Báo Đồng Nai điện tử
En

Gìn giữ nét đẹp truyền thống qua đôi guốc mộc

Ly Na
18:13, 03/05/2024

Thời gian trôi đi, cùng với sự phát triển của xã hội, hình ảnh những đôi guốc gỗ cùng với âm thanh “lộc cộc” không còn nhiều như trước. Nghề đóng guốc mộc vì thế cũng đang mai một dần.

Bà Đặng Thị Nga có hơn 50 năm giữ nghề đóng guốc mộc truyền thống tại phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa. Ảnh: L.Na

Trong số những người thợ đang ngày ngày gìn giữ cho đôi guốc mộc truyền thống tiếp tục “được sống” ở Biên Hòa có bà Đặng Thị Nga, ngụ phường Thanh Bình.

Hơn 50 năm giữ nghề guốc mộc

Chúng tôi gặp bà Đặng Thị Nga vào một buổi sáng sớm trong khuôn viên tầng 2 chợ Biên Hòa, đúng lúc bà đang ngồi cặm cụi đóng những đôi guốc cho khách. Vừa đóng guốc, bà Nga vừa kể, bà kế nghiệp từ mẹ và bà ngoại, đến nay đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề đóng guốc, bán guốc cho khách. Hồi chưa mở gian hàng này, bà hay ra chợ phụ mẹ, phụ ngoại. Cũng trầy trật lắm mới học thuần thục được nghề này.

“Để đóng được đôi guốc đẹp, phải cho khách ướm thử, chọn quai. Khi đóng phải chuẩn xác bởi chỉ cần nhích lên hoặc hạ xuống một chút là phải tháo ra, đóng lại. Thời gian đầu, tôi thường bị búa đập vào tay, đau lắm. Thế rồi làm nhiều thành quen. Hồi mới theo nghề, có thời điểm mỗi ngày tôi đóng hơn 100 đôi guốc” - bà Nga cho hay.

Bà VƯƠNG NGỌC ANH (74 tuổi, sống tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa), một trong những vị “khách ruột” của bà Nga, chia sẻ: “Hồi xưa, đi học, đi làm, tôi toàn đi guốc. Mặc áo bà ba, áo dài phải diện cùng guốc mộc. Đi nhiều thành quen, đến giờ tôi vẫn giữ thói quen mua guốc”.

Dù lớn tuổi nhưng bà Nga vẫn nhanh nhẹn, tay cầm búa một cách nhẹ nhàng, đóng đinh chuẩn xác, kiên nhẫn giới thiệu các mẫu guốc, chiều lòng khách. Bà xởi lởi, vui vẻ nói về nghề, chỉ cho chúng tôi cách thức đóng quai, hoàn thiện một đôi guốc. Ngoài làm guốc mới, bà Nga còn nhận sửa, đóng đế, đóng quai các loại guốc đã qua sử dụng. Sau nhiều công đoạn tỉ mỉ, đôi guốc cũ lại trở nên mới tinh.

Tại quầy guốc mộc của bà Nga, hàng trăm đôi guốc mới được treo ngay ngắn, thẳng hàng. Có guốc cho người lớn, guốc cho trẻ em với đầy đủ màu sắc. Từ các mẫu guốc đế bằng, các mẫu đế cao vài phân đến chục phân, được chạm khắc rất công phu. Quai guốc cũng có nhiều mẫu cho khách hàng lựa chọn. Có loại quai nhựa trong, quai đính nơ, đính đá lấp lánh, có quai bằng vải nhung, vải dù chống thấm nước...

“Hiện nay, guốc đa dạng về mẫu mã. Guốc mộc để lâu ngày không sử dụng chỉ xuống màu chứ không bị “hư hao” như giày dép thông thường. Người đi guốc rất ít khi nghe tiếng kêu “lộc cộc”, bởi guốc đã được lót đế bằng cao su cho êm, chống trượt và lâu mòn” - bà Nga chia sẻ.

Theo bà Nga, ngày nay, các mẫu mã giày dép phong phú hơn nên guốc mộc ít được ưa chuộng. Nhiều người theo nghề làm guốc mộc cũng do đó mà phải chuyển sang nghề khác. Từ hơn 10 gian hàng bán guốc, đến nay ở chợ Biên Hòa chỉ còn một mình bà vẫn giữ nghề.

Guốc mộc vẫn thu hút người mua

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, trong khi nhiều mặt hàng ở các chợ truyền thống vắng khách, ế ẩm thì quầy guốc mộc của bà Đặng Thị Nga vẫn thu hút khá đông người dân đến xem và mua guốc. Mỗi ngày, trung bình bà Nga đóng từ 20-30 đôi guốc cho khách với giá thành từ 80-150 ngàn đồng/đôi.

Bà Nga cho biết, hàng guốc mộc đã qua thời khó khăn, hiện nay khách hàng đang bắt đầu nhen nhóm sử dụng lại món hàng này. Đặc biệt, vào các dịp lễ, Tết, số lượng khách đến mua guốc tăng cao. Chỉ tính riêng trong 20 ngày cuối năm 2023, bà đã bán được hơn 2 ngàn đôi guốc. Đây là thời điểm nhiều gia đình, nhất là những người trẻ chuẩn bị trang phục, giày dép để đi du lịch, tổ chức các buổi chụp hình không khí xuân cùng với áo dài, áo bà ba truyền thống.

Bà Đặng Thị Nga (bìa phải) phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa giới thiệucho khách các mẫu guốc mộc truyền thống.

“Người dân vẫn còn rất yêu thích guốc mộc, họ lựa chọn guốc mộc để phối cùng với các trang phục như áo dài, áo bà ba… Nhiều người cho rằng, đeo guốc mộc là cách nhắc nhớ về nét đẹp truyền thống đã theo chân người Việt nói chung, người Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng đi suốt chặng đường lịch sử” - bà Nga chia sẻ.

Một trong những niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của bà Nga là nghề đóng guốc mộc đã giúp bà có đủ kinh tế để trang trải cho cuộc sống gia đình. Các con của bà được ăn học đầy đủ và có việc làm ổn định. Trong gia đình bà, cả 4 người con đều biết đóng guốc mộc.

Ở tuổi 70, với bà Nga hiện nay, bám trụ nghề làm guốc mộc không hẳn vì cuộc sống mưu sinh mà còn là cái tâm muốn giữ lửa cho nghề mà cha ông đã truyền lại.

Ly Na

Tin xem nhiều