hòa”; Lê Văn Mậu - vị hiệu trưởng thứ 6 của trường với nhiều tác phẩm tạo hình được trưng bày trong nước cũng như đang có mặt tại Pháp, Mỹ, Hong Kong..., ngôi trường này còn có nhiều nhân vật khá độc đáo.
Thầy người Việt đầu tiên dạy nghề
Là người ký quyết định thành lập Trường dạy nghề Biên Hòa (École professionnelle de Bienhoa - thường được gọi là Trường bá nghệ), nên viên Chủ tỉnh Biên Hòa Alfonse Chesne rất quan tâm đến hoạt động của ngôi trường dạy nghề đầu tiên này. Do trường nằm cạnh tòa bố, nên một hôm Chesne vào xưởng trường yêu cầu thi nặn tượng. Đề tài là trò nặn tượng thầy và thầy nặn tượng trò. Thành phần giảng dạy của trường lúc đó gồm giáo sư người Pháp dạy lý thuyết, nghệ nhân người Hoa có tiếng ở các lò gốm dạy phần thực hành. Khi chấm thi, không có gì bất ngờ khi giải nhất được trao cho trò Đặng Văn Quới - một học sinh luôn được điểm cao với các môn vẽ, nặn, khắc. Phần thưởng là đặc cách tăng học bổng lên gấp đôi. Thời đó để thu hút người học, chính quyền cho học sinh Trường bá nghệ được lãnh học bổng mỗi tháng 3 đồng rưỡi (mua được một tạ rưỡi gạo).
Ông Đặng Văn Quới |
Trò Quới sinh năm 1888 tại làng Bình Long thuộc tổng Chánh Mỹ Thượng (nay thuộc phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa) trong một gia đình thuần nông. Quới là lứa học trò đầu tiên của Trường bá nghệ Biên Hòa. Trò sáng dạ và rất khéo tay. Ngày 1-8-1908, trò Đặng Văn Quới học sinh năm thứ 5 được đề bạt làm đốc công, được giao nhiệm vụ trợ giúp Hiệu trưởng A. Joyeux hướng dẫn học, rèn tay nghề cho học sinh lớp dưới. Bằng tài năng và sự tận tâm, nhiệt tình trong công tác đào tạo, quản sinh, đốc công Đặng Văn Quới được học sinh trong trường quý mến; gọi người học trò mới 20 tuổi bằng những danh xưng rất tôn kính là… “thầy Quản”, “thầy Nhứt” (vì thầy đứng thứ nhất trong đội ngũ giảng dạy của nhà trường). Khi tốt nghiệp, thầy Đặng Văn Quới được chính thức bổ nhiệm làm giảng sư của chính ngôi trường ông đã học tập và trở thành thầy dạy nghề đầu tiên là người Việt có bằng cấp hẳn hoi.
Bên cạnh công việc đào tạo, thầy Quản Quới còn nổi tiếng với tài vẽ truyền thần và nặn tượng. Danh tiếng lan xa đến nỗi mấy người con của cụ Trương Vĩnh Ký đến tận Biên Hòa đem theo hình vị học giả này để nhờ nặn tượng đúc đồng. Năm 1942 Viện Bảo tàng Sài Gòn mời hàng chục nghệ nhân đến để nhờ “cứu chữa” tượng Phật Lokesvara bị gãy làm 8 khúc do một nhà sư ở Trà Cú vừa hiến tặng. Ai cũng lắc đầu từ chối, khi nhìn thấy… vết thương của pho tượng quá nặng. Nghe vậy, thầy Quản Quới lên Sài Gòn xem xét và trở về nghiên cứu chế tạo ra một chất keo hàn gắn được pho tượng vừa tiệp màu vừa không nhìn thấy tì vết. Thầy Đặng Văn Quới được Toàn quyền Đông Dương, Bộ Giáo dục Pháp thưởng.
Trước khi đậu thủ khoa khóa đầu tiên của Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và về Trường trung học Mỹ thuật trang trí Đồng Nai dạy môn Lý luận mỹ thuật, giảng viên Huỳnh Bội Trân đã được nhiều người biết đến là cô nữ sinh trung học Ngô Quyền và là con gái của ông chủ nhà sách Huỳnh Hiệp ở Biên Hòa, được giải thưởng văn học nghệ thuật năm 1972 về đề tài phụ nữ đấu tranh giữ nước qua hình tượng Hai Bà Trưng.
