Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn: Mỗi bài hát là một câu chuyện từ trái tim người nghệ sĩ

Ly Na
08:33, 27/07/2024

Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn là tác giả của những bài hát quen thuộc với công chúng như: Câu hát tiễn chồng, Hát Quốc ca giữa đảo Trường Sa, Những chàng trai của biển, Đất lành, Nơi tinh hoa hội tụ…

Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn hát bên cây đàn guitar.
Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn hát bên cây đàn guitar.

Ở tuổi 66, nhạc sĩ Cao Hồng Sơn vẫn đều đặn cho ra đời những ca khúc mới, thể hiện sự bền bỉ, hăng say với âm nhạc.

Như một nén tâm nhang…

* Thưa nhạc sĩ Cao Hồng Sơn, được biết ông vừa sáng tác xong một ca khúc mới. Ông có thể chia sẻ cho công chúng cùng biết về ca khúc này?

- Cách đây mấy hôm, có phóng viên đến phỏng vấn tôi về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi đã chia sẻ một số điều về cảm xúc của mình.

Trong 50 năm hoạt động nghệ thuật và sáng tác hơn 200 ca khúc, tôi có viết về 2 bậc vĩ nhân, đó là Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và tôi có ý định đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào bài ca của tôi, vì ông xứng đáng.

 Ý định đó như là một lời hứa thôi thúc tôi bắt đầu viết. Chỉ vỏn vẹn trong 3 ngày, tôi đã hoàn thành nhạc phẩm Người thắp lửa vĩ đại, là nén tâm nhang để tiễn biệt, kính dâng lên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo tài ba của cách mạng Việt Nam.

* Dường như những ca từ trong bài hát Người thắp lửa vĩ đại gắn liền với rất nhiều câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

- Khi sáng tác, tôi suy nghĩ và nghiên cứu rất nhiều để bài hát viết ra phải là một câu chuyện được kể từ sâu thẳm trái tim của người nghệ sĩ.

Tôi theo dõi rất kỹ về sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bởi vậy, ca từ trong Người thắp lửa vĩ đại có những lời là của Tổng Bí thư đã nói như thế.

Ca khúc Người thắp lửa vĩ đại chất tráng ca là chủ đạo, có những giai điệu như một lời ru, như một lời than, như một lời khóc, nhưng không khóc một cách ủy mị mà là khóc có nghị lực. Ở đoạn cuối ca khúc, tôi cho tác phẩm sáng lên, để cho hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành hình ảnh người truyền lửa.

Nhạc sĩ CAO HỒNG SƠN nguyên là giảng viên của trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Đến nay, ông đã có gia tài với hơn 200 ca khúc, trong đó nhiều ca khúc của ông đã đoạt các giải thưởng lớn.

Ước mơ có một nhà hát cộng đồng…

* Nhạc sĩ có nhiều sáng tác là do đặt hàng, đoạt nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài tỉnh. Làm thế nào để ông tìm cho mình một hướng đi riêng, không phụ thuộc vào sự đặt hàng?

- Muốn sáng tác trước hết phải có vốn ngôn ngữ, vốn văn chương phong phú. Còn viết về một đơn vị nào hay viết về một công ty nào thì cũng phải gắn liền với Tổ quốc, với truyền thống của dân tộc. Trong cái hữu hạn có cái vô hạn và khi mang cái vô hạn vào cái hữu hạn thì tác phẩm sẽ rộng lớn hơn. Tôi cho rằng, hình ảnh của các đơn vị đặt hàng cũng không xa rời được vũ trụ, không xa rời được thế thái nhân tình này và đặc biệt là không xa rời với lịch sử dân tộc.

* Trong gia tài của mình, ông sáng tác nhiều nhạc phẩm về Đồng Nai với những con người cần cù, năng động, sáng tạo. Ông có suy nghĩ gì về âm nhạc viết về vùng đất hơn 325 năm hình thành, phát triển này?

- Tôi viết khá nhiều về Biên Hòa - Đồng Nai và cũng dành tình cảm rất lớn cho vùng đất này. Nhạc phẩm gần đây nhất tôi khá tâm đắc không chỉ có hình ảnh Đồng Nai mà còn là hình ảnh của cả miền Đông Nam Bộ. Bài hát mang tên Miền Đông sông hát. Bài hát này sáng tác hướng đến kỷ niệm 50 năm đất nước trọn niềm vui, tôi có khai thác một chút âm hưởng dân gian của Nam Bộ.

* Tham gia chấm thi rất nhiều liên hoan, hội diễn âm nhạc lớn, nhỏ ở Biên Hòa - Đồng Nai, nhạc sĩ có thể đánh giá về phong trào âm nhạc của tỉnh nhà hiện nay?

- Đồng Nai là một miền đất giao thoa, miền đất hội tụ, cho nên có rất nhiều tài năng. Đây cũng là nơi có môi trường khá tốt, chuyên nghiệp, là cái nôi để ươm mầm, đào tạo học sinh có năng khiếu về âm nhạc. Bởi vậy, phong trào âm nhạc của Đồng Nai phát triển mạnh. Đồng Nai cũng là địa phương có rất nhiều thiết chế văn hóa khá khang trang, chỉ có điều hơi tiếc là ở đây chưa có một thiết chế văn hóa cộng đồng nào.

* Vậy nhạc sĩ có kỳ vọng gì để âm nhạc Đồng Nai tiếp tục được lan tỏa trong cộng đồng?

- Tôi ước mơ có một nhà hát, cụ thể là nhà hát dành cho cộng đồng chứ không phải nhà hát của riêng đơn vị nào. Ở đó, người nghệ sĩ có thể dễ dàng tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ cộng đồng. Tôi lấy ví dụ như ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh hay Hải Phòng… đều có nhà hát dành cho cộng đồng. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, có đông công nhân lao động sinh sống nhưng chưa có nhà hát này. Ước mơ có một nhà hát cộng đồng cũng là điều mong ước chung của giới văn nghệ sĩ, qua đó đưa các nhạc phẩm lan tỏa, quảng bá rộng rãi trong nhân dân.

 

Ly Na

Từ khóa:

nhạc sĩ

Trường Sa

Tin xem nhiều