Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịch giả, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh:
Phải có ý thức để tiếng Việt phát triển một cách thống nhất

Đào Lê
07:35, 10/08/2024
Nhà nghiên cứu, dịch giả Cao Tự Thanh.

 

Ông Cao Tự Thanh là nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa dân tộc và là một trong những học giả Hán Nôm, dịch giả Hoa văn uy tín tại Việt Nam.

Theo nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, tiếng Việt luôn có sự vận động, phát triển, trách nhiệm của mọi người là phải luôn có ý thức để việc phát triển đó được diễn ra một cách thống nhất và không lệch quy chuẩn. Mới đây, Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh xung quanh việc hình thành, phát triển tiếng Việt.

Tiếng Việt luôn có sự tiếp biến

 Lịch sử hình thành tiếng Việt, chữ viết của chúng ta đã trải qua một thời gian dài. Ngày nay, chữ Quốc ngữ đang là văn tự chính thức của Việt Nam. Dưới góc độ nhà nghiên cứu, ông nhận định ra sao về sự tiếp biến văn hóa, khả năng dung nạp và sàng lọc của tiếng Việt?

- Ngôn ngữ là một giá trị phi vật thể, nó vận động và phát triển qua thực tế việc sử dụng của xã hội. Hệ thống giáo dục, hệ thống thông tin, các hoạt động ngôn ngữ, văn tự; việc nghiên cứu ngôn ngữ, chính sách ngôn ngữ của chính quyền... đều có tác động đến sự vận động, phát triển ấy.

Là nhà nghiên cứu, ông Cao Tự Thanh có gần 40 công trình về lịch sử văn hóa Việt Nam. Là dịch giả, ông đã dịch khoảng 70 đầu sách Trung Quốc về lịch sử, triết học, y học, văn học cổ, truyện võ hiệp, truyện thiếu nhi. Ông cũng là một trong 10 người Việt Nam được Đại học Đài Bắc (Đài Loan) đưa vào Chương trình Nghiên cứu các nhà Trung Quốc học trên thế giới.

Về chữ Quốc ngữ, nếu tính đến chức năng, trước thời Pháp thuộc là công cụ truyền đạo và thông tin trong nội bộ cộng đồng Thiên chúa giáo, đến thời Pháp thuộc trở thành công cụ hành chính và văn hóa trong tay người Pháp đồng thời từng bước trở thành công cụ của người Việt Nam. Từ năm 1945, chữ Quốc ngữ chính thức trở thành công cụ văn tự của nước Việt Nam cho đến ngày nay.

Không chỉ chữ Quốc ngữ, trước đây Việt Nam có sử dụng chữ Hán, chữ Nôm để ghi âm tiếng Việt. Các loại văn tự này không thể ăn khớp hoàn toàn với các hiện tượng, quá trình và lĩnh vực của xã hội Việt Nam.

Nhìn một cách rộng ra, sự vận động của xã hội, phát triển của xã hội thì tiếng Việt mới phát triển và chữ viết chỉ là công cụ để ghi nhớ lại. Chữ Quốc ngữ có ưu thế dễ học, dễ nhớ nên dễ phổ cập hơn chữ Hán, chữ Nôm nên được xã hội lựa chọn.

 Theo ông, tiếng Việt ngày nay đã có sự hoàn thiện như thế nào?

- Sau hơn 1 thế kỷ, sự khác biệt giữa các phương ngữ trong tiếng Việt cơ bản đã bị xóa bỏ trên cả các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và phong cách. So với thời điểm ban đầu đến nay, tiếng Việt đã đạt tới mức độ thống nhất hơn rất nhiều, tích lũy được một tiềm năng phát triển to lớn hơn. Điều này là đáng mừng bởi tiếng Việt tiếp tục có điều kiện phát triển một cách thống nhất cùng với sự vận động đi lên của xã hội.

 Giữa ngôn ngữ nói và viết tất nhiên cũng sẽ có những khoảng cách và sự khác biệt nhất định, nó cũng lại là 2 hợp phần cấu thành nên ngôn ngữ. Ở đây, câu chuyện giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nên được hiểu như thế nào đối với 2 phương thức này, thưa ông?

