Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung sống với bệnh tiểu đường

Hạnh Dung
10:09, 06/07/2024

Bệnh tiểu đường đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới và trở thành mối lo ngại của không ít người. Tình trạng ít vận động, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, thừa cân, béo phì, stress… là những lý do khiến bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa.


Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai tổ chức test đường huyết miễn phí cho người dân. Ảnh: N.Minh
Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai tổ chức test đường huyết miễn phí cho người dân. Ảnh: N.Minh

Để kiểm soát bệnh tiểu đường và không mắc phải các biến chứng nguy hiểm, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên thực hiện chế độ kiêng khem nghiêm ngặt và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không sử dụng các loại thuốc được rao bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc dẫn đến tiền mất, tật mang.

Những ai dễ mắc bệnh tiểu đường?

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 gồm: người cao tuổi, người thừa cân, béo phì, ít vận động, người bị bệnh tăng huyết áp, lipid trong máu cao, người mà trong gia đình có người mắc bệnh tiểu đường, phụ nữ có tiền căn bị bệnh buồng trứng đa nang, phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ, sinh con trên 4kg, người được chẩn đoán bị tiền đái tháo đường.

Người bị tiểu đường nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời cũng như không tuân thủ điều trị của bác sĩ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: biến chứng mạch máu lớn, mạch máu nhỏ, biến chứng thận, mắt, thần kinh.

Trong đó, biến chứng thường gặp nhất là nhiễm trùng bàn chân. Người bị tiểu đường có thể bị mất cảm giác khi đi, dễ bị chấn thương chân và nếu không biết chăm sóc vết thương kỹ sẽ dẫn đến nhiễm trùng, nhiều trường hợp phải cắt cụt chi.

Ngoài ra, bệnh tiểu đường còn có thể dẫn đến các biến chứng khác về bệnh tim mạch. Khi huyết áp cao, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề khác tăng lên. Biến chứng thận dẫn đến bệnh thận mạn, phải chạy thận, điều trị thay thế thận; biến chứng mắt (mắt nhìn mờ, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp)…

Bệnh nhân tiểu đường còn có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ. Hầu hết các cơn đột quỵ xảy ra do cục máu đông chặn một mạch máu trong não hoặc cổ. Người bị rối loạn tiểu đường có khả năng bị đột quỵ cao gấp 1,5 lần so với những người không mắc bệnh tiểu đường…

Chung sống an toàn với bệnh tiểu đường

Bác sĩ Thúy Hằng khuyến cáo, những người có yếu tố nguy cơ kể trên cần xét nghiệm máu khoảng 6 tháng đến 1 năm/lần để tầm soát bệnh tiểu đường.

Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân cần đặc biệt tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, từ việc dùng thuốc (phải dùng thuốc suốt đời theo đơn của bác sĩ), chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động đến thời gian tái khám…

Bệnh nhân cần thường xuyên kiểm tra đường huyết tại nhà hoặc các cơ sở y tế để biết được tình trạng đường huyết của mình. Giữ đường huyết ổn định giúp giảm nguy cơ bị các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát huyết áp, giảm cholesterol để giảm các biến chứng về tim mạch. Huyết áp ổn định là dưới 130/80 mmHg.

Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu của bệnh suy thận mạn. Kiểm soát lượng đường trong máu có thể ngăn sự phát triển và tiến triển của bệnh thận. Bệnh thận thường không có triệu chứng nào trong giai đoạn đầu. Do đó, người bệnh cần xét nghiệm máu định kỳ để theo dõi chức năng thận.

Bệnh về mắt do tiểu đường có thể dẫn đến các vấn đề thị lực và mù lòa. Đường huyết cao gây mờ mắt, theo thời gian, tình trạng này có thể gây ra bệnh võng mạc, sưng mắt, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp... Người bệnh tiểu đường cần kiểm tra mắt thường xuyên hoặc ít nhất mỗi năm một lần.

Tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh nướu, sâu răng và nhiễm trùng do lượng đường dư thừa trong nước bọt, gây khô miệng và vết thương lâu lành. Để giữ cho răng miệng khỏe mạnh, người tiểu đường nên thường xuyên kiểm tra và chăm sóc răng, đánh răng mỗi ngày hai lần.

Bệnh nhân tiểu đường cần duy trì sức khỏe bàn chân bằng cách mang tất và giày vừa vặn, thoải mái, không cọ xát hoặc gây phồng rộp; cắt móng chân và kiểm tra bàn chân thường xuyên để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng, da bị hỏng hoặc thương tích.

Người bệnh cũng cần quan sát kỹ các dấu hiệu để nhận biết bàn chân tổn thương do tiểu đường hay không. Các dấu hiệu thường là: da đổi màu, nứt nẻ, rộp, đỏ và sưng quanh móng chân, tiết dịch lỏng hoặc mủ... Khi có các dấu hiệu này, người bệnh nên đi khám và điều trị kịp thời.

Về chế độ ăn uống, người bệnh cần cắt giảm lượng tinh bột và đường trong ăn uống hàng ngày. Tránh dùng các thực phẩm nhiều đường như bánh ngọt, kẹo, nước ngọt, bánh mì trắng, mì ống, gạo trắng, khoai tây chiên, thanh ngũ cốc... Người bệnh nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất xơ như: ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch, các loại rau ít tinh bột và rau lá xanh, các loại đậu...

Nên đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày như: đi bộ, nhảy, chơi quần vợt, đi xe đạp, bơi lội...  Thay đổi chế độ ăn uống cùng với tập thể dục và giảm cân giúp giảm lượng đường trong máu.

Bệnh nhân tiểu đường cần bỏ thuốc lá ngay vì hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư. Người bệnh tiểu đường vốn dĩ đã có nguy cơ cao mắc bệnh tim và đột quỵ. Do đó, bỏ thuốc lá giúp giảm phát triển hai biến chứng này cũng như bệnh khác. Ngoài ra, nicotine trong thuốc lá còn làm tăng đường huyết, dẫn đến phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2.

Người bệnh tiểu đường cần giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh stress để có thể sống chung với bệnh tiểu đường.

 Hạnh Dung (ghi)

 

Tin xem nhiều