Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:
Vì sao đại tá anh hùng Hai Cà có tên là… Công An?

Bùi Thuận
19:19, 26/04/2024

Cố đại tá Trần Công An, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là một nhân vật lẫy lừng tên tuổi ở Đồng Nai. Ông được xem là “ông tổ” của lối đánh công đồn đặc biệt (sau này gọi là đặc công), đã làm phá sản chiến thuật tháp canh của danh tướng Pháp De Latour Desmerlins.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại tá Trần Công An bên công viên Sân bay Biên Hòa.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại tá Trần Công An bên công viên Sân bay Biên Hòa.

Tên thường gọi của nhân vật độc đáo này là… Hai Cà. Chỉ trong công văn, giấy tờ ông Tỉnh đội trưởng đầu tiên của U1, Phó tư lệnh Mặt trận Biên Hòa trong đợt tổng công kích Tết Mậu Thân năm 1968 mới để tên là Trần Công An, còn đồng chí, đồng đội thân quen lại gọi ông là… Hai Kìa.

Bị cuốn hút vào cao trào yêu nước sôi động

Sao chỉ một con người mà có nhiều tên gọi như vậy. Đại tá Hai Cà tự sự: “Tôi sinh ngày 20-12-1920 (nhằm ngày 11 tháng mười năm Canh Thân), cha tôi đặt tên là Trần Văn Kìa (Hai Kìa)”.

Cũng trong hồi ký của mình, đại tá Trần Công An kể lại: “Cách mạng tháng Tám nổ ra, là điều kỳ diệu chưa từng có. Nhân dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành quyền làm chủ... Cái anh nông dân chỉ cắm cúi làm quần quật không hề để ý đến mọi chuyện chung quanh như tôi bỗng nhiên bị cuốn hút vào cao trào yêu nước sôi động…”. Thế là chàng thanh niên Hai Kìa lúc đó đã 25 tuổi hăng hái tham gia Thanh niên Tiền Phong, “ban ngày làm việc nhà, tối tối mới tập tành và canh gác trong làng trong xã. Lúc đó, mỗi người tự trang bị một cái roi hay gậy dài làm võ khí, sợi dây thừng cuộn lại để bắt trói kẻ gian trong lúc canh tuần”.

Sau đó, Thanh niên Tiền Phong nhập vào Thanh niên Cứu quốc, Hai Kìa được bầu làm Xã đội trưởng phụ trách dân quân du kích xã Thạnh Hội (nay là xã Thạnh Hội thuộc thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Do Thạnh Hội (cù lao Rùa) là vùng tranh chấp, quân Pháp từ quận Tân Uyên hay thị xã Biên Hòa thường hay qua ruồng bố rồi rút, nên ông Hai Kìa đã nghĩ ra cách huấn luyện anh em theo 2 hành động: bất ngờ ôm vật, cướp súng khi qua đồn địch giả vờ xin giấy thông hành (laissez - passer) và nhấn chìm xuồng giết địch khi chở chúng qua sông Đồng Nai.

Cố đại tá Trần Công An là chiến sĩ miền Đông từng có vinh dự 4 lần gặp Bác Hồ và được Bác tặng huy hiệu từ những năm 1953… Tiếng tăm của ông Bộ đội Cụ Hồ này vang danh đến nỗi thời bấy giờ trong dân gian còn truyền tụng nhau câu: “Ai về xứ sở miền Đông/ Đều nghe danh tiếng của ông Hai Cà”.

Bước ngoặc lớn đầu tiên trong đời

Sáng 23-12-1946, Xã đội trưởng Hai Kìa đang trên đường ra ruộng thì thấy tín hiệu của cơ sở báo là Tây sắp qua, ông liền bơi qua sông để nắm tình hình. Biết được có một thằng Tây cùng với một người tù Việt đã xuống bến đò Tân Ba để qua cù lao Rùa tìm hái bông về trang hoàng cho lễ Noel, ông Hai Kìa tức tốc quay về. Nhìn thấy tên lính Pháp đang chỉ cho người tù đám bông le hoe mới nở, ông Hai Kìa làm như người đi cày về, bỏ chiếc roi trâu xuống rồi gỡ nón lá cúi đầu, chắp tay xá tên Tây một cái và nói bằng tiếng Pháp:

- Eh vous ici beaucoup fleurs!

Ông Hai Kìa định nói: “Thưa ông, đằng kia có nhiều bông lắm”, nhưng do hơi quýnh, thay vì nói là “bas” là “đằng kia” lại nói “ici” là “ở đây”. Cho nên, thằng Tây vẫn vui vẻ gục đầu hiểu ý: “Oui! oui!” rồi bước theo Hai Kìa. Đi được một đoạn, đến chỗ có đường trâu tẻ ra, ông Hai Kìa né qua một bên để cho tên Tây đi trước. Khi hắn ta vừa bước chân lên bờ ranh, ông bất ngờ thụp người xuống ôm chân giật mạnh làm cả hai té xuống lòng mương.

Đại tá Hai Cà kể lại: “(Lúc đó)... cây súng đeo trên vai (thằng Tây) văng ra. Tôi trườn cưỡi trên mình nó, một tay chặn sau ót, tay kia với lấy cây súng nhưng không tới. Nó lật ngửa, ngoạm trúng vào cổ tay trái tôi. Đau quá, tôi đấm nắm tay phải thiệt mạnh vào mặt mũi nó sặc máu nhưng nó không nhả. Tôi ráng chịu đựng, tay phải lần lưng quần gỡ sợi dây thừng ra, rồi uýnh nữa, cố rứt mạnh cánh tay ra, đứt một miếng thịt. Nó lựa thế chồm lên nhưng tôi nhanh hơn, kịp tròng đầu dây thòng lọng vào cổ, siết chặt cột vào cây cau. Nó đứng lên định gỡ ra, tôi lấy sợi dây thừng nữa trói tay nó lại. Tôi cầm cây súng chĩa vào nó, kéo quilát cái “rốp”. Nó lạy rối rít như tế sao, chỉ sợ tôi bóp cò. Tôi bảo anh tù vứt bông đi, phụ tôi trói thúc ké tên tù binh, anh này run như cầy sấy”.

Dẫn thằng Tây ra tới đồng, tôi kêu vài thanh niên trong xóm phụ giải tù binh đi. Một số bà con chạy theo coi…

Bọn Tây đồn Tân Ba mất người, cử một trung đội lính đi tìm. Chúng hỏi bà con: “Công an dẫn ông lớn đi đường nào?”. Bà con trả lời: “Công an dẫn đi đường này!” và chỉ vào con đường rẽ ra sông cái. Trong khi, Hai Kìa giải tên giặc lên giao cho cơ quan Huyện ủy Tân Uyên đang đóng ở Bình Chánh.

Biết là thế nào sau đó bọn Tây cũng truy lùng và đốt nhà trả thù, Hai Kìa vội về bàn với mẹ là xin bà ra ở tạm ngoài nhà bà con, để mình tự tay đốt nhà và cắt búi tó tóc, vác súng đi thoát ly kháng chiến.

Đại tá Hai Cà cho rằng: “Đây là bước ngoặc lớn đầu tiên của đời tôi… Từ đó, người ta cứ nói công an bắt được thằng Tây và tôi có tên Trần Công An là do cái tích “tay không bắt giặc” nói ở trên”.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều