Báo Đồng Nai điện tử
En

Công chức cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm: Đình chỉ công tác thôi chưa đủ

Kim Liễu
10:39, 03/08/2024

 

Chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần, nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của Bộ Nội vụ về việc “Đề xuất tạm đình chỉ công tác công chức cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm”.

Chọn công chức vững chuyên môn, giao tiếp tốt làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả là một trong những giải pháp phòng tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Trong ảnh: Công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả văn phòng một cửa UBND huyện Thống Nhất tiếp dân. Ảnh minh họa: K.Liễu
Chọn công chức vững chuyên môn, giao tiếp tốt làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả là một trong những giải pháp phòng tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Trong ảnh: Công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả văn phòng một cửa UBND huyện Thống Nhất tiếp dân. Ảnh minh họa: K.Liễu

 

Nhận diện “bệnh” sợ trách nhiệm

Tạm đình chỉ công tác đối với công chức cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm là một trong những đề xuất được Bộ Nội vụ nêu trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định 06/2023/NĐ-CP ngày 21-2-2023 của Chính phủ về kiểm định chất lượng đầu vào công chức trình Chính phủ mới đây.

Theo dự thảo này, công chức bị tạm đình chỉ công tác theo các căn cứ quy định tại Điều 8, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và 5 căn cứ: thứ nhất, có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân. Thứ  hai, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ. Thứ ba, đã bị xử lý kỷ luật Đảng và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thứ tư là có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc của cơ quan khác có thẩm quyền. Thứ  năm là cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý…

Hơn 10 năm làm việc tại bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thuộc cấp sở ở thành phố Biên Hòa, anh T. bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Bộ Nội vụ về việc tạm đình chỉ công tác đối với công chức cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Anh T. cho hay, thời gian gần đây, tại một số địa phương trên cả nước có tình trạng một số cán bộ công chức cố tình né tránh những việc khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực thi công vụ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Khi trả lời, hướng dẫn thì công chức không rõ quan điểm, chính kiến của tổ chức, đơn vị mình. Thậm chí những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình cũng tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên bằng cách gửi văn bản xin ý kiến. Sau đó, công chức lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm…

“Hành vi trên đã làm kéo dài việc giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp; giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; mất niềm tin của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội” - anh T. nói.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, tình trạng công chức cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm xuất phát từ nhận thức sợ trách nhiệm khi thực thi công vụ. Với cách nghĩ “không làm thì không sai”, “đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” dẫn đến hành vi cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Thêm hình thức xử lý

Bình luận dưới tin “Đề xuất tạm đình chỉ công tác công chức cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm” được trích dẫn trên Facebook Báo Đồng Nai ngày 19-7, nhiều BĐ bày tỏ nhất trí với đề xuất này. Tài khoản Facebook An Khang bình luận: “Cái này hợp lòng dân”. Tài khoản Facebook Hồ Ngọc Bảo Trâm viết: “Nên làm luôn và ngay”. Còn tài khoản Facebook Hà Tuyến Tiên bình luận: “Đúng rồi, người giỏi không thiếu, chỉ những cán bộ năng lực yếu kém mới sợ trách nhiệm, nếu cứ làm đúng thì chả việc gì phải sợ”.

Nhiều ý kiến cho rằng, tùy theo hậu quả của việc công chức cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm mà có chế tài xử lý khác nhau. Trong trường hợp gây thiệt hại, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, đình chỉ thôi thì quá nhẹ, nên áp dụng thêm các hình thức xử lý khác. Có như vậy mới có thể khắc phục được tình trạng cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ.

Tài khoản Facebook Hung XuanhungVu viết: “Nên trừ lương, tạm đình chỉ ở nhà chơi thì có cải thiện không”. “Cho thôi việc chứ tạm đình chỉ gì” - tài khoản Facebook Sơn Phạm đề xuất.

Ngoài đề xuất thêm hình thức xử lý đối với công chức cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, một số BĐ còn kiến nghị thêm các giải pháp để khắc phục tình trạng trên. Tài khoản Facebook Đỗ Gia bình luận: “Nên để số điện thoại đường dây nóng trước cửa cơ quan làm việc của các trụ sở nhà nước từ xã, phường cho tới tỉnh để người dân tiện trong việc phản ảnh khi thấy quan chức làm việc tắc trách và có dấu hiệu quan liêu”.

Để ngăn chặn tình trạng né trách nhiệm, không dám chịu trách nhiệm, ngày 23-5-2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao là căn cứ để tạm đình chỉ công tác. Thủ tục tạm đình chỉ công tác được tiến hành nhanh chóng. Nếu có đủ căn cứ xác định cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm thì chậm nhất sau 2 ngày làm việc, người đứng đầu ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.

 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị nên bổ sung quy định việc né tránh, đùn đẩy là căn cứ đánh giá, xếp loại, để xem xét, xử lý kỷ luật. Đồng thời, thể chế hóa chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Qua đó, khơi dậy lòng tự trọng, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức.

 Kim Liễu  

Tin xem nhiều