Báo Đồng Nai điện tử
En

Câu chuyện 'lúa sạch' ở Sông Ray

Mai Sơn
19:01, 07/06/2024

Những khu rừng cao su chuyển màu lá đỏ và cánh đồng lúa chín bừng dậy mùi hương mật vào dịp cuối năm thường để lại ấn tượng cho những ai đã từng đến vùng đất này.

Thu hoạch lúa tại cánh đồng Nông trường 4, xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: Minh Thành
Thu hoạch lúa tại cánh đồng Nông trường 4, xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: Minh Thành

Cẩm Mỹ ngày nay mang một sức sống và vẻ đẹp mới, nhờ những năm tháng chịu thương, chịu khó, không ngừng nghỉ với tình yêu của con người dành cho cây lúa, ruộng vườn…

Dấu tích xưa

Quả thực như vậy. Ngày đầu về Cẩm Mỹ, tôi biết đến các xã: Lâm San, Sông Ray nhờ vào những người nông dân kinh tế mới đã đến nơi đây “bén rễ, xanh cây” hơn 40 năm trước. Họ là những người nông dân từ miền Bắc, theo tiếng gọi của cây lúa nước, của ruộng vườn, đã tìm kiếm nhiều nơi trước khi chọn Cẩm Mỹ làm quê hương thứ hai của mình.

Họ tìm thấy ở đây nhiều sự tương đồng, phù hợp về thổ nhưỡng, khí hậu, về tập quán, về đời sống và văn hóa… sau nhiều năm bôn ba hết Tây Nam Bộ rồi Đông Nam Bộ. Những ngày đầu vô vàn khó khăn của các hộ dân từ phương xa tìm đến cũng qua đi, nhờ từng ống bơ gạo của bộ đội tiếp tế, nhờ những mái nhà che tạm giúp nhau, nhờ những ngày đổi công cày cuốc, trồng tỉa…

Cẩm Mỹ còn là vùng đất mang nặng dấu tích chiến trường xưa. Bao năm qua, người nông dân phải vừa canh tác vừa gỡ bom, mìn còn vương lại; không ít người đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ và phải ra đi khi chưa kịp nhìn thấy cây lúa trổ bông… Những người nông dân thật thà, chân chất, khi đã chọn, đã yêu thì thủy chung, tận tụy. Họ không nề hà trước bất kỳ khó khăn nào; chia nhau từng nắm hạt giống, từng củ khoai, từng bát nước chè xanh… cho đến ngày gặt hái được những thành quả đầu tiên…

Hơn 4 thập kỷ trôi qua, người nông dân của Lâm San, Sông Ray nay đã bước sang thế hệ thứ ba với nhiều đổi mới rất ngoạn mục và ấn tượng, đặc biệt nhờ vào Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu… Các tên gọi phân biệt các thành tựu của Chương trình Nông thôn mới thực ra chỉ là một, đó là những bước thành công của người nông dân - chủ thể của đời sống nông nghiệp thuần Việt từ bao đời nay. Không những thành công, mà họ đã tạo ra được nguồn vui, nguồn hạnh phúc cho chính mình và hướng đi vững chắc cho tương lai.

Vẻ đẹp nay

Đến với Sông Ray gần như là đi xuyên qua những cánh rừng cao su tít tắp và chiêm ngưỡng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang kiến tạo những đường nét thoáng rộng, hiện đại giữa một không gian ngút ngàn xanh. Nhưng vẫn còn đó nét dân quê chân chất của con đường đất đỏ và những vườn cây trái tươi xanh.

Khu dân cư tổ 7 và 8, ấp 9, xã Sông Ray đón bước chân chúng tôi bằng một con đường thẳng qua cánh đồng lúa xanh ngút tầm mắt và hàng cau duyên dáng nghiêng nghiêng. Người khách có thể quên bản thân mình từ nơi xa đến, vì được thả hồn vào nhịp xoay vui tươi của những dây chong chóng đủ màu sắc, được chiêm ngưỡng những vạt hoa tươi thắm, hít thở mùi hương lúa thơm nồng và ngắm nhìn dãy núi Mây Tàu như nét vẽ thủy mặc xa xa… Một bối cảnh quê nhà thân thương, bình dị khiến bất cứ ai cũng cảm thấy mình dễ dàng gắn bó với nơi này.

 Quán cà phê đầu ngõ xinh xắn, gần gũi đến không ngờ, với những chiếc lốp xe tải cũ được tái sử dụng thành bàn ghế, đặt trên lớp đá sỏi trắng sạch. Khu dân cư tổ 7 và 8, xã Sông Ray là vậy, hầu như không có những thứ hào nhoáng, xa hoa, tất cả đều nhỏ xinh, vừa vặn và thật tiện lợi.

Chương trình Ngôi nhà xanh được thực hiện 5 năm qua giúp cảnh quan của khu dân cư luôn sáng - xanh - sạch - đẹp, nhờ người dân có ý thức tự phân loại rác tại nguồn, tập kết đúng nơi quy định. Những vật phẩm có thể tái chế được tập trung vào ngôi nhà ấy, tạo nên một nguồn quỹ nho nhỏ để phục vụ cộng đồng. Con đường đi qua 26 hộ dân lúc nào cũng sạch, những ngày cuối vụ được bà con mang lúa ra phơi, bận rộn, cần mẫn suốt từ sáng đến tối… Hàng rào ngôi nhà nào cũng có hoa, cánh cổng nào cũng hướng ra đồng xanh và những ao sen nho nhỏ.