- Giống nhiều ngôn ngữ khác, tiếng Việt gồm hai bộ phận chủ yếu gồm có tiếng Việt văn học và tiếng Việt bình dân. Giữa hai bộ phận này luôn có sự liên thông cũng như sự khác biệt. Trong đó, tiếng Việt bình dân một mặt luôn góp phần làm giàu thêm tiếng Việt văn học nhưng mặt khác thường vận động một cách tự phát và phi quy chuẩn. Tiếng Việt văn học thì khác, nó không những là đại diện cho trình độ và năng lực phát triển ở những không gian, thời gian xác định mà còn là nơi tích lũy những tinh hoa, kế tục mạch truyền thừa của tiếng Việt trong lịch sử, luôn là hệ thống đóng vai trò chuẩn mực của tiếng Việt toàn dân.

Vì vậy, nói giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, theo tôi chủ yếu là nói tới sự trong sáng của bộ phận tiếng Việt văn học, tiếng Việt trong văn bản hành chính, bác học.

Phải có ý thức để tiếng Việt phát triển lành mạnh

 Ông vui mừng vì tiếng Việt đã có sự thống nhất và đang có điều kiện tiếp tục phát triển, nhưng với sự vận động của xã hội ngày nay, ắt hẳn cũng sẽ nảy sinh những vấn đề cần lưu tâm?

- Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, sự gia tăng số người biết chữ không tương ứng với việc nâng cao mặt bằng dân trí, tức biết chữ Quốc ngữ chưa chắc là biết tiếng Việt. Việc bùng nổ thông tin nhờ internet hiện nay làm số người tham gia hoạt động văn tự tăng vọt nhưng thiếu sự sàng lọc và chấn chỉnh.

Đường ranh giữa tiếng Việt văn học và tiếng Việt khẩu ngữ bị xóa nhòa một cách phi quy chuẩn ở nhiều nơi, nhiều lúc, tình hình này tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

Nhà nghiên cứu, dịch giả Cao Tự Thanh (tên thật là Cao Văn Dũng) là một trong 13 sinh viên theo học hệ cử nhân Hán Nôm chính quy đầu tiên của Việt Nam Dân chủ cộng hòa mở năm 1972, tốt nghiệp ngành Hán Nôm Khoa Ngữ văn của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1977.

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, tiếng Việt có những bước tiến đáng ghi nhận nhưng đồng thời cũng có nhiều biểu hiện suy thoái đáng quan tâm. Đơn cử là tình trạng hiểu sai và dùng sai tiếng Việt phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội và ở mọi khu vực giao tiếp xã hội, trên mọi lĩnh vực hoạt động xã hội.

 Vấn đề này dường như là mối lo ngại lớn, theo ông, cần phải làm gì?

- Ngôn ngữ như dòng chảy, du nhập ngôn ngữ nước ngoài vào Việt Nam là tất yếu và việc chọn lọc của người Việt cũng là tất yếu. Điều đó chúng ta không thể cấm đoán, ngăn cản được khi xã hội ngày một phát triển, sự giao lưu văn hóa và tương tác các mặt với thế giới ngày càng nhiều. Vấn đề là phải có ý thức để thực hành tiếng Việt làm sao cho chuẩn hóa.

Muốn sử dụng tiếng Việt cho chuẩn, trước hết phải hiểu đúng từ vựng trên cả ba phương diện từ nghĩa, từ pháp và từ nguyên. Đây là điều mà các từ điển tiếng Việt hiện có đều chưa đạt được trọn vẹn, nên những người quan tâm tới tiếng Việt còn có rất nhiều việc phải làm, những người hoạt động văn tự còn có rất nhiều điều cần lưu ý.

 Vậy theo ông, phải bắt đầu từ đâu?

- Như tôi đã nói ở trên, “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” nên bắt đầu từ văn chương bác học, ngôn ngữ ở dạng thức Nhà nước, sách báo... Tại các lĩnh vực này, cần phải có ý thức. Ngay cả việc dùng, nói, viết hiện nay đang sai chính tả rất nhiều, không chỉ trong ngôn ngữ bình dân mà còn có ở các cấp địa phương, trong văn bản hành chính... Trong khi đó, vẫn chưa có chế tài để có thể chấn chính vấn đề này.

Vì thế theo tôi, trước hết việc sử dụng tiếng Việt tinh hoa phải trong sáng, quy chuẩn và không tùy tiện.

 Xin cảm ơn ông! .

Đào Lê (thực hiện

Tin xem nhiều