Khi tham dự cuộc thi tiếng Anh do Đại sứ quán Úc ở Hà Nội tổ chức để tuyển chọn cấp học bổng đào tạo thạc sĩ ngành văn hóa, giảng viên Huỳnh Bội Trân đã gây ra sự kinh ngạc cho Bộ Văn hóa vì không ngờ có thí sinh đạt điểm số 60. Sau 2 năm du học, thạc sĩ Huỳnh Bội Trân trở về trường tiếp tục công tác và tham gia giảng dạy thêm môn thiết kế thời trang. Đặc biệt là viết bài về mỹ thuật Việt Nam qua nhiều khía cạnh cho các tạp chí chuyên ngành và các báo phổ thông trong, ngoài nước… Những tác phẩm báo chí này đã đưa tên tuổi Bội Trân được chú ý trong giới mỹ thuật và là tấm giấy thông hành để bà được nhận làm nghiên cứu sinh của Khoa lịch sử nghệ thuật thuộc Đại học Sydney.
Bà bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ, trong đó có nội dung “Trường dạy nghề Biên Hòa và thay đổi cả về cấu trúc lẫn quy mô theo dòng lịch sử phát triển của vùng Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và miền Nam Việt Nam nói chung” trong niên khóa 2005-2006.
Đưa truyền thông đa phương tiện vào giảng dạy
Thầy giáo Nguyễn Háo Thoại xuất thân từ một gia tộc cố cựu Biên Hòa, trong đó có ông nội là Đốc Phủ sứ Nguyễn Háo Nhơn, bác trai là nhà bác vật Nguyễn Háo Ca (1902-1975) du học Pháp về, từ chối làm việc ở Bộ Canh nông của chính quyền Ngô Đình Diệm để lên Di Linh (Lâm Đồng) mở nông trại trồng cà phê, trà và các loại trái cây mới du nhập.
Thầy Nguyễn Háo Thoại rất tâm huyết với ngôi trường Mỹ thuật Biên Hòa mà ông đã nhiều năm gắn bó, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Gia Định (nay là Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh). Qua tham quan, nghiên cứu về các trào lưu mỹ thuật hiện đại ở một số quốc gia tiên tiến, thầy Hiệu phó Trường trung học Mỹ thuật trang trí Đồng Nai Nguyễn Háo Thoại nhận thấy việc ứng dụng mỹ thuật vào đời sống kinh tế đang rất sôi động với nhiều thành tựu; nổi bật là ngành thiết kế, đồ họa sử dụng công nghệ tin học phát triển mạnh nên đề xuất ban lãnh đạo nhà trường hướng đào tạo mới. Thông qua giảng viên Huỳnh Bội Trân (vợ của thầy Thoại), 5 trường đại học có khoa thiết kế ở Úc đồng ý cho Trường Mỹ thuật Đồng Nai đến tham quan, nghiên cứu. Kết hợp và lấy danh nghĩa Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, việc học hỏi kinh nghiệm tổ chức đào tạo môn học mới này ở trường rất có kết quả. Đặc biệt là ở Singapore, Trường trung học Mỹ thuật Đồng Nai được Viện Mỹ thuật Nanyang ký kết thỏa thuận hợp tác, trao đổi giảng viên. Qua đó trường xây dựng được chương trình đào tạo truyền thông đa phương tiện (multimedia) cùng lúc với việc “nâng cấp” đội ngũ giảng viên qua trao đổi, tu nghiệp tại các trường quốc tế.
Nhờ vậy thời trường còn ở hệ trung cấp, chỉ mới hướng dẫn 2 phần mềm Photoshop và Corel cũng đã xuất hiện các học viên nổi bật như: họa sĩ Hồ Giáo làm thay đổi diện mạo của Báo Đồng Nai, trình bày nhiều bìa sách đoạt giải thưởng quốc gia; nghệ sĩ Dương Quốc Định được trao hàng chục huy chương quốc tế về các tác phẩm nhiếp ảnh lung linh sắc màu hội họa…
Bùi Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin