Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiến sĩ Vũ Thiện Toàn, Chuyên gia tâm lý: Gia đình phải là “pháo đài” trong bảo vệ trẻ em

Đào Lê
11:06, 06/07/2024

Đam mê công tác Đoàn, Hội, thích trẻ em và chia sẻ tâm tư nguyện vọng cùng con trẻ, tiến sĩ tâm lý Vũ Thiện Toàn nhiều năm qua đã gắn bó với Đồng Nai qua các chương trình, diễn đàn về trẻ em.

Tiến sĩ Vũ Thiện Toàn. Ảnh: NVCC
Tiến sĩ Vũ Thiện Toàn. Ảnh: NVCC

Với tiến sĩ VŨ THIỆN TOÀN, bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ bị xâm hại là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó gia đình là môi trường quan trọng nhất để nuôi dạy trẻ. Khi có sự cố xảy ra, gia đình cũng là nơi nương náu cuối cùng để tâm hồn trẻ thơ có thể được chữa lành.

Phụ huynh cần lắng nghe và thấu hiểu con trẻ nhiều hơn

* Bắt đầu từ đâu mà ông trở thành người chuyên tham gia các chương trình xã hội nhất là công tác bảo vệ trẻ em?

- Từ khi còn nhỏ, tôi đã rất thích các chương trình xã hội, vui chơi. Khi học lớp 9, thấy các anh chị đoàn viên tổ chức chương trình mùa hè xanh, hoạt động xã hội, tặng quà cho trẻ em nghèo... tôi cứ mong rằng sau này mình cũng sẽ được làm như vậy. Và thế là tôi xin các anh chị công tác ở đoàn phường nơi mình sinh sống (Thành phố Hồ Chí Minh) để tham gia các chương trình ấy.

Sau này hoạt động trong môi trường Đoàn, rồi cùng sống với đời sống anh chị em công nhân nhà trọ, thấu hiểu khó khăn của họ, tôi rất đồng cảm. Đối với các em nhỏ, khi bắt gặp các em bị ngược đãi, trong tôi lại nhóm lên một ngọn lửa, một mong muốn là làm sao mình có thể bảo vệ được các em một cách tốt hơn. Tôi muốn các em từng bước quên đi nỗi sợ hãi, quên đi nỗi ám ảnh và những vấn đề khủng hoảng tâm lý, giúp các em, các cháu hòa nhập trở lại một cách tốt hơn.

* Hơn 10 năm gắn bó với công tác chia sẻ, nâng cao nhận thức, kiến thức để bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, ông nhận định ra sao về môi trường hiện nay, những yếu tố nào có thể tác động đến sự an toàn của trẻ em?

- Trẻ em ngày nay nhận được nhiều quan tâm, có nhiều điều kiện để phát triển cả về thể chất lẫn tâm hồn, có khả năng vươn lên những đích đến mà các bậc cha mẹ ngày xưa chưa có được. Nhưng nói như vậy không phải là tất cả mọi thứ đều tốt đẹp. Ở lĩnh vực của mình, tôi muốn đề cập đến nhóm trẻ em yếu thế, hay thậm chí là trẻ thuộc gia đình bình thường, khá giả nhưng thiếu đi sự quan tâm của gia đình. Hiện nay, lối sống của một bộ phận người dân bị lệch lạc, giá trị đạo đức bị xem nhẹ, giới trẻ cổ súy cho lối sống thực dụng, hưởng thụ. Đặc biệt, việc tiếp cận các trang mạng có nội dung xấu, khiêu dâm, bạo lực quá dễ dàng. Vì vậy, tình trạng xâm hại trẻ em sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Riêng đối với nhóm trẻ em yếu thế, các em không có đủ những điều kiện cần thiết để có được cuộc sống bình thường vì cha mẹ bận mưu sinh, một số phải sống với ông bà già yếu… nên các đối tượng xấu sẽ có điều kiện để thực hiện hành vi của mình.

 Tiến sĩ VŨ THIỆN TOÀN có bằng tiến sĩ tâm lý học của Đại học quốc gia Singapore với học bổng toàn phần. Ông cũng có bằng bác sĩ nhi khoa. Với ông, để có thể bảo vệ trẻ em tốt hơn thì kiến thức cũng rất quan trọng, cả 2 quá trình ấy đầy gian nan nhưng luôn là động lực cho bản thân vươn tới.

* Qua nhiều chương trình trò chuyện, tâm tình với trẻ em, theo ông, trước những áp lực về tâm lý, điều mà con trẻ mong muốn ở bậc làm cha mẹ là gì?

- Phụ huynh cần tìm hiểu cách giao tiếp phù hợp và thấu cảm với con. Đây là một trong những chìa khóa giúp giảm thiểu áp lực tâm lý, đồng thời giúp phát hiện sớm những nguy cơ về sức khỏe tâm thần ở con trẻ. Thực tế, qua trò chuyện với trẻ nhỏ, chúng tôi nhận thấy rằng các em rất cần sự động viên, đón nhận và trân trọng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do hay vì áp lực cuộc sống, các gia đình chưa dành nhiều thời gian cho các em. Vì thế, các em cũng có thể đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn, bị bạo hành, bị xâm hại mà không biết. Và khi đó, chính bản thân các em lại càng tự thấy thu mình lại hơn.

