Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông nghiệp vào đường đua 4.0

Lê Quyên
07:06, 13/07/2024

Vài năm trở lại đây, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã bước vào “đường đua” 4.0 nên chuyển đổi số (CĐS) được áp dụng trong cả chăn nuôi, trồng trọt. Nông dân đã chủ động ứng dụng nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, trại nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản... Qua đó, tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Nông dân tìm hiểu về mô hình máy bay không người lái tại hội thảo về cơ giới hóa nông nghiệp tỉnh Đồng Nai.
Nông dân tìm hiểu về mô hình máy bay không người lái tại hội thảo về cơ giới hóa nông nghiệp tỉnh Đồng Nai. Ảnh:Lê Quyên

CĐS cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ cho nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội…

Ứng dụng vào sản xuất

Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch CĐS ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp được quan tâm.

Đồng Nai đi tiên phong trong cả triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, nông sản. Từ năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai Dự án Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và Dự án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt có nguồn gốc từ động vật.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình “nông nghiệp thông minh” với những giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại ngày càng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, những kỹ thuật, công nghệ đơn giản, dễ ứng dụng đã được áp dụng phổ biến. Tiêu biểu như: hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống được điều khiển bởi ứng dụng trên điện thoại di động đã phủ sóng trên nhiều loại cây trồng với diện tích gần 60 ngàn hécta.

Tỉnh cũng có nhiều lợi thế thu hút, khuyến khích nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp của địa phương.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TRẦN LÂM SINH, thời gian qua, ngành Nông nghiệp rất tích cực triển khai CĐS, từ việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đến xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành.

Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) có 23 thành viên với hơn 40 hécta sầu riêng. Toàn bộ diện tích này được các tổ viên làm theo hướng hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học để cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn. Đơn vị này cũng đi tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt các tổ viên góp vốn mua thiết bị máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân trong chăm sóc cây trồng. Tổ hợp tác còn tổ chức làm dịch vụ phun thuốc, bón phân cho các nhà vườn tại địa phương để nhân rộng hiệu quả của mô hình ứng dụng công nghệ cao này.

Ông Trần Văn Đức, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức chia sẻ, sử dụng thiết bị máy bay không người lái giúp tiết kiệm chi phí phân, thuốc, công lao động. Với tình hình lao động nông thôn ngày càng khan hiếm như hiện nay, ứng dụng thiết bị máy bay không người lái vào sản xuất càng có nhiều lợi thế, nhất là đảm bảo tính kịp thời trong xử lý sâu bệnh trên cây trồng.

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không ngừng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu về mô hình điểm trong lĩnh vực chăn nuôi có HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành). Đây là HTX tiên phong trong cả nước khi đầu tư công nghệ cao nuôi gà công nghiệp xuất khẩu đi thị trường khó tính Nhật Bản. HTX Thanh Bình (huyện Trảng Bom) không chỉ xuất khẩu tốt mặt hàng chuối tươi đi thị trường Hàn Quốc mà còn đầu tư chế biến sâu. HTX đã đầu tư dây chuyền từ thu hoạch đến hệ thống kho lạnh, các máy móc sơ chế, chế biến sản phẩm từ chuối; đặc biệt nhất là tận tụng phế phẩm thân cây chuối làm bẹ dây chuối, sợi dây chuối xuất khẩu đi các nước.

CĐS trong quảng bá, tiêu thụ nông sản

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện CĐS trong quản lý, giám sát và đánh giá phân hạng sản phẩm Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); áp dụng thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP; hoàn thành hệ thống trực tuyến lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về chính quyền địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng internet…

Theo Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh năm 2024 của UBND tỉnh, một trong những mục tiêu cụ thể là hỗ trợ trên 50% chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh có website quảng bá thương hiệu sản phẩm và thông tin đơn vị. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể này tham gia giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn). Trong đó, việc kết nối sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai với sàn giao dịch thương mại điện tử các tỉnh, thành trong cả nước được quan tâm thúc đẩy. Tỉnh cũng có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai; khuyến khích người tiêu dùng tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Các doanh nghiệp, HTX, nông dân cũng được tạo điều kiện tham gia các chương trình tập huấn xây dựng thương hiệu và cách thức quảng bá sản phẩm hiệu quả trên môi trường trực tuyến; tập huấn kinh doanh online hiệu quả trên các kênh thương mại điện tử phổ biến…

Ông Nông Sểnh Bẩu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu, sản xuất thực phẩm Đông Du Ký (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom), cho hay doanh nghiệp rất quan tâm đầu tư quảng bá, bán hàng trên các kênh thương mại điện tử. Vì hiện nay, có rất nhiều chương trình thanh toán trực tuyến với nhiều ưu đãi cho người sử dụng. Kênh thanh toán thông minh này tiện lợi cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng và rất phù hợp với bối cảnh kinh doanh năng động hiện nay. Việc phổ biến thanh toán trực tuyến hầu như không gặp khó khăn vì hiện nay các bà, các bác lớn tuổi ở nông thôn cũng đều dùng điện thoại thông minh, đều lướt Facebook và có tài khoản online.

Ngày nay, câu chuyện trực tiếp bán nông sản xuyên biên giới qua kênh thương mại điện tử không còn xa lạ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản. Trong đó, ngay cả các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng có thể tham gia xuất khẩu qua kênh tiêu thụ hiện đại này.

 Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (huyện Định Quán), so sánh trước đây, hoạt động xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp đều theo cách truyền thống, chủ yếu là xuất khẩu theo đơn đặt hàng của khách. Sau khi tìm hiểu về các giải pháp xuất khẩu nông sản xuyên biên giới qua kênh thương mại điện tử, doanh nghiệp rất quan tâm đến kênh phân phối giàu tiềm năng này. Vì đây là kênh bán hàng mới rất hiệu quả, tiết kiệm chi phí và hạn chế rủi ro, rất phù hợp cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Lê Quyên

Tin xem nhiều