Báo Đồng Nai điện tử
En

Để người lao động không vướng “tín dụng đen”

Kim Liễu
09:19, 05/10/2024

Những người gặp khó khăn, có thu nhập thấp, công nhân lao động cần tiền xoay xở nhanh thường bị nhóm đối tượng “tín dụng đen” nhắm đến. Hoạt động “tín dụng đen” diễn khá đa dạng, với nhiều phương thức và thủ đoạn hết sức tinh vi. Do đó, người lao động (NLĐ) cần biết cách nhận diện để phòng tránh “bẫy” cho vay lãi nặng.

Một công nhân chia sẻ kinh nghiệm tránh “bẫy” hoạt động “tín dụng đen” trong chương trình Điểm hẹn Công nhân tháng 9-2024. Ảnh: Nguyễn Hòa
Một công nhân chia sẻ kinh nghiệm tránh “bẫy” hoạt động “tín dụng đen” trong chương trình Điểm hẹn Công nhân tháng 9-2024. Ảnh: Nguyễn Hòa

 

Nhận diện “tín dụng đen” không khó

Đồng Nai hiện có trên 1,2 triệu công nhân lao động, phần lớn là lao động nhập cư nên cuộc sống của họ còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, nhu cầu vay vốn để phục vụ cuộc sống của NLĐ rất lớn. Lợi dụng điều này, các đối tượng chuyên cho vay lãi nặng đã tìm mọi cách để tiếp cận NLĐ bằng việc quảng cáo qua tờ rơi (gồm số điện thoại, Zalo liên hệ) được dán trên cột điện, tường nhà hoặc phát tờ rơi ở ngã ba, ngã tư; thủ tục cho vay đơn giản, chỉ cần căn cước công dân hoặc bằng lái xe hay thẻ ATM…

Để đối phó với pháp luật, thời gian gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức hoạt động “tín dụng đen” cho vay thông qua hoạt động của tiệm cầm đồ hoặc công ty tài chính; chơi hụi với mức đóng hụi chết (lãi suất) cao. Đối tượng cho vay còn ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội như sử dụng phần mềm cho vay trực tuyến, ứng dụng di động (app) hay các website quảng cáo… nhằm câu dẫn tiếp cận “con mồi” với lãi suất “trên trời”.

Tại chương trình Điểm hẹn công nhân tháng 9 với chủ đề Tài chính thông minh - Tránh “bẫy tín dụng đen” được Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tại huyện Nhơn Trạch vừa qua, trung tá Nguyễn Doãn Bé, Đội 2, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh, cho biết cách nhận diện “tín dụng đen” không khó. Hiện nay, hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp luôn có số điện thoại liên hệ cụ thể và có nhân viên tư vấn rõ ràng. Các tổ chức tín dụng đó được giới thiệu đến NLĐ thông qua Công đoàn hoặc những hình thức hợp pháp khác. Quá trình làm thủ tục vay vốn, NLĐ được tư vấn thủ tục đầy đủ, được quyền nghiên cứu cũng như giữ (một bản) hợp đồng tín dụng theo quy định.

Còn hoạt động “tín dụng đen”, thường cho vay với thủ tục rất dễ dàng, thậm chí không cần thủ tục. Các đối tượng chủ động tìm đến công nhân lao động để giới thiệu, dụ dỗ. Đến khi ký hợp đồng vay thì NLĐ lại không được giữ bản hợp đồng nào. Biểu hiện rõ nhất của “tín dụng đen” là lãi suất cho vay mập mờ và thường ở mức rất cao, thủ tục cực kỳ đơn giản. Khi NLĐ mất khả năng chi trả sẽ bị các đối tượng khủng bố, đe dọa.

Để không sập “bẫy” hoạt động “tín dụng đen”

Thực tế khi NLĐ không có khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hạn, các đối tượng cho vay sẽ đòi nợ bằng nhiều thủ đoạn như: Sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo…) bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người đi vay; đồng thời gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, khủng bố tinh thần… thậm  chí, có trường hợp còn cho người đến nhà riêng, nơi làm việc của người vay tiền để đập phá tài sản, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, phun sơn, đe dọa...

Với các hình thức đòi nợ như trên, hoạt động “tín dụng đen” không chỉ gây ra những vấn đề phức tạp về tình hình an ninh trật tự mà còn đẩy nhiều người lâm vào cảnh tan cửa, nát nhà.

Chia sẻ tại chương trình Điểm hẹn công nhân tháng 9, anh T.V.H. (công nhân Công ty TNHH Bosch Việt Nam) cho biết anh đã từng “sa chân” vào con đường nợ nần không lối thoát. “Tôi vay 3 triệu đồng trên một app cho vay. Thấy tôi không trả nổi nợ, người cho vay giới thiệu tôi tiếp tục vay tiền trên một app cho vay khác. Cứ thế, nợ cứ xoay vòng, lãi mẹ đẻ lãi con nợ được cộng dồn đến nổi tôi phải bán máu đến 65 lần để trả nợ” - anh H. cho biết.

Với sức ép về nợ “tín dụng đen”, nhiều công nhân phải xin nghỉ việc, mất việc làm… Để không dính vào “tín dụng đen”, chị Nguyễn Thị Liên (ngụ xã Lộc An, huyện Long Thành, làm việc ở Khu công nghiệp Long Thành), chia sẻ: “Khi muốn vay vốn làm ăn hay tiêu dùng, theo tôi, NLĐ nên ưu tiên lựa chọn các ngân hàng nhà nước hoặc các tổ chức tín dụng đã được đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. Để tạo thuận lợi cho NLĐ tiếp cận nguồn vốn chính thống, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần đơn giản thủ tục, xét duyệt cho vay nhanh hơn. Nếu lãi suất vay ưu đãi hoặc thấp nhất có thể để NLĐ có thể sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả”.

Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bùi Thị Bích Thủy cho biết: Những năm qua, các cấp Công đoàn tỉnh đã dành nhiều nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tài chính cho công nhân. Trong đó, có việc ký kết với các doanh nghiệp về chương trình phúc lợi dành cho đoàn viên, NLĐ; hỗ trợ công nhân vay vốn ở những ngân hàng chính thống với lãi suất hợp lý. Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức chăm lo để giảm bớt khó khăn cho NLĐ thông qua chương trình phúc lợi đoàn viên, thăm hỏi tặng quà các đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp lễ, kỷ niệm trong năm; tăng cường giám sát các chế độ chính sách cho NLĐ như tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ, các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động. Ngoài ra, chủ các doanh nghiệp và Công đoàn cơ sở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn tổ chức góp vốn xoay vòng trong công nhân lao động mà không tính lãi để kịp thời giải quyết một số khó khăn trong sinh hoạt, mua sắm, điều trị bệnh của đoàn viên, NLĐ… Các hoạt động này nhằm góp phần cải thiện đời sống NLĐ, đồng thời đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.

Theo báo cáo nghiên cứu Vấn đề tín dụng đen trong công nhân, lao động - thực trạng và giải pháp do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), có đến 54,8% NLĐ phải đi vay tiền do điều kiện kinh tế khó khăn, 20,2% vay “tín dụng đen”.

Kim Liễu

Tin xem nhiều