Báo Đồng Nai điện tử
En

Khơi thông tiềm năng phát triển kinh tế sông

Phạm Tùng
07:30, 13/07/2024

Trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 3 dự án đầu tư chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch ven sông được Đồng Nai “mời gọi” các nhà đầu tư tham gia.

Tuyến đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) đang được đầu tư xây dựng để phục vụ phát triển kinh tế sông. Ảnh: P.TÙNG
Tuyến đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) đang được đầu tư xây dựng để phục vụ phát triển kinh tế sông. Ảnh: P.TÙNG

Đây là những dự án được kỳ vọng sẽ khơi thông tiềm năng phát triển kinh tế sông của tỉnh.

Mời gọi đầu tư chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch ven sông

Theo Đồ án Quy hoạch tỉnh, trong danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư, Đồng Nai sẽ kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư 3 dự án phát triển các chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch ven sông.

Dự án thứ nhất được tỉnh mời gọi đầu tư là Dự án Chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch ven sông (Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa) có diện tích sử dụng đất hơn 290 hécta tại cù lao Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa.

Trong danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư, Đồng Nai cũng giới thiệu đến các nhà đầu tư Dự án Chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch sinh thái ven hồ Trị An thuộc địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Định Quán.

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, mục tiêu của dự án là hình thành khu đô thị, khu phức hợp, dịch vụ, kết hợp các loại hình nhà ở, công trình thương mại dịch vụ, dịch vụ công cộng, cây xanh đô thị… tại trung tâm của thành phố Biên Hòa. Đồng thời, kết nối trung tâm thành phố Biên Hòa hiện hữu với khu vực phát triển mới phía Nam thành phố để hình thành không gian đô thị được đầu tư cao cấp, xứng tầm bậc nhất của thành phố.

Dự án tiếp theo được tỉnh kêu gọi đầu tư là Chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch ven sông Đồng Nai có diện tích hơn 2 ngàn hécta trên địa bàn huyện Long Thành (Dự án Khu phức hợp đô thị công nghiệp dịch vụ Long Thành). Dự án bao gồm các chức năng đô thị, giáo dục đào tạo, dịch vụ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái với hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ.

Theo đánh giá, dự án có vị trí thuận lợi tiếp giáp sông Đồng Nai và đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có các cầu kết nối qua sông Đồng Nai với thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án khai thác tiềm năng ven sông thứ ba được tỉnh mời gọi đầu tư là Dự án Chuỗi đô thị - dịch vụ du lịch ven sông (Khu đô thị tri thức, sinh thái phân khu 6.1 và 6.2 huyện Nhơn Trạch). Dự án có diện tích sử dụng đất gần 14 ngàn hécta nằm dọc sông Đồng Nai, có các cầu kết nối Đồng Nai với Thành phố Hồ Chí Minh như cầu Cát Lái, cầu Nhơn Trạch, cầu Phú Mỹ. Mục tiêu của dự án là phát triển cân bằng các khu đô thị theo các mô hình đô thị mới như đô thị sinh thái, đô thị bền vững, khai thác lợi thế về kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh qua sông Đồng Nai và duy trì các giá trị thiên nhiên, sinh thái đặc trưng.

Phát huy lợi thế sông nước

Trong định hướng phát triển kinh tế thời gian tới của tỉnh, việc phát triển kinh tế sông là một trong những định hướng phát triển mới của tỉnh. Trong đó, sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn tỉnh được xem là “hạt nhân” trong định hướng phát triển kinh tế sông. Theo quy hoạch tỉnh, hành lang dọc theo sông Đồng Nai là một trong 6 hành lang phát triển của tỉnh.

Sông Đồng Nai được xem là “hạt nhân” trong định hướng phát triển kinh tế sông của tỉnh.
Sông Đồng Nai được xem là “hạt nhân” trong định hướng phát triển kinh tế sông của tỉnh.

Vì thế, hành lang dọc theo sông Đồng Nai được xác định là trục vận tải hàng hải quốc gia, trục vận tải thủy nội địa, trục giao thông thủy đô thị - nông thôn, tuyến giao thông thủy du lịch, liên kết từ hồ Trị An đến ngã ba sông Soài Rạp - Lòng Tàu. Đồng thời, đây cũng là trục phát triển đô thị - nông thôn và các khu chức năng chất lượng cao, trục cảnh quan bộ mặt của Đồng Nai, trục cung cấp tài nguyên nước, đa dạng sinh học và điều hòa khí hậu cho các tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai.

Theo Quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Đồng Nai được định hướng phát triển trở thành hành lang xanh - sinh thái phục vụ kết nối không gian đô thị và phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch liên tỉnh gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá, hành lang phát triển dọc sông Đồng Nai đã khẳng định hướng đi bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị của sông Đồng Nai. Quy hoạch sẽ đưa sông Đồng Nai trở thành một dòng sông có giá trị khu vực. “Chúng ta theo đổi mục tiêu net zero, phát triển xanh thì việc quy hoạch sông Đồng Nai trở thành hành lang xanh - sinh thái sẽ đem lại một giá trị lớn và Đồng Nai phải nâng cao giá trị này lên trong thời gian tới, đưa hành lang này trở thành một hành lang xanh - sinh thái quan trọng của Đồng Nai”- Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ.

Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, trong danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của tỉnh, bên cạnh các dự án thuộc các lĩnh vực quen thuộc như phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông, Đồng Nai sẽ mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào các dự án trên các lĩnh vực mới như: các dự án chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch ven sông, chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch ven sông Đồng Nai hay các dự án trên lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

 

Phạm Tùng

Tin xem nhiều