Bên cạnh cánh đồng lúa đẹp như cổ tích, tạo nên “thương hiệu” của Sông Ray là những vườn dừa, đu đủ, hoa sâm đất và đặc biệt là những vườn trồng cây bông gòn xanh mướt, loài cây gắn liền với nghề trồng cây tiêu ở đây. Không thể nào quên nụ cười tươi vui, thân thiện của người dân trong lúc trồng rau, phơi lúa... Họ cứ làm việc thoăn thoắt, không ngơi tay và cười vui làm người phương xa lưu luyến mãi...

Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tự hào nói về khu dân cư tổ 7 và 8, xã Sông Ray là Khu dân cư kiểu mẫu “sạch và đẹp vào loại nhất của tỉnh Đồng Nai”.

Bí quyết để đạt được thứ hạng ấy trong số 34 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Đồng Nai không phải là nhờ vào sự đầu tư “khủng” về tiền bạc hay công nghệ, mà ở chỗ tự làm, tự quản của người dân. Ý thức trách nhiệm cùng với sự chịu thương chịu khó của các thế hệ nông dân đã tạo được một “chuỗi giá trị” nông nghiệp đặc sắc. Người dân tự chế ra máy để nghiền nhỏ bèo tây, các loại cây quả và dùng men vi sinh ủ phân xanh để bón cho lúa và cây xanh. Mô hình rau sạch, trái cây sạch được thực hiện rất kỹ càng, quy củ, với tổ hợp tác có 29 thành viên, xây dựng các sản phẩm địa phương đảm bảo an toàn. Riêng cây lúa đã tạo ra một số sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đặc biệt của Sông Ray, với thương hiệu “lúa sạch” đạt tiêu chuẩn 3 sao và hàng loạt sản phẩm mới lạ, hấp dẫn như: gạo lứt, thanh gạo lứt, bột làm đẹp da…

Nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu của Đồng Nai không chỉ đáp ứng các tiêu chí chung, mà còn làm nên một diện mạo mới của Đồng Nai, góp phần nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch.

Triết lý mới cho cây lúa

Sông Ray, Cẩm Mỹ vì thế đã mang đến triết lý mới cho cây lúa. Lúa đang cùng người nông dân vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ công cuộc nông thôn mới nhằm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nhưng vẫn luôn giữ được bản sắc, tinh thần người nông dân Việt Nam. Cây lúa còn gắn liền với sự tái tạo. Lúa cũng như người nông dân, không bao giờ để cho đất bạc màu, không bao giờ để cho môi trường bị hủy hoại, bạc màu. Sự khai thác và tái tạo còn nhằm tạo ra những giá trị lớn hơn, ý nghĩa hơn, kết nối con người và xã hội trong thời kỳ đất nước phát triển và hội nhập.

Với sản lượng lúa sạch khoảng 8,3-9 tấn/hécta (so với sản lượng lúa thông thường là 9 tấn/hécta), cây lúa cho chất lượng cao, nhưng đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn, không sử dụng các loại phân, thuốc hóa học… nên giá thành cũng cao hơn.

Ông Lê Văn Gọi chia sẻ mối ưu tư của người dân nơi đây: “Ruộng lúa của Sông Ray có nhiều thuận lợi tự thân, được quyết định bằng tấm lòng, bàn tay và khối óc của con người. Đến nay đã có sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhưng người tiêu dùng chưa biết tìm gạo sạch, rau sạch ở đâu…”. Vì thế, cần có sự đột phá trong khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm lúa sạch của Sông Ray.

Từ vẻ đẹp mới của Cẩm Mỹ và triết lý mới dành cho cây lúa hôm nay, chúng ta có thể nhìn thấy rộng hơn, khái quát hơn về nông thôn mới Đồng Nai. Tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả mô hình phân loại rác tại nguồn và sử dụng chế phẩm sinh học sử dụng rác hữu cơ trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, người dân của khu dân cư tổ 8 và 9, xã Sông Ray cho thấy, họ có thể hoàn toàn làm chủ quy trình tạo ra lúa sạch và các sản phẩm mới, hữu ích từ cây lúa. Chương trình Nông thôn mới nâng cao của Đồng Nai cũng hoàn toàn dựa vào người nông dân, với sự tiến bộ vượt bậc trong nhận thức, trong phương pháp. Dù họ có đi đến đâu cũng mang tất cả tâm huyết, tình yêu quê hương và cây lúa để trở về xây dựng cuộc sống cộng đồng. Họ đang tự tạo thành một đội ngũ sản xuất có tính kế thừa và phát triển cao, với phương châm tự lập, tự cường, “khắc đi khắc đến”.

Người dân Sông Ray đang chủ động chuẩn bị cho hành trình mới, trong đó có việc thành lập hợp tác xã nhằm phát triển chuỗi nông sản sạch của Sông Ray. Người nông dân có cách liên kết để khai thác hết các nguồn lực của ruộng đồng, phát huy năng lực của chính mình. Bằng sự mộc mạc, chân thành, người nông dân Cẩm Mỹ đang tự nâng tầm mình lên và nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm từ bàn tay, khối óc của mình tạo ra.

Mai Sơn

Tin xem nhiều