Không chỉ là nhạc sĩ giỏi chuyên môn, có uy tín trong hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Huỳnh Khải - nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh còn là người rất tâm huyết gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của vùng đất Nam Bộ.
Nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải trao giấy chứng nhận hoàn thành lớp học đờn ca tài tử cho nghệ nhân, tài tử tại thành phố Biên Hòa năm 2024. Ảnh: L.Na |
Đặc biệt, suốt hơn 10 năm qua, NSƯT Huỳnh Khải đã đồng hành cùng với phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) của Đồng Nai. Ông thường xuyên tham gia chấm giải các hội thi, dạy đờn, dạy ca… để truyền nghề cho những tài tử, nghệ nhân trên địa bàn tỉnh. Báo Đồng Nai cuối tuần có cuộc trò chuyện với người nghệ sĩ đầy tâm huyết này.
Hơn 10 năm gắn bó với ĐCTT Đồng Nai
* Nhạc sĩ có thể nhận xét về phong trào ĐCTT ở một số tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt ở Đồng Nai thời gian qua?
- Tôi may mắn được đến với nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam, nhất là các tỉnh miền Đông Nam Bộ để tham gia phong trào ĐCTT, từ các lớp dạy đờn, dạy ca đến những cuộc liên quan, hội diễn. Phong trào ĐCTT tại nhiều tỉnh, thành về cơ bản hoạt động tương đối giống nhau, trong đó mô hình đội, nhóm, câu lạc bộ ĐCTT nở rộ, phát triển trong cộng đồng.
Riêng ở Đồng Nai, từ những năm 90 của thế kỷ trước cho đến nay, phong trào này vẫn luôn giữ lửa và hoạt động sôi động. Lãnh đạo tỉnh, ngành văn hóa, các đơn vị, địa phương rất quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT.
* Là người đồng hành với phong trào ĐCTT của Đồng Nai suốt hơn 10 năm qua, cảm xúc của ông như thế nào?
- Nhiều năm qua, tôi tham gia vào phong trào ĐCTT ở Đồng Nai với vai trò là giám khảo hoặc là thầy dạy đờn, dạy ca. Tôi nhìn thấy nhiều liên hoan ĐCTT được tổ chức ở các địa phương như: Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Long Thành… thu hút khá đông người dân tham gia. Trong những lần liên hoan, các huyện, thành phố về tham gia rất nghiêm túc, chỉn chu, điều này thể hiện qua bảng thành tích mà các đơn vị đoạt được.
Đặc biệt, Đồng Nai đã tích cực tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới cho ĐCTT, cải lương. Đã có nhiều tác phẩm mới ra đời, gắn liền với hơi thở, sức sống của cộng đồng tại từng địa phương. Những tác phẩm này được lựa chọn tham gia các liên hoan ĐCTT của khu vực và toàn quốc, mang về cho Đồng Nai nhiều huy chương vàng, huy chương bạc. Đó là điều mà tôi cảm rất vui và hạnh phúc.
* Mặc dù ĐCTT đang có vị trí nhất định trong nghệ thuật truyền thống của dân tộc nhưng ở các câu lạc bộ, đội, nhóm những người tham gia chủ yếu đều trên 30-40 tuổi. Cần làm gì để thu hút người trẻ đến với ĐCTT Nam Bộ, thưa ông?
- Hiện nay, người trẻ ít tham gia phong trào ĐCTT, bởi họ thích âm nhạc hiện đại hơn. Do vậy, muốn thu hút người trẻ đến với ĐCTT thì ngành văn hóa cần phải có sự phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, liên kết với Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật của địa phương để mở các lớp đào tạo ĐCTT. Ngoài việc định hướng nghề nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên có năng khiếu tham gia vào phong trào ĐCTT, rất cần có sự động viên, vinh danh nhằm tạo động lực để người trẻ theo đuổi nghệ thuật truyền thống.
Nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú HUỲNH KHẢI chia sẻ: “Đồng Nai là một trong những địa phương làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử. Thông qua biểu diễn các bài bản tài tử, nhiều nghệ nhân, tài tử đã và đang giới thiệu, lan tỏa giá trị văn hóa, nét đẹp của vùng đất, con người Biên Hòa - Đồng Nai hơn 325 năm hình thành và phát triển”.
Cộng đồng tham gia bảo tồn, phát huy ĐCTT
* Theo ông, một người có thể học hết các bài bản tài tử hay không?
- ĐCTT Nam Bộ khởi thủy được đàn và hát dựa trên 20 bài bản cơ bản gọi là 20 bài bản tổ. Bài bản tài tử rất nhiều và rất phức tạp. Do đó, người học ĐCTT không bắt buộc phải học hết tất cả. Với người ca, chỉ cần nắm vững một số bài bản, cố gắng tìm tòi, học hỏi thêm để biểu diễn thuần thục. Những bài bản còn lại chia đều cho nhiều người học để tạo thành một nhóm, mỗi người một phần việc, cứ thế truyền dạy cho nhau.
Theo nhạc sĩ, sự phát triển của công nghệ số hiện nay liệu có tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân, tài tử truyền nghề?
- Để truyền nghề, các nghệ nhân, tài tử trước hết phải tự làm mới mình, sáng tạo ở cả ca từ lẫn cách truyền dạy và cách ứng dụng các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ và cộng đồng yêu thích. Bản thân tôi có kênh Facebook, YouTube mang tên Huỳnh Khải, thường xuyên chia sẻ những bài bản mới, cách đờn, cách ca… để bạn bè, những ai yêu thích ĐCTT tìm hiểu và theo học trực tuyến miễn phí.
* Để duy trì phong trào và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT, trong thời gian tới Đồng Nai cần phải làm gì, thưa ông?
- ĐCTT không phải là tài sản, di sản riêng của một cá nhân, đơn vị, địa phương nào mà nó là tài sản chung của dân tộc. Đây là loại hình nghệ thuật của đàn và ca, xuất phát từ những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động. Bởi vậy, ĐCTT chỉ được bảo tồn khi nó tồn tại trong các hoạt động cộng đồng.
Bên cạnh tổ chức các sân chơi để người yêu ĐCTT của Đồng Nai và các tỉnh thành lân cận biểu diễn, giao lưu thì việc sáng tạo ra những bài bản mới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương là cần thiết. Song song với đó là đẩy mạnh quảng bá, sao cho ĐCTT có sức lan tỏa, trở nên gần gũi hơn với cộng đồng.
* Xin cảm ơn ông!
Ly Na (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin