Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai trong lòng người

Huỳnh Văn Tới
09:34, 23/11/2024

Năm 2024, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai vào tuổi 20. Ấy là tuổi thanh niên tràn đầy năng lượng, kỳ vọng tương lai. Nhìn lại, 20 năm, một chặng đường trẻ trung, kết quả rõ ràng, sự nghiệp vẻ vang, rạng danh xứ sở.

Hồ Bà Hào thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Hồ Bà Hào thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Vui với thành tích, trăn trở với câu hỏi lớn: Làm thế nào để bảo tồn thiên nhiên, văn hóa Đồng Nai cho vĩnh cửu, trường tồn? Câu hỏi lớn này gợi nhớ lời dặn dò của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi góp ý xây dựng và phát triển Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai: “Hãy bảo tồn thiên nhiên, văn hóa Đồng Nai trong lòng người!”.

Tỏa sáng nhận thức

Bảo tồn giá trị thiên nhiên, văn hóa trong nhận thức cộng đồng có ý nghĩa nền móng cho sự nghiệp lâu dài, nhưng là việc khó. Sâu thẳm trong nhận thức nguyên sơ của cộng đồng cư dân bản địa là “rừng thiêng”. Vì thiêng nên tôn trọng và giữ gìn. Người Mạ, Chơro, S’tiêng sống trong rừng, nhờ sản vật của rừng, nhưng lấy của rừng vừa đủ, biết đủ là đủ, có điểm dừng.

Thời chiến tranh, bom đạn, chất độc hóa học của Mỹ tàn phá khủng khiếp nhưng không giết được rừng. Thời xây dựng, đi theo nhịp bước kinh tế thị trường, người đời thấy rừng có “lợi”, chữ “lợi” kéo theo chữ “tham”, vì tham nên khai thác rừng đến cạn kiệt, từ hơn 400 ngàn hécta rừng khi mới giải phóng miền Nam, rừng nhanh chóng bị thu hẹp, chỉ còn gần phân nửa. May quá, nhận thức của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân Đồng Nai kịp nhận ra giá trị của rừng, quyết tâm cùng nhau gìn giữ, thực hành nhiều biện pháp để bảo tồn.

Kết quả 20 năm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đánh dấu thành công lớn, để lại bài học lớn: Tác động vào trái tim là sự gieo cấy bền vững. Cái gì không gieo cấy vào thanh thiếu niên thì có lúc sẽ chấm hết, và ngược lại.

Ý thức bảo tồn sinh thái rừng được khẳng định ở Đồng Nai khá sớm, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội trong tư duy đổi mới. Thoạt đầu, dùng chữ “cấm”. Cấm rừng, đóng cửa rừng là nhận thức đồng thuận. Nhưng, khi Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm rừng, sau lời khen là câu hỏi: “Ai cấm ai?”, thì nhận thức giữ rừng chuyển sang trang mới: Chữ cấm nghiêng về chữ “bảo tồn”, chủ thể chính quyền chuyển sang chủ thể cộng đồng.

Từ ấy, Ban Quản lý bảo tồn thiên nhiên Đồng Nai được thành lập (sau nhiều lần đổi tên, nay thành Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai), chức năng là tham mưu cho chính quyền và nối nhịp trong dân tham gia bảo tồn rừng. Trong bảo tồn, giữ nguyên giá trị sinh thái. Giữ nguyên nhưng không phải giữ y, mà còn tôn tạo các giá trị khác, vậy nên có nhiều phong trào thi đua trồng rừng làm cho rừng thêm đẹp, thêm duyên, chữa lành vết thương chiến tranh.

Rừng thuộc khu bảo tồn ở Đồng Nai có “hồn” văn hóa lịch sử. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt xác định “hồn văn hóa lịch sử” của rừng bảo tồn ở Đồng Nai là các hệ giá trị văn hóa nhân văn của đồng bào các dân tộc Kinh, Mạ, Chơro, S’tiêng, Cơ ho lâu đời sống với rừng, các di chỉ văn hóa người tiền - sơ sử còn lưu lại, cùng là các di tích văn hóa kháng chiến như: Trung ương Cục miền Nam, Địa đạo Suối Linh, Căn cứ Khu ủy miền Đông; các điểm thành lập các cơ quan của Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang ở miền Nam… Tên gọi do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt cho “Trung tâm Sinh thái lịch sử văn hóa Chiến khu Đ” là để luôn nhắc nhở trách nhiệm đối với các giá trị ở rừng.

Suốt chặng đường 20 năm hình thành, phát triển, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai kiên định, kiên trì với nhận thức về giá trị sinh thái - lịch sử - văn hóa của rừng cần bảo tồn. Rất nhiều hoạt động đã được triển khai thực hiện đồng bộ, thường xuyên, tác động sâu rộng để cộng đồng cùng nhận thức đúng, rồi cùng hành động bảo vệ giá trị rừng bảo tồn. Tài liệu tuyên truyền phù hợp đối tượng, tài liệu chuyên đề bảo vệ đàn voi, môi trường hồ, trang thông tin điện tử cập nhật, các đề tài nghiên cứu khoa học, các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn… thường được phối hợp tổ chức đem lại tri thức cần thiết cho cộng đồng.

Kết quả đáng mừng. Đến nay, trong tâm thức của mọi người ở cộng đồng và các đơn vị liên quan có khác nhau về góc nhìn, cảm nghĩ nhưng đều chung nhận thức về việc bảo tồn, phát huy giá trị thiên nhiên văn hóa ở Đồng Nai. Chữ bảo tồn ngày thêm “tỏa sáng”. Vẫn còn nạn phá rừng, xâm hại rừng, trục lợi từ rừng; nhưng đó là hoạt động bị cộng đồng lên án, pháp luật nghiêm cấm.

Chắp cánh trong tim

Nhận thức là con đường chính trực đi vào trái tim. Từ trái tim dễ chạm đến trái tim. Cảm xúc từ trái tim sẽ tạo tình yêu bền vững.

Các hoạt động truyền thông làm thay đổi nhận thức cộng đồng của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thời gian qua đều nhắm hướng tác động vào cảm xúc của con người, thực sự đã gieo cấy cái đúng, cái hay, cái đẹp vào lòng người. Nhiều hoạt động đã cho thấy hình bóng của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai trong lòng người. Những bài cảm nhận của sinh viên, học sinh sau khi học tập, trải nghiệm đều cảm nhận yêu quý, trân trọng giá trị của khu bảo tồn; thậm chí nhiều ý kiến góp ý giàu tâm huyết và sáng tạo. Các câu lạc bộ xanh ngày càng lớn mạnh, đông hơn, chất lượng hơn, hoạt động “máu lửa”, thêm nhiều tiết mục mới lay động lòng người, ngược dòng tuổi tác.

Tuyển tập Tiếng Rừng (Nhà xuất bản Đồng Nai, 2016) là một trong những kết quả thực tế của các đợt sáng tác văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ; trong đó nhiều bài văn, thơ, tiểu phẩm dễ thương, nhẹ nhàng đi vào lòng người. Đặc biệt, các lớp vẽ, sáng tác của học sinh các trường trong vùng. Xem tác phẩm của các cháu, không khỏi giật mình vì những ý tưởng lớn trong sự diễn đạt hồn nhiên, càng tin yêu cảm xúc ấy sẽ lớn theo tâm hồn của các cháu, bền vững cùng thời gian, trường tồn trong nhân thế.

Kỳ vọng điểm hẹn

Tại thời điểm này, ta có quyền hy vọng Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai sẽ trở thành điểm hẹn hấp dẫn, điểm đến tin cậy. Không phải hy vọng trong bó gối, mà trong quyết tâm hành động.

Sau nhiều năm trăn trở, UBND tỉnh đã thông qua Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (giai đoạn 2021-2030). Theo đó, các điểm, tuyến du lịch sinh thái, văn hóa nghỉ dưỡng đã được quy hoạch, mời gọi các dự án đầu tư. Đã có vài dự án đầu tư nộp hồ sơ đăng ký. Một dự án du lịch “Đảo Ó - Đồng Trường đã vận hành”, đầy khó khăn. Nhiều dự án của dân đang hoạt động “ngoài luồng”  đang chờ cơ chế. Lòng dân, sức dân và ý tưởng của doanh nghiệp đã sẵn sàng. Nhưng thực tế quá nhiều điểm nghẽn cần được khai thông, nhất là thủ tục hành chính và quy trình phê duyệt hồ sơ.

Trong các dự án “thổi hồn” cho Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, quan điểm nhất quán là lấy mục tiêu bảo tồn làm chính, lấy chất lượng cuộc sống của cộng đồng làm mục tiêu, lấy du lịch sinh thái làm động lực. Dù dự án nào cũng phải tìm đến các giải pháp phục vụ cộng đồng, huy động sức dân, tạo được công ăn việc làm cho lao động địa phương, nuôi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia dự án. Hơn 2 ngàn hộ dân còn trong rừng, cần có giải pháp “sống” gắn với rừng, nếu phải ra khỏi rừng cũng không chia cắt rừng, tốt nhất là có đời sống tốt hơn, là lực lượng tham gia bảo vệ rừng, làm giàu đẹp cho rừng.

Cái hay, cái đẹp của khu bảo tồn được phát huy, cái thiếu được bù đắp, cái mới được thiết lập.  Các dịch vụ truyền thống, hiện đại, tiện ích, phù hợp được khuyến khích, đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu đa dạng của con người. Như vậy, khu bảo tồn mới thực sống trong lòng người.

Trong thời đại @, có thể ứng dụng công nghệ cao, nhất và công nghệ AI vào việc quảng bá, chắp cánh giá trị sinh thái, lịch sử, văn hóa Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thấm sâu và loan tỏa trong lòng người, vươn cao, bay xa khắp nơi. Ước mơ “Tháp dầu” kiêu hãnh vươn cao ở khu Bà Hào để làm động lực thu hút dự án chưa thực hiện được. Trung tâm Bà Hào vẫn dở dang nhiều ý tưởng hay. Các bộ sưu tập động thực vật, cảnh quan vốn được kỳ công nghiên cứu, nay vẫn còn trên giấy; cần sớm được chắp cánh bằng công nghệ data đến với mọi người. Có thể áp dụng kinh nghiệm quản lý khu bảo tồn của các nước tiến bộ để giản tiện các khâu quản lý, quảng bá thông tin, xây dựng thương hiệu; theo đó, một ổ bánh mì mang IT của khu bảo tồn cũng đem lại lợi ích cho cộng đồng về thu nhập và văn hóa.

Mong vậy, tin là sẽ được như vậy.

 

Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều