Báo Đồng Nai điện tử
En

Cây cọ dầu ngã bóng trên đất Đồng Nai

BÙI THUẬN
09:25, 12/10/2024

Với thân hình trục thẳng, được chạm khắc bởi hàng loạt “vết sẹo” đều tăm tắp, cùng những tàu lá xẻ thùy lông chim xanh ngắt quanh năm, lại được các nhà phong thủy cho là “mang lại niềm vui, sự hy vọng, may mắn tài lộc và xua điều xấu”, mấy năm gần đây, cây cọ dầu (elaeis guineensis thuộc họ Arecaceae) trở thành loại cây cảnh quen thuộc trong các khu du lịch, resort, sân golf, khu chế xuất, chung cư cao cấp, biệt thự…

Đoàn cán bộ tham quan một vườn cây cọ dầu ở Malaysia khi sang đàm phán thành lập Liên doanh Mavivo.
Đoàn cán bộ tham quan một vườn cây cọ dầu ở Malaysia khi sang đàm phán thành lập Liên doanh Mavivo.

Điều đặc biệt hơn nữa, những cây cọ dầu này đều cao lớn, có tuổi đời phải hàng chục năm trở lên. Và cũng rất đáng ngạc nhiên, không ít trong số cây cọ dầu tạo cảnh quan sang trọng này lại có xuất xứ từ vùng đất nghèo Xuân Lộc.

 

Loại cây trồng đa dụng

Không chỉ là loài cây cảnh thuộc hàng “quý tộc” ở nước ta hiện nay, cây cọ dầu có nguồn gốc nhiệt đới châu Phi là nguyên liệu quan trọng của nhiều ngành công nghệ như: chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, công nghệ in, chất tẩy… Trong đó, dầu cọ là nguyên liệu chính sản xuất dầu ăn nhờ chịu nhiệt và chống oxy hóa tốt.

Theo các tài liệu khoa học, cây cọ dầu có mặt và được khai thác ở châu Phi từ rất lâu đời, nhưng mãi đến năm 1848 mới được người Hà Lan đem trồng trên đảo Java. Sau đó, Malaysia phát hiện ra loại cây nguyên liệu có giá trị kinh tế lớn này nên đẩy mạnh canh tác, chế biến và trở thành “cường quốc” của loại cây có dầu.

Ở Việt Nam, vào năm 1958 trong chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham quan vùng trồng cọ dầu trên đảo Hải Nam đã thấy được lợi ích to lớn của loài cây này nên chỉ đạo cho Bộ trưởng Bộ Nông lâm Nghiêm Xuân Yêm tổ chức trồng thử nghiệm. Hương Sơn và Hương Khê (Hà Tĩnh) là 2 điểm trồng cọ dầu đầu tiên ở nước ta, nhưng do thổ nhưỡng và thời tiết không thích hợp và do hoàn cảnh chiến tranh nên việc trồng cây cọ dầu bị đình trệ.

Quả là cây cọ dầu có số phận hết sức lận đận khi định canh trên đất Đồng Nai. Tuy nhiên trong quá trình vận động đó loài cây có dầu ngoại nhập này đã để lại vùng đất Đồng Nai một số địa danh mới: Ấp Cọ Dầu ở Sông Ray, sóc Ba Buông ở Xuân Hòa, đường Cọ Dầu ở xã Xuân Hưng (đều thuộc huyện Xuân Lộc), nhà hàng Cọ Dầu ở Khu du lịch Bửu Long (thành phố Biên Hòa)…

Năm 1978, việc trồng thí nghiệm cây cọ dầu lại được triển khai ở vùng đất phương Nam nắng ấm. Ngoài các điểm trồng ở Vân Canh (Nghĩa Bình, nay là Bình Định), Suối Trầu (Khánh Hòa); ông Bảy Sanh - Trưởng ty Lâm nghiệp Đồng Nai bố trí trồng cọ dầu ở Gia An thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc trên diện tích 40 hécta.

Để làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch và phát triển, đầu năm 1986, Viện Nghiên cứu dầu thực vật (OPI) triển khai đề tài “Nghiên cứu khả năng thích nghi của cọ dầu ở các tỉnh phía Nam”. Đi vào thực hiện, Đồng Nai đã đưa Đội trồng cọ dầu Gia An thành Nông trường Cọ dầu Gia An để mở rộng diện tích trồng cây có dầu này thêm 180 hécta và giao cho Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai làm chủ quản.

Vào tháng 8-1986, UBND tỉnh phê duyệt “Sơ đồ phân bố và phát triển lực lượng sản xuất nông nghiệp Đồng Nai”. Theo đó mục tiêu cây trồng được xác định: Giai đoạn 1986-1991: 1.000 hécta cọ dầu. Giai đoạn 1991-2000: 5.000 hécta cọ dầu.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ IV (1986-2000) diễn ra vào tháng 10-1986 cũng đã thông qua chỉ tiêu này.

Dự án qua 3 lần “gãy gánh”

Một sự kiện đã làm cho ngành dầu thực vật Đồng Nai chính thức ra đời. Đó là thông báo của Trung ương cho biết ngày 19-5-1987 Chính phủ nước ta sẽ ký với Chính phủ Liên Xô Hiệp định hợp tác đầu tư trồng, chế biến và tiêu thụ cây có dầu (chủ yếu là dừa và cọ dầu). Liên hiệp các xí nghiệp dầu thực vật Việt Nam được Chính phủ giao phối hợp với 17 tỉnh phía Nam, trong đó có Đồng Nai bàn bạc hợp tác và chuẩn bị mọi mặt để tham gia.

 

Đục buồng trái trong công đoạn thu hoạch ở Nông trường Cọ dầu Gia An.
Đục buồng trái trong công đoạn thu hoạch ở Nông trường Cọ dầu Gia An.

 

Xác định thời cơ, ngày 29-10-1986 UBND tỉnh ra quyết định thành lập Công ty Liên hiệp dầu thực vật Đồng Nai và bổ nhiệm ông Lê Thành Bá (Ba Bá) - nguyên Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa làm giám đốc. Vốn là kỹ sư nông nghiệp và thông thạo tiếng Pháp và Nga, Giám đốc Ba Bá hăm hở bắt tay vào nhiệm vụ một cách rất bài bản. Quy hoạch, xác định ranh giới vùng chuyên canh cọ dầu cùng với việc tiếp quản Nông trường Cọ dầu Gia An thành Nông trường Thực nghiệm cọ dầu Gia An 1 để tập trung vào việc ươm hạt cọ dầu giống Ténera thuộc các dòng C0101, C7001, C2101 và D1439 được nhập về từ Pháp.

Đi trước một bước trong việc tạo cây giống để chuẩn bị trồng trên diện rộng, công ty còn hợp đồng với Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu thực hiện 12 đề tài nghiên cứu khoa học về trồng và chế biến dầu cọ trong khu thực nghiệm rộng đến 200 hécta. Tiếp đó, công ty tổ chức 10 đội sản xuất và hợp đồng với 477 hộ gia đình sống quanh khu vực Rừng Lá tham gia trồng và chăm sóc cây cọ dầu để thành lập ra Nông trường Cọ dầu Xuân Lộc 1. Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu sản xuất Công ty Liên hiệp dầu thực vật Đồng Nai còn hợp đồng với Tổng đội 9 Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Nông trường Cọ dầu Xuân Lộc 2 cũng tại địa bàn Xuân Lộc.

Có sự chuẩn bị chu đáo và với khí thế lao động sôi nổi, mùa trồng cây 2 năm 1988 và 1989, công nhân và nông hộ thuộc Công ty Liên hiệp dầu thực vật Đồng Nai đã trồng được 1.172 hécta cọ dầu, vượt 172 hécta so với chỉ tiêu 1.000 hécta vào năm 1990. Cùng với đó là chăm sóc 220 hécta cọ dầu đã trồng những năm trước.

Thấy được lợi thế và tiềm năng phát triển của cây cọ dầu ở Việt Nam, mà nổi bật nhất là ở Đồng Nai, Cộng hòa Dân chủ Đức tranh thủ ký kết với Chính phủ Việt Nam một hiệp định hợp tác phát triển kinh tế, trọng tâm là cây cọ dầu. Nhưng rồi Liên Xô sụp đổ, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, làm cho  dự án đa quốc gia về trồng và chế biến dầu cọ có quy mô lên đến 10.000 hécta được dự kiến 5 năm kiến thiết cơ bản và 15 năm khai thác bị rơi vào ngõ cụt.

Không chịu bó tay, Giám đốc Lê Thành Bá cùng lãnh đạo Liên hiệp các xí nghiệp Dầu thực vật Việt Nam liền liên hệ với tập đoàn Sahadevan chuyên doanh dầu cọ của Malaysia để bàn chuyện hợp tác. Hai bên thống nhất thành lập Liên doanh Mavivo (Malaysia-Viet Nam Vegetable Oil), trong đó tập đoàn Sahadevan góp vốn 70%, Liên hiệp dầu thực vật Việt Nam góp vốn 30%, Công ty dầu thực vật Đồng Nai góp giá trị sử dụng đất. Ông Lê Thành Bá được cử làm Phó tổng giám đốc Liên doanh Mavivo. Lại cũng thật bất ngờ, khi đưa trình duyệt, Chính phủ Malaysia từ chối. Thế là dự án Cọ dầu bị “gãy gánh” lần thứ 2.

Vốn là người cũng rất tâm huyết với cây cọ dầu từ những năm công tác trong ngành lâm nghiệp ở miền Bắc, nên vào tháng 7-1993, khi được giao phụ trách Chương trình 327 Đồng Nai (phủ xanh đất trống đồi trọc), Phó chủ tịch UBND tỉnh Bảy Sanh liền bàn với ông Lê Thành Bá vận dụng phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để lồng ghép việc chăm sóc, khai thác cọ dầu vào việc thực hiện Chương trình 327 ở Đồng Nai. Kỹ sư Lê Thành Bá củng cố lại bộ máy điều hành công ty và tập họp tất cả hộ trồng cọ dầu và nông dân ở hai xã Xuân Hưng và Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) lên đến 5.243 người tham gia vào Dự án lâm nông công nghiệp Hưng Hòa có quy mô diện tích đất là 9.578 hécta với nội dung chủ yếu là trồng rừng, phục hồi rừng lá buông, trồng xen cây ăn trái và chăm sóc, tổ chức ép dầu thô từ 840 hécta cọ dầu còn sống sót…

Dự án kinh tế hoạt động theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” diễn ra đầy khí thế, sôi động ngay từ đầu mùa mưa 1994 kéo dài sang cả năm 1995. Trưởng ban quản lý Dự án lâm nông công nghiệp Hưng Hòa Lê Thành Bá còn tổ chức di dời 23 hộ dân tộc S’tiêng vào lập sóc Ba Buông để làm nhiệm vụ phục hồi rừng lá buông.

Nhưng vào tháng 7-1995, Chính phủ thông báo là ngân sách Nhà nước bị thâm thũng, không thể đầu tư tiếp cho Chương trình 327. Thế là dự án Cọ dầu ở Đồng Nai lại bị “gãy gánh” thêm lần nữa. Tính ra đây là lần thứ 3.

BÙI THUẬN

Tin xem nhiều