Tôi cho rằng, nếu có thể, mỗi ngày, phụ huynh cần giành ít nhất 10 phút để nói chuyện, tâm sự, hỏi han con về chuyện học hành và sinh hoạt trong ngày; tập cho con cách kể chuyện về cuộc sống của con và tin những lời con nói. 10 phút đó đủ để nhận biết được con có những biểu hiện gì bất thường, sẽ thấy trên cơ thể con có dấu tích gì lạ và sớm phát hiện được việc trẻ có bị xâm hại hay không. Đừng chỉ quan tâm đến đời sống vật chất mà quên mất tâm sinh lý của trẻ cũng cần được chăm sóc, định hướng hàng ngày để có cách cư xử chuẩn mực, phát triển ngày một tốt hơn.

Gắn bó với Đồng Nai

* Hơn 10 năm đi chuyên sâu vào lĩnh vực bảo vệ trẻ em thì có hơn 7 năm gắn bó với Đồng Nai, tiến sĩ có thể chia sẻ đôi điều về sự “ưu ái này”?

- Đầu tiên thì cũng giống như địa phương khác, nhưng dần dần tôi ấn tượng với Đồng Nai bởi sự nhiệt tình của các anh, chị làm công tác bảo vệ trẻ em. Tôi nhớ là năm 2017, Sở Lao động, thương binh và xã hội mời một tổ chức phi chính phủ về tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cán bộ và tôi được tổ chức đó mời với vai trò chuyên gia. Tỉnh rất chú trọng đến hiệu quả tổ chức của các chương trình nên tôi nhận thấy được sự quan tâm và từ đó tôi có dịp tham gia nhiều hơn với các chương trình. Giờ đây, có thể nói tôi trở thành “gương mặt thân quen” của các chương trình, diễn đàn về trẻ em của tỉnh, nhất là với các trường học. Có trường mỗi năm tôi có dịp tới trao đổi đến vài ba lần nên các thầy cô cũng như cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em rất thân thiết.

Tiến sĩ Vũ Thiện Toàn trong vòng vây của các em học sinh ở huyện Xuân Lộc.
Tiến sĩ Vũ Thiện Toàn trong vòng vây của các em học sinh ở huyện Xuân Lộc.

* Theo ông, vai trò của Nhà nước, cơ quan đoàn thể cần phải thể hiện như thế nào trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em?

- Tại các diễn đàn trẻ em mà tôi tham gia, tư vấn, trẻ quan tâm thảo luận, trao đổi nhiều vấn đề nổi cộm trong gia đình và ngoài xã hội đã và đang có ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến việc học cùng sự phát triển an toàn lành mạnh của trẻ. Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp để ngăn ngừa và thay đổi theo hướng cải thiện tích cực hơn các môi trường sống của trẻ hiện nay để hạn chế nguy cơ dẫn đến bạo lực, xâm hại.

Cũng có khá nhiều ý kiến của các em đề xuất các ngành chức năng phối hợp cùng nhà trường và các đoàn thể chính trị xã hội tổ chức những buổi chuyên đề cho phụ huynh để phụ huynh thấu hiểu con cái hơn, nuôi dạy con khoa học hơn, không nuông chiều, dạy hư con trẻ, không so sánh con với “con nhà người ta”, khen động viên con khéo léo hơn...

* Được đánh giá là “chiếc khiên” cho trẻ em, sau chừng ấy năm tham gia công việc “chữa lành” tâm lý cho trẻ thì điều đọng lại lớn nhất với ông là gì?

- Tôi vui. Vui vì mình có ích, vì được hòa đồng cùng con trẻ, được cảm nhận tâm tư, tình cảm của các em và được các em chia sẻ những điều mà thậm chí không dám chia sẻ với ngay cả cha mẹ, người thân. Hơn nữa, làm công tác trẻ em giúp cho tôi được sống như tâm hồn của đứa trẻ, luôn hướng tới phía trước với năng lượng, với sự lạc quan dù cuộc sống ngoài kia bao thứ bủa vây mình, cám dỗ mình. Có nhiều khi áp lực cuộc sống khiến bản thân trở nên cau có và mất bình tĩnh nhưng sau khi đến với các em, tôi lại tự điều chỉnh mình làm sao để sống đẹp hơn.

Vui đấy nhưng cũng có những nỗi niềm bởi vẫn còn những sự vụ trẻ em bị xâm hại; khi mình có công việc nghĩa là xã hội đang mất an toàn. Mà các mầm non, trẻ thơ, những đối tượng đáng ra phải được trân trọng, yêu thương hơn lại vướng vào những câu chuyện đau lòng, nếu xã hội không sẻ chia, rất khó để các em chữa lành tâm lý.

* Xin cảm ơn ông! 

Đào Lê (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều