Tròn 10 năm kể từ ngày thành lập, Văn phòng Ðại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Đồng Nai (khu phố 4, phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) không chỉ tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Truyện Kiều của Nguyễn Du mà còn trở thành sân chơi cho các hội viên trong và ngoài tỉnh.
PGS-TS Huỳnh Văn Tới, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Đồng Nai (giữa) dâng hương đại thi hào Nguyễn Du tại vườn Kiều. Ảnh: CTV |
1. Trưởng Văn phòng Ðại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Đồng Nai Phạm Bá Khoát (93 tuổi) cho biết, Văn phòng Ðại diện hiện có 1 chi hội là Chi hội Kiều học Đồng Nai thành lập năm 2018 từ Câu lạc bộ Vườn Kiều, phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa. Văn phòng Ðại diện được UBND tỉnh cho phép hoạt động tại Quyết định số 3499/QĐ-UBND ngày 31-10-2014.
Qua 10 năm thành lập và hoạt động, văn phòng và Chi hội Kiều học Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều trên địa bàn. Nổi bật như: tham gia Cuộc thi Ðọc thuộc Truyện Kiều; hát đố Kiều trong vườn Kiều; thi thơ vịnh Kiều; vận động hội viên tham gia nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, sáng tác nhiều tác phẩm về Nguyễn Du và Truyện Kiều; phát hành tập san Truyện Kiều…
“Hội Kiều học ra đời xuất phát từ tình yêu Truyện Kiều, từ ý thức gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam. Với những hoạt động được tổ chức tại vườn Kiều đã và đang thực sự tạo nên sự lan tỏa các giá trị di sản Truyện Kiều và Nguyễn Du đến các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là sân chơi, là diễn đàn để các hội viên là nhà nghiên cứu, nghệ nhân và những người yêu thích Truyện Kiều tham gia sinh hoạt, biểu diễn” - cụ Khoát nói.
Văn phòng Ðại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Đồng Nai được thành lập theo Quyết định số 1990/NQ-HKHVN ngày 12-9-2014 của Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam. Đến nay, Hội Kiều học Việt Nam tại Đồng Nai đã có 32 hội viên là những nhà nghiên cứu, người yêu Truyện Kiều trong và ngoài tỉnh tham gia. |
2. Chi hội Kiều học Đồng Nai đặt tại vườn Kiều - khuôn viên nhà của cụ ông Phạm Bá Khoát. Cụ Khoát vốn là một chủ doanh nghiệp tư nhân có thương hiệu lớn trong nghề chăn nuôi heo ở Đồng Nai những năm 90 của thế kỷ trước. Bởi vì mê Kiều và để “thỏa mãn Kiều” theo cách riêng của mình, cụ đã lập một vườn Kiều, tạc tượng những nhân vật trong Truyện Kiều, cùng viết lên đá những câu Kiều… tạo thành không gian sinh hoạt văn hóa cho hội viên và những người yêu Truyện Kiều.
Tham gia vào Chi hội Kiều học Đồng Nai được 6 năm, ông Nguyễn Văn Thanh cho hay, vì yêu Truyện Kiều mà ông vào chi hội sinh hoạt. Tại đây, ông có cơ hội để thể hiện tình yêu của mình trong sáng tác, giới thiệu cũng như giao lưu, lan tỏa Truyện Kiều đến với cộng đồng. Trong đó có đối tượng là học sinh, sinh viên đến học tập, ngoại khóa về Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ: “Tại vườn Kiều, chi hội đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hội viên sinh hoạt; đồng thời phục vụ các đoàn khách đến tham quan, học tập. Đã có một số đề tài nghiên cứu thạc sĩ về Truyện Kiều đến vườn Kiều tìm hiểu, nghiên cứu. Đây là một trong những “địa chỉ văn hóa” góp phần tuyên truyền phổ biến Truyện Kiều, nuôi dưỡng tâm hồn cốt cách người Việt ở Đồng Nai. Qua đó, chung sức xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
Hội Kiều học Việt Nam tại Đồng Nai trao bảng tri ân cho các cá nhân đã có đóng góp trong xây dựng và phát triển Hội Kiều học Việt Nam tại Đồng Nai. |
3. Theo cụ ông Phạm Bá Khoát, Chi hội Kiều học Đồng Nai đặt tại vườn Kiều, phường Bình Đa hiện đang thuộc khu vực giải tỏa. Do đó, nhằm tạo điều kiện cho người yêu Truyện Kiều trong và ngoài tỉnh có địa chỉ để sinh hoạt, giao lưu, vườn Kiều ở thành phố Biên Hòa có kế hoạch sẽ chuyển về vườn Kiều ở huyện Trảng Bom do con trai ông là doanh nhân Phạm Đức Bình quản lý.
“Để phát huy những kết quả đạt, trong thời gian tới, Chi hội Kiều học Đồng Nai sẽ tiếp tục tổ chức đa dạng các hoạt động sáng tác, giới thiệu quảng bá Truyện Kiều; đồng thời phát triển thêm hội viên trẻ. Vườn Kiều ở thành phố Biên Hòa và vườn Kiều ở huyện Trảng Bom là điểm đến để các hội viên, người yêu Truyện Kiều trong và ngoài tỉnh cùng giao lưu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Nguyễn Du để lại cho hôm nay và mai sau” - cụ Khoát nói.
Với tình yêu và đam mê Truyện Kiều, Chi hội Kiều học Đồng Nai đã và đang tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh giá trị nhân văn của Truyện Kiều; tích cực xây dựng những hoạt động thiết thực góp phần cho sự phát triển, lan tỏa giá trị của Truyện Kiều tới nhân dân Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung. Từ đó, nâng cao sự cảm thụ để thấy được cái hay, cái đẹp, giá trị nhân văn trong kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Ly Na
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin