Tác giả Hồng Nhạn, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai vừa ra mắt tập truyện ngắn Đời cỏ lau, Nhà xuất bản Đồng Nai, năm 2024. Đây là tác phẩm đầu tay, cũng là dấu ấn mở đầu cho sự nghiệp sáng tác văn chương của tác giả.
Với tập truyện Đời cỏ lau, tác giả Hồng Nhạn đã có thành công bước đầu, đóng góp tích cực vào phong trào sáng tác văn chương Đồng Nai. |
Hồng Nhạn (tên thật là Lê Thị Hồng Nhạn), là giáo viên Ngữ văn, thạc sĩ văn học, dạy tại huyện Định Quán. Chị sáng tác cả văn xuôi lẫn thơ.
12 truyện ngắn góp mặt trong tập truyện Đời cỏ lau là 12 câu chuyện nhiều nước mắt, có uất nghẹn, phẫn nộ, đau đớn cùng với mong manh những tia nắng xuân mới mẻ, ấm áp, lung linh những chớm hé đầu đời. Tác phẩm phản ánh bức tranh cuộc sống ở một phố huyện miền núi trong thời kỳ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thông qua cuộc sống, trăn trở của những người phụ nữ. Đó là những người mẹ, người chị, người em vần xoay giữa cơm áo gạo tiền với bảo vệ nền tảng gia đình và nuôi dạy con nhưng cũng không quên những khát khao hạnh phúc, tình yêu trong cuộc sống thường ngày.
“Đến mơ mình cũng không nghĩ có ngày hôm nay, ngày cành cỏ lau yếu ớt tưởng đã ngã rạp qua gió bão lại dám ngẩng cao đầu vươn chạm tới mặt trăng, như chạm vào hạnh phúc” (truyện Đời cỏ lau). Mượn hình ảnh cỏ lau giản dị, dân giã nhưng có sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, luôn vươn lên khát khao ánh sáng mặt trời để sinh sôi, nảy nở, khẳng định mình, phụng sự cho đời. Truyện mô tả, cảnh báo về nạn bạo lực gia đình, sự xung đột giữa các cấp độ văn hóa trong mối quan hệ vợ chồng. Gia đình như địa ngục khi phải sống cùng một gã chồng như một cái hũ hèm, chỉ biết say sưa kiếm tiền và nhầy nhụa trong thú vui nhậu nhẹt. Người vợ đầy lòng vị tha, cảm thông những mệt mỏi, những tiêu cực, uất ức chồng chị gặp phải trong cuộc mưu sinh. Chị đã vì gia đình mà cam chịu, nhưng rồi phải vùng lên, tìm lối thoát cho mình.
Em và đêm cũng là chuyện làm vợ… bợm nhậu. Những đêm thấp thỏm chờ chồng đi nhậu về. Tác giả có những trang viết sinh động, am hiểu đến đau đớn: “Mỗi lần biết được anh đi nhậu, Mai thường chuẩn bị rất chu đáo. Cô dọn dẹp nhà cửa tươm tất, cất gọn những vật dụng mang tính sát thương cao như cây gậy hay đập chuột ở góc nhà, thanh sắt, thanh gỗ ngổn ngang bên xưởng, giấu kỹ những con dao dùng trong nhà bếp, máy tính, điện thoại… hay những gì có giá trị cũng phải cất đi khỏi tầm mắt. Và việc cuối cùng, Mai giục hai con đi ngủ, cốt để chúng được yên, không nghe thấy những lời lẽ thô tục nhất mà đời nàng có thể chịu đựng được”. Và đây: “Những lời chao đảo ngả nghiêng của người say đã làm Mai hiểu là anh mới từ đâu trở về. Mai dịu giọng nhưng kiên quyết dìu chồng vào nhà, không quên khóa cửa để chồng khỏi đi quậy hàng xóm và gây nguy hại cho mọi người. Cô pha vội bột sắn dây ép Tùng uống cho nhả rượu. Nhưng không, anh đi thẳng xuống nhà vệ sinh, rồi “ọe… ọc… ọc”, đoạn cởi hết quần áo bò ra nhà… Mai dỗ chồng mặc đồ nhưng Tùng cứ chổng mông lên trời, bò lổm ngổm và chửi... Cứ thế, không có lời lẽ thô tục nào mà Tùng không nói ra”.
Chị Sen kể về một người phụ nữ nuôi cả gia đình bằng công việc của người đàn ông: mua dê thịt cho lò mổ. Cả ngày rong ruổi làm việc vất vả, về nhà lại bị chồng hành hạ. Con hư trốn học, chơi game. Gã chồng say xỉn, đánh đập chửi bới vợ như kẻ thù. Chị phải nhẫn nhịn cam chịu, nghiến răng mà sống vì con. Gã chồng đánh chị đến trọng thương phải đưa cấp cứu ở bệnh viện. Chị muốn ly dị, thoát khỏi gã chồng vũ phu lại sợ hắn quậy phá, sợ con sẽ hư.
Truyện Người đàn bà gánh đá là một kiếp nạn khác. Là vợ lẽ của ông chồng lớn tuổi, vì không sinh được con trai nên chị Lụa trôi dạt đến xó rừng này. Một mình làm đủ mọi công việc nặng nhọc được thuê mướn để nuôi đàn con nheo nhóc 5 đứa con gái. Chỗ trú ngụ của 6 mẹ con là túp lều bên bờ suối. Lũ con tự trông nhau. Rồi vì một chút sơ sẩy, đứa con út ngã xuống suối chết đuối. Ám ảnh, hối hận vì cái chết của con, từ đó ngoài giờ làm thuê, đôi vai chị lại bầm đau do mỗi buổi tối gánh đá xây bờ chắn bên suối. Gánh đá làm hàng rào hay chính gánh những tảng đá là định kiến của xã hội dành cho chị. Và một đêm mưa gió chị đã bị bị đá đè chết gục bên bờ suối.
Những truyện khác: Khi xương rồng nở hoa, Ly hôn cùng chủ đề ấy nhưng ở những cảnh ngộ khác. Tuy phản ánh nạn bạo lực trong gia đình nhưng tác giả không chỉ vẽ lên gam màu tối, ở cuối mỗi tác phẩm đều để những cái kết mở, những kẽ sáng hứa hẹn tương lai với nhiều thay đổi cùng với những chuyển biến của đất nước, của xã hội.
Phần sau của tập truyện là những mảng hiện thực đời sống tươi sáng hơn. Truyện Thiên thần Hương như một bài thơ đẫm nước mắt yêu thương. Đó là một nỗi đau lớn hiện đang âm ỉ trong cả xã hội, nỗi đau bệnh tật mà cụ thể là căn bệnh ung thư quái ác. Hương là em út trong nhà, lớn lên trong nghèo khó, thiếu thốn. Em hiền lành, ngoan nết, học hành giỏi giang. Nhưng bệnh hiểm nghèo đã cướp em đi khi vừa tốt nghiệp đại học, chuẩn bị làm lễ cưới. Em là vẻ đẹp mong manh, thoáng chốc. Từ câu chuyện trên, tác giả mở ra cả trang đời đầy trăn trở. Đó là những trăn trở về tình người, tình đời, tình cảm gia đình, vợ chồng, tình làng nghĩa xóm.
Tác giả Hồng Nhạn có vốn sống khá phong phú về cuộc sống của những con người ở miền đất miền rừng Định Quán, Tân Phú, đặc biệt là phụ nữ trung niên - những người đàn bà xứ rừng. Đó là người mẹ, người vợ của những năm 80, 90 của thế kỷ XX còn nhiều vất vả, từ những người phụ nữ nông dân lầm lụi kiếm sống, cam chịu, nhọc nhằn đến những người phụ nữ thế kỷ XXI có học thức nhưng vẫn chật vật áo cơm và trăn trở tìm hạnh phúc. Tác giả khá thành công trong xây dựng nhân vật người phụ nữ, vừa mang nét truyền thống của người đàn bà xưa vừa mang nét hiện đại khi xã hội thay đổi.
Truyện ngắn Lam Sơn: Tình cảm chớm nở của một nữ giáo sinh thực tập với một sĩ quan biên phòng trẻ nhưng họ đã để lỗi nhịp. 20 năm sau gặp lại, cô giáo trẻ giờ thành người mẹ đơn thân, một mình nuôi con vì người yêu bạc tình. Còn chàng sĩ quan cũng có cuộc hôn nhân không tình yêu. Họ gặp lại nhau trong những ngày đi chống dịch Covid-19 nhiều nguy hiểm, đe dọa sự sồng. Tình yêu chân thành, mãnh liệt qua thử thách sống chết có nhau đã giúp họ đến được với nhau, cùng nhau xây dựng cuôc đời mới.
Truyện ngắn Anh sẽ về: Tình cảm vợ chồng, cha con đẹp đẽ, cảm động trong cơn đại dịch Covid-19. Người bố là sĩ quan quân đội tham gia chống dịch ở tuyến đầu. Anh lao vào nơi nguy hiểm nhất, cứu giúp nhiều người bệnh năng. Anh đã bị lây bệnh nhưng may mắn qua khỏi. Và anh đã trở về trong hạnh phúc.
Truyện ngắn Bến xuân: Chuyện tình của một cô gái nơi xứ rừng Định Quán bên cái bến nước của làng rất nhiều kỷ niệm đẹp đẽ. Nhưng rồi hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo đưa đẩy, cô gái đã làm lỡ nhịp tình duyên. Cô bị hành hạ, đối xử tàn tệ phải bỏ về sau 5 năm lưu lạc xứ người. Họ nối lại tình xưa sau nhiều ngậm ngùi, cay đắng. Tình yêu chân thành, vị tha sẽ vá lành nỗi đau, sự
mất mát...
Với nghệ thuật phân tích tâm lý khá đầy đặn, những cảm xúc của nhân vật dần được lột tả. Điều này góp phần tạo nên thành công của tập truyện. Điểm nhìn trần thuật và ngôi kể đa dạng, khi ở ngôi thứ nhất, khi ngôi thứ ba, làm cho người đọc thấy như chính tác giả đang kể về mình, vừa gần vừa xa, tạo sự tò mò hấp dẫn. Tình huống truyện không có nhiều chi tiết gay cấn bất ngờ. Ngôn ngữ kể chuyện nhẹ nhàng, có những đoạn như một hồi ức, đầy chất thơ. Chính những điều này phần nào tạo nên giọng điệu riêng của mình, mang nét duyên dáng nhiều nữ tính. Ngôn ngữ nhân vật khá sắc nét, điển hình, nhất là lời lẽ của những bợm nhậu, những Chí Phèo thời mới. Có thể nói, đây là thế mạnh của chị. Nghệ thuật miêu tả cũng có những thành công đáng kể. Những trang tả cảnh miền rừng Định Quán với thiên nhiên tươi đẹp, trong lành, thơ mộng, những cảnh sinh hoạt gần gũi, sinh động.
Đàm Chu Văn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin