Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng chất lượng trường nghề để phân luồng hiệu quả

Minh Ngọc
07:15, 13/07/2024

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (khóa XI) vừa qua, giáo dục là một trong những nội dung được bàn luận khá sôi nổi, nhất là câu chuyện đang “hot” hiện nay: trường lớp cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS).

Việc thiếu trường trung học phổ thông (THPT) công lập trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây đang khiến cho “cuộc đua” vào lớp 10 trở nên khá căng thẳng, áp lực. Như tại kỳ thi vào lớp 10 công lập vừa qua, trong số trên 33,6 ngàn thí sinh dự thi, chỉ có chưa đến 11 ngàn thí sinh trúng tuyển. Số học sinh còn lại vào học các trường THPT công lập không tổ chức thi tuyển, trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc hệ thống trường nghề.

Tuy nhiên, việc cho con học ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục  thường xuyên tham gia hoặc học nghề đến thời điểm này vẫn là lựa chọn “chẳng đặng đừng”. Bởi tâm lý của hầu hết phụ huynh vẫn luôn muốn con được học thẳng lên THPT để có tấm bằng tốt nghiệp THPT, sau đó mới tính tiếp đến chuyện học đại học hay học nghề. Trong khi đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con theo học ở trường THPT tư thục vì học phí cao.

Một thực tế khác cần phải được thẳng thắn nhìn nhận là chất lượng đào tạo của hệ thống trường nghề tại Đồng Nai chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Chỉ có số ít các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường nghề đảm bảo được về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, đồng thời có sự chủ động trong liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, tìm đầu ra cho học viên. Phần lớn còn khá thụ động, chưa có nhiều tìm tòi, cải tiến nhằm đào tạo những ngành nghề xã hội thực sự cần để người học sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay, tránh tình trạng đào tạo tràn lan, lãng phí.

Một trong những lý do khiến cho việc xây dựng thêm trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh gặp khó, đó chính là phải thực hiện nghiêm quy định về tinh giản biên chế, thu gọn các đơn vị đầu mối. Rào cản này cùng với việc thiếu quỹ đất dành riêng cho giáo dục khiến cho những năm qua, việc xây dựng mới các trường THPT công lập, nhất là ở những địa bàn “nóng” như thành phố Biên Hòa hầu như… đứng yên. Trong khi đó, với số lượng dân số tăng cơ học mỗi năm một lớn, kéo theo số lượng học sinh tốt nghiệp THCS không có cơ hội vào học trường THPT công lập ngày càng nhiều.

Hiện nay, Đồng Nai đã đạt tỷ lệ phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đạt 30%. Tỉnh đang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ này sẽ nâng lên khoảng 40% và có thể đạt cao hơn nữa.

Để phân luồng hiệu quả, đòi hỏi quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo ở những cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo, đáp ứng được đòi hỏi về cung - cầu lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ khi cơ hội việc làm cho học viên học nghề sau tốt nghiệp rộng mở, khi ấy áp lực thi cử vào lớp 10 THPT công lập mới thực sự giảm nhiệt, hiệu quả phân luồng THCS mới thấy rõ.

 

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều