Báo Đồng Nai điện tử
En

Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”

Hải Yến
12:18, 07/09/2024

Làm thế nào để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ là mong mỏi của học sinh, phụ huynh mà cũng là trăn trở chung của những người làm công tác giáo dục.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Huệ (xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh) đọc sách trong thư viện. Ảnh: H.Yến
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Huệ (xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh) đọc sách trong thư viện. Ảnh: H.Yến

Năm học 2024-2025, các trường đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động nhằm đem đến cho học sinh những tiết học hào hứng, vui tươi, bổ ích.

Mong được “học mà chơi, chơi mà học”

Dù mới bước vào bậc học trung học cơ sở (THCS) được 1 tuần nhưng em Nguyễn Như Quỳnh, học sinh lớp 6/4, Trường THCS Phước Tân 3 (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) đã mau chóng hòa nhập với môi trường mới. Như Quỳnh bày tỏ niềm vui, tâm trạng hào hứng vì được học trong một ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp, rộng rãi, các phòng học thoáng mát.

Quỳnh cho biết, em thích nhất là trường có nhiều cây xanh; thầy cô, bạn bè và các anh chị lớp trên rất thân thiện. Cá nhân em rất thích học môn Tiếng Anh, Lịch sử và Toán nên mong rằng thầy cô sẽ lồng ghép các trò chơi trong quá trình học để học sinh được tham gia thường xuyên, tạo sự hứng thú và sôi nổi hơn trong học tập.

“Em cũng mong nhà trường tổ chức hoạt động trồng cây để  làm cho trường xanh - sạch - đẹp; góp quỹ từ thiện cho học sinh vùng cao để giúp các bạn ở đó được đi học như bao bạn bè khác. Em sẽ tham gia tất cả các hoạt động mà nhà trường tổ chức và mong rằng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà thầy cô giao” - Như Quỳnh chia sẻ.

Năm học này, Trường tiểu học Nguyễn Huệ (phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) được chọn là 1 trong 6 trường tiểu học trên toàn tỉnh thí điểm thực hiện tiết đọc thư viện theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Từ nhiều năm qua, khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” được nhiều trường đưa ra với mong muốn giảm áp lực, tạo sự hứng khởi cho học sinh khi đến trường. Hơn cả như thế, nhiều trường học trên địa bàn Đồng Nai đã triển khai và phấn đấu xây dựng trường học hạnh phúc. Đây là một dự án được UNESCO khởi động từ năm 2014, Bộ Giáo dục và đào tạo triển khai từ năm 2019 nhằm thúc đẩy hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của người học, coi trọng và nuôi dưỡng các tài năng và thế mạnh đa dạng hơn là kết quả học tập.

Theo đó, mỗi lớp sẽ có 4 tiết thư viện/tháng, chia ra 2 hoạt động gồm: tiết đọc to (3 tiết/tháng) và tiết mượn sách. Cô Phạm Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/5, Trường tiểu học Nguyễn Huệ cho biết: “Vì mỗi học sinh có một sở thích đọc khác nhau, mối quan tâm khác nhau nên để thu hút được tất cả các em, giáo viên phải biết lựa chọn cuốn sách có nội dung thú vị, đồng thời phải có giọng đọc hay, diễn cảm, sử dụng cả ngôn ngữ hình thể để diễn đạt được nội dung một cách lôi cuốn nhất”.

Cũng theo cô Hà, tổ chức tiết đọc thư viện không phải là mới lạ. Tuy nhiên, trước đây mỗi trường có thể tổ chức từ 2 - 4 tiết/tháng tùy theo điều kiện riêng nhưng theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì cố định 4 tiết/tháng. Ngoài ra, nếu như trước đây, mô hình thư viện thân thiện đưa sẵn các khuôn mẫu để giáo viên thực hiện theo các trình tự được lập sẵn thì khi thực viện tiết đọc thư viện theo chương trình mới, giáo viên được trao quyền tự chủ nhiều hơn, mục tiêu chính là giúp học sinh phát triển tình yêu với sách một cách tự nhiên.

Đối với tiết mượn sách, thay vì học sinh tranh thủ mượn sách trong giờ ra chơi (điều này chỉ xảy ra với học sinh thực sự say mê đọc sách), nay hoạt động mượn sách được tổ chức thành 1 tiết riêng biệt để học sinh có thời gian đi đến các kệ sách tìm hiểu, lựa chọn cuốn sách yêu thích. Lịch mượn sách giữa các khối lớp cũng được bố trí lệch nhau để đảm bảo nguồn sách trong thư viện.

Mở rộng không gian lớp học, tăng trải nghiệm

Hiệu trưởng Trường THCS Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh) Phạm Trọng Đức cho hay, học sinh của trường đã có những ngày hè thực sự vui tươi, bổ ích trước khi bước vào năm học mới. Các em đã tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí và đạt được những thành tích đáng biểu dương. Trong đó có giải nhất, nhì, ba Hội thi Giai điệu tuổi hồng; giải ba và giải khuyến khích Hội thi Kể chuyện sách hè; giải nhì Hội thi Vẽ tranh thiếu nhi Long Khánh thành phố tôi yêu…

Để học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập nhưng vẫn được tham gia nhiều hoạt động, giáo viên của trường tích cực thay đổi phương pháp dạy học. Đặc biệt, trong năm học, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp bên ngoài nhà trường như cho học sinh tham quan các mô hình trồng cây sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, các trại chăn nuôi trên địa bàn xã.

Thầy Đức cho hay: “Năm học trước, chúng tôi đã tổ chức cho học sinh đi tham quan trại nuôi mật ong. Các em đều tỏ ra rất hào hứng và muốn được tham gia những hoạt động như vậy. Do đó, dù điều kiện còn khó khăn nhưng trường sẽ tiếp tục duy trì hình thức học tập trải nghiệm này để các em được học từ cuộc sống”.

Trường THCS Hàng Gòn có quy mô nhỏ (hơn 530 học sinh), điều kiện còn khó khăn hơn so với nhiều trường ở thành phố Long Khánh. Tuy vậy, trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn mức độ 2 trong năm học này.

Tương tự, Trường THCS Long Bình (phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) cũng là một trong những trường học đã cho học sinh tham gia trải nghiệm sản xuất trong môn Giáo dục địa phương. Theo đó, trường đã cho học sinh tham quan làng gốm và trải nghiệm làm gốm. Năm học này, trường dự định mời nghệ nhân làm gốm về trường để chia sẻ về nghề truyền thống này, đồng thời đưa vật liệu, thiết bị đến trường để học sinh trải nghiệm làm gốm.

Cô Nguyễn Thị Phương Lan, giáo viên Trường THCS Long Bình cho biết: “Những hoạt động trải nghiệm chính là hình thức đưa cuộc sống vào tiết học. Với hoạt động trải nghiệm, học sinh có cơ hội mở rộng không gian học tập bên ngoài lớp học, được thực hành nhiều hơn, không rập khuôn, lý thuyết suông”.

Hải Yến

 

Tin xem nhiều