Báo Đồng Nai điện tử
En

Quan tâm giáo dục về nhân cách, lối sống

Phạm Huệ
09:51, 12/10/2024

Tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa là thực tế đáng lo ngại. Để ngăn chặn tình trạng này từ gốc, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường trong giáo dục nhân cách, lối sống cho thanh, thiếu niên, còn cần các giải pháp xã hội khác như: tạo nhiều sân chơi lành mạnh, xây dựng môi trường sống an toàn…

Thẩm phán PHAN THỊ THU HƯƠNG, Phó chánh tòa Gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân tỉnh:

Giáo dục trẻ từ gia đình và nhà trường

 Để giáo dục trẻ trưởng thành, có nhân cách tốt, trước hết, cha mẹ cần chú ý chăm sóc, giáo dục, dạy dỗ trẻ ngay từ nhỏ; cần thường xuyên chia sẻ, gần gũi, lắng nghe và đồng hành cùng con trên mọi hoạt động trong sinh hoạt cũng như học tập. Hiểu được tâm tư, tình cảm của trẻ để có những định hướng và uốn nắn cho phù hợp.

Đối với thầy cô giáo cũng cần có cách ứng xử công bằng, hài hòa, tinh tế. Đặc biệt chú ý hơn đến những học sinh có dấu hiệu bất ổn về tâm lý, nhất là những trẻ có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, cha mẹ tan vỡ để từ đó có sự nâng đỡ các em hơn. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật bằng các hình thức trực quan sinh động, thú vị để giúp người trẻ dễ tiếp cận và tiếp thu kiến thức pháp luật hơn.

Ông ĐỖ HUY KHÁNH, Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo:

Chủ động ngăn ngừa vi phạm pháp luật đối với học sinh

 Trong  năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và đào tạo lưu ý các phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện, các cơ sở giáo dục phải có giải pháp hiệu quả để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi bạo lực học đường cũng như các vi phạm pháp luật đối với học sinh. Các trường cần xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình về phòng ngừa tội phạm, bạo lực và phòng chống vi phạm pháp luật.

Đặc biệt cần phát huy vai trò của phụ huynh, các tổ chức, đoàn thể, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, tạo sân chơi bổ ích, hiệu quả thu hút học sinh tham gia. Lưu ý thiết lập các kênh thông tin của cơ sở giáo dục (hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát, trang mạng xã hội...) để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường, vi phạm pháp luật của học sinh.

Anh NGUYỄN MINH KIÊN, Bí thư Tỉnh đoàn:

Tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích

Thời gian qua, Tỉnh đoàn và các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu nhi phù hợp theo từng đối tượng. Đặc biệt, Tỉnh đoàn đã xây dựng hệ sinh thái các kênh mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube, TikTok) từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, đã tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng, bắt kịp thị hiếu, xu hướng của giới trẻ, trở thành “người bạn đồng hành tin cậy” của thanh niên trong công tác tuyên truyền, cập nhật các thông tin chính thống kịp thời, chính xác.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức các lớp tập huấn, các hoạt động tuyên truyền pháp luật; tổ chức các cuộc thi trực tuyến đa dạng, thú vị, phù hợp để thu hút thanh, thiếu niên tham gia. Đồng thời, gắn các hoạt động tuyên truyền pháp luật với giáo dục đạo đức, lối sống, triển khai các giải pháp cụ thể hóa cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Đồng Nai” phù hợp với từng đối tượng.

Qua đó nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của đoàn viên, thanh niên. Lan tỏa các gương điển hình trong thực hiện pháp luật, lối sống văn minh để cùng chung tay xây dựng xã hội lành mạnh, phát triển.

Thạc sĩ HÀ VĂN PHÚC, chuyên gia tâm lý, Giám đốc Công ty Đào tạo và phát triển giáo dục V.LIFE (thành phố Biên Hòa):

Luôn đồng hành và thấu hiểu

Thanh, thiếu niên là đối tượng đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần nên dễ bị lôi kéo, kích động. Vì vậy, cha mẹ cần chủ động tìm hiểu thêm các kiến thức, thông tin về lĩnh vực tâm lý để có thể nắm bắt, thấu hiểu được các vấn đề về tâm sinh lý, tính cách của con trong từng giai đoạn; thường xuyên gần gũi, quan tâm, lắng nghe và tạo sự tin tưởng với con thông qua các hoạt động gia đình như: nấu ăn, dã ngoại, trao đổi, trò chuyện...

Trong trường hợp phát hiện ra con có hành vi sai trái, cha mẹ cần bình tĩnh trao đổi, trò chuyện tìm hiểu nguyên nhân và hỗ trợ, giúp đỡ con tìm ra các phương án giải quyết đúng đắn.

Nhà trường cần quan tâm, chú trọng triển khai xây dựng mô hình Phòng tâm lý học đường để có thể hỗ trợ, giúp các em khi gặp các vấn đề, khó khăn. Thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình, chính quyền địa phương trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý, giáo dục các em phát triển toàn diện.

Phạm Huệ

Tin xem nhiều