Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá nhiều và bất thường ở mô mỡ và các tổ chức khác trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Căn cứ vào cân nặng so với chiều cao, người có chỉ số BMI trên 30 sẽ được xem là béo phì.
Tập luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, kiểm soát cân nặng an toàn. Ảnh: H.Dung |
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, trên thế giới hiện có hơn 1 tỷ người đang mắc bệnh béo phì. Tức là cứ 8 người thì có 1 người bị béo phì. Ngày càng có nhiều trẻ em, thanh thiếu niên mắc bệnh béo phì với tỷ lệ cao hơn người lớn. Việt Nam cũng không nằm ngoài tình trạng chung này.
Những ai dễ mắc bệnh béo phì?
BS CKI Nguyễn Thị Mai Liên, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân, béo phì.
Trước hết là do ăn lượng thức ăn nhiều hơn nhu cầu tiêu hao, ăn những thức ăn có nhiều tinh bột, nhiều chất béo trong thời gian kéo dài; người có thói quen ăn vặt, ăn nhanh, vừa ăn vừa xem ti vi, điện thoại hoặc làm một việc gì khác.
Bộ Y tế đặt mục tiêu từ năm 2022 đến 2025 sẽ kiểm soát tình trạng béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây nhiễm ở trẻ em, thiếu niên và người trưởng thành. |
Ngoài ra, người bị béo phì cũng liên quan đến yếu tố di truyền. Gia đình nào có cả bố và mẹ bị béo phì thì con sinh ra có 80% sẽ bị béo phì. Dù nhu cầu về ăn uống của những người này không cao, ăn lượng thức ăn rất ít nhưng do bị rối loạn chuyển hóa nên những người có yếu tố di truyền nói trên vẫn bị thừa cân, béo phì.
Một nguyên nhân khác dẫn đến béo phì là do việc sử dụng thuốc. Có những người lạm dụng thuốc, trong đó có một số thuốc kích thích ăn ngon, giữ nước dẫn đến thừa cân, béo phì.
Nói về những tác hại của thừa cân, béo phì, theo bác sĩ Mai Liên, người béo phì có ngoại hình quá cỡ, không đẹp nên dễ tự ti, ngại giao tiếp, dễ mắc các bệnh như trầm cảm, tự kỷ. Do bị hạn chế trong giao tiếp nên người thừa cân, béo phì cũng có ít cơ hội việc làm hơn người có thân hình cân đối.
Không những thế, lượng mỡ dư thừa trong cơ thể khiến người thừa cân, béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh: đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, gout, tim mạch, ung thư; nguy cơ cao bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, xương khớp, nhất là khớp gối và cột sống thắt lưng.
Chế độ ăn nhiều rau, củ, quả, hạn chế tinh bột, chất béo giúp giảm cân an toàn. Ảnh: M.Hằng |
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục
Để hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì, ngăn ngừa bệnh tật, BS CKI Nguyễn Thị Mai Liên cho hay, điều chỉnh chế độ ăn uống là giải pháp quan trọng nhất để giúp người béo phì, thừa cân giảm được cân và ngăn ngừa thừa cân.
Để có thể làm được điều này phải có quyết tâm, đặt ra mục tiêu rõ ràng và có tính kỷ luật cao trong ăn uống. Cần phải giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể so với trước đó nhưng không giảm đột ngột mà giảm từ từ để tránh trường hợp nhịn ăn, luyện tập quá sức dẫn đến ngất xỉu.
Chuyên gia khuyến cáo, cần giảm những thức ăn có nhiều tinh bột như cơm trắng, những thức ăn chứa chất béo nhiều như bánh ngọt, nước ngọt, các loại sốt, thức ăn chiên, xào, nướng, thức ăn nhanh...Cần ăn đủ, ăn no vào buổi sáng, buổi trưa, giảm ăn vào buổi tối, không ăn vặt, không nên ăn sau 19h.
Những người có thói quen ít vận động, có lối sống tĩnh tại, ngủ ít (không đủ 8 tiếng/ngày) hoặc ngủ quá nhiều cũng có thể dẫn đến thừa cân, béo phì. |
Ăn nhiều rau xanh luộc, các loại củ, trái cây ít ngọt, chọn gạo lứt, khoai lang thay vì ăn nhiều gạo trắng. Khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa xem ti vi, điện thoại. Cần đảm bảo năng lượng nạp vào ít hơn năng lượng tiêu hao.
Mặt khác, người có nhu cầu giảm cân hoặc tránh thừa cân nên đi ngủ sớm trước 23h, cần ngủ đủ giấc và không ngủ quá nhiều. Tăng cường tập luyện thể dục, thể thao, ít nhất là 30 phút mỗi ngày.
Bác sĩ Liên lưu ý, chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng đối với nỗ lực giảm cân của người thừa cân, béo phì. Nếu thực hiện không đúng và “buông thả” bản thân khỏi những quy tắc trên, việc giảm cân sẽ không đạt được kết quả như ý.
Việc điều trị bằng thuốc chỉ được áp dụng sau khi can thiệp lối sống trong 3 tháng không giúp giảm được 5% cân nặng, người bệnh có BMI ≥ 25kg/m2.
Còn phương pháp phẫu thuật giảm cân chỉ được chỉ định với những trường hợp có BMI ≥ 35kg/m2 hay BMI≥ 30kg/m2 kèm bệnh lý đồng mắc liên quan đến béo phì, đã áp dụng các biện pháp khác nhưng không hiệu quả. Tuy nhiên, việc can thiệp thẩm mỹ để giảm cân phải được thực hiện ở những nơi được cấp phép, bởi bác sĩ có trình độ chuyên môn, được cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp.
Đối với trẻ em, các chuyên gia cho rằng, trẻ dưới 2 tuổi chưa cần cân nhắc chẩn đoán thừa cân bởi hầu hết trẻ bụ sữa, chưa ảnh hưởng sức khỏe. Trẻ trên 2 tuổi nếu bị béo phì, cần chẩn đoán và can thiệp, nhưng việc điều trị cần chú ý không phải trường hợp nào cũng can thiệp bởi sẽ ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ.
Hạnh Dung (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin