Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Xuân Lộc phát triển 3 loại hình du lịch

Ngọc Liên
09:32, 27/07/2024

Huyện Xuân Lộc nổi tiếng cả nước với những thành tích nổi bật trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao. Để nâng cao giá trị từ những thành quả xây dựng NTM, huyện Xuân Lộc đang tập trung xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu theo hướng đáp ứng các tiêu chí của sản phẩm du lịch OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm).

Khách du lịch trải nghiệm vườn trái cây xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc. Ảnh: N.Liên
Khách du lịch trải nghiệm vườn trái cây xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc. Ảnh: N.Liên

Với chiến lược phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM, cùng lợi thế cửa ngõ của miền Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Nam, đồng thời là trung tâm kết nối Nam Bắc với hàng chục km quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam đi qua… là những cơ hội cho du lịch Xuân Lộc bứt phá.

Định hướng không gian phát triển du lịch

Theo quy hoạch phát triển du lịch của huyện giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 và các nghị quyết, kế hoạch của Huyện ủy, UBND huyện về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2022-2030, Xuân Lộc đang dần hình thành những vùng không gian du lịch riêng.

Cụ thể như, khai thác những lợi thế, không gian du lịch tại khu vực di tích, danh lam thắng cảnh quốc gia núi Chứa Chan với Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Kết hợp khai thác giá trị từ các mô hình sản xuất nông nghiệp, nông thôn, các vườn cây ăn trái thành các điểm du lịch sinh thái vườn như: xây dựng mô hình Làng du lịch cộng đồng xã Xuân Bắc; vườn ca cao Suối Cát; vườn dừa, vườn dâu, vườn hoa, ao cá… của các hộ dân ở các xã. Đặc biệt, có những điểm vườn đã linh động, kết nối với doanh nghiệp lữ hành xây dựng nông trại, khai thác các sản phẩm du lịch trải nghiệm cho học sinh, sinh viên…

Xuân Lộc là một trong 4 huyện của cả nước được chọn là huyện điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn huyện hiện có trên 100 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.

Chị Hoàng Thị Thu Vân, khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết chị từng tham gia tour du lịch tàu lửa từ Thành phố Hồ Chí Minh về Long Khánh, Xuân Lộc. Tour du lịch này đã để lại ấn tượng mạnh đối với chị Vân và bạn bè, người thân đi cùng. Chị Vân chia sẻ: “Ngoài được ngồi tàu ngắm cảnh vật 2 bên đường, chúng tôi còn tham quan các vườn cây trái trĩu quả, trải nghiệm thu hoạch trái cây tại vườn. Ấn tượng nhất là khi đến Vườn Hoa Bốn Mùa xã Xuân Bắc. Tuy vẫn là những vườn cây sản xuất nông nghiệp nhưng chủ vườn đã bày trí thêm tiểu cảnh để có nhiều khung hình đẹp khiến chúng tôi rất ấn tượng. Tôi hy vọng khi quay trở lại, chúng tôi sẽ tiếp tục được khám phá các vườn mới khác”.

Nhiều năm nay, vườn ca cao của ông Trương Văn Mỹ, tại xã Suối Cát cũng đã trở thành điểm đến của các đoàn tham quan, khảo sát về du lịch. Theo ông Trương Văn Mỹ, vườn ca cao của ông được canh tác theo hướng hữu cơ, kết hợp với du lịch trải nghiệm. Hiện tại, vườn ca cao này là điểm đến lý tưởng cho các đoàn học sinh, sinh viên và khách du lịch có những trải nghiệm thú vị với quy trình sản xuất và canh tác ca cao hữu cơ để bảo vệ người sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường.

Chuyên nghiệp hóa các sản phẩm du lịch vườn

Hàng năm, huyện Xuân Lộc đều tổ chức các chuyến tham quan, khảo sát, tọa đàm để lấy ý kiến đóng góp cho các sản phẩm du lịch địa phương. Nhiều đại biểu là các doanh nghiệp du lịch lữ hành đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… đã có những đóng góp khách quan, thẳng thắn, giúp các điểm đến khắc phục những hạn chế để hoàn thiện hơn.

Theo các chuyên gia du lịch, sau khi trải nghiệm famtrip, các doanh nghiệp, chuyên gia và du khách vẫn chưa nhận ra sự đặc sắc về du lịch huyện Xuân Lộc. Do đó, huyện Xuân Lộc cần đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh du lịch; tăng cường sự kết nối giữa chủ vườn và các doanh nghiệp lữ hành; xây dựng các bài thuyết minh điểm đến, đồng thời đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có nghiệp vụ du lịch để quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương.

Ông Lưu Hữu Tài, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Thiên Ân (thành phố Biên Hòa), cho rằng huyện Xuân Lộc đang kêu gọi đầu tư để phát triển các dự án du lịch lớn. Để thu hút được sự đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, huyện Xuân Lộc cần quan tâm hơn nữa đến khâu quảng bá hình ảnh địa phương. Hiện tại, vấn đề này huyện Xuân Lộc chưa khai thác được thế mạnh, làm nổi bật được du lịch địa phương. Ông Tài chia sẻ: “Huyện Xuân Lộc cần tạo bản sắc, điểm nhấn để thu hút nhà đầu tư và khách du lịch. Xuân Lộc có nhiều lợi thế về khí hậu, không gian văn hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp cũng như những thành quả nổi bật trong xây dựng NTM. Đây là những tiềm năng, lợi thế mà Xuân Lộc nên khai thác sâu hơn”.

Về cơ sở hạ tầng kết nối du lịch, một số doanh nghiệp du lịch lữ hành cho rằng, đây là mấu chốt quan trọng để địa phương khai thác tiềm năng cũng như thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch. Theo các doanh nghiệp, địa phương cần quan tâm, hỗ trợ người dân đáp ứng các điều kiện trong hoạt động du lịch như: hệ thống nước, nhà vệ sinh tại các điểm vườn. Các quy tắc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… đồng thời trang bị kiến thức cho nhân viên phục vụ du lịch tại các điểm vườn, từng bước nâng cấp đồng bộ.

Trên địa bàn huyện Xuân Lộc hiện có 5 dự án du lịch đang mời gọi đầu tư gồm: Chuỗi dự án Đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ vui chơi giải trí, thể dục thể thao khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le; dự án Khu du lịch Thác Trời; dự án khu vực hồ Gia Ui; hồ Gia Măng và Khu du lịch sinh thái nông nghiệp. Tổng diện tích cho các dự án du lịch gần 900 hécta.

Ngoài ra, khi đến với các nhà vườn, du khách ấn tượng với những cây trái sai trĩu quả, diện tích các vườn lớn. Tuy nhiên, nhiều du khách vẫn có những thắc mắc, thông tin về điểm đến nhưng không được giải thích từ chủ vườn. Vì vậy, cần kết nối giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch với chủ vườn để đáp ứng nhu cầu thông tin của du khách về khu vườn, đặc điểm thổ nhưỡng, văn hóa của vùng.

Ông Phạm Ngọc Hiếu, giảng viên Trường đại học Lạc Hồng (thành phố Biên Hòa), chia sẻ ông từng tham quan nhiều điểm đến của huyện Xuân Lộc. Qua sự giới thiệu về tiềm năng du lịch của huyện cho thấy, Xuân Lộc có nhiều tài nguyên phát triển du lịch. Thế nhưng, việc kết nối hạ tầng để tiếp cận điểm đến còn nhiều hạn chế, xe lớn không thể vào những vườn cây ăn trái. Du khách đến các vườn vẫn còn thiếu không gian chiêm ngưỡng, cảm nhận vườn trái cây và nghỉ ngơi bởi một số vườn chưa được chăm chút đúng chuẩn để níu chân du khách. Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng, nhân sự phục vụ dịch vụ du lịch của huyện Xuân Lộc còn thiếu và và yếu, cần có sự đầu tư bài bản, tạo môi trường chuyên nghiệp cho hoạt động du lịch.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Huỳnh Thị Lành, huyện đang hướng đến phát triển du lịch với 3 loại hình sản phẩm chính gồm: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch nông nghiệp nông thôn và các sản phẩm phụ trợ. Trên cơ sở xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch nông nghiệp, huyện từng bước xây dựng sản phẩm du lịch OCOP. Nhằm nâng cao kỹ năng làm du lịch cho người dân địa phương, thời gian tới, bên cạnh việc vận động bà con nông dân nâng cao ý thức trong phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, trường đào tạo về du lịch mời giảng viên, chuyên gia tập huấn, hướng dẫn người dân những kỹ năng, kiến thức trong phục vụ du lịch, vận hành điểm đến.

 

Ngọc Liên

Tin xem nhiều