Sống và hoạt động giữa lòng địch, đối diện với hiểm nguy và cạm bẫy của kẻ thù. Người chiến sĩ tình báo đã vượt qua bằng sự dũng cảm, mưu trí và thông minh.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (trái) và tác giả |
Tôi có dịp đến thăm ông Nguyễn Văn Tàu, tên thường gọi là Tư Cang, đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong căn nhà riêng của ông tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Giữa tháng 11-1968, ông Tư Cang nhận chỉ thị của cấp trên triệu tập về căn cứ để họp. Ông đi cùng với một nữ giao thông viên. Để nghi trang, hai người đã vào chợ Bà Chiểu mua hoa quả, kẹo bánh và nhang đèn… sắm vai cặp vợ chồng công chức Sài Gòn về quê dự đám giỗ.
Ông Nguyễn Văn Tàu, tức Tư Cang đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, được tặng thưởng Huân chương Độc Lập, Huân chương Quân Công và nhiều huân huy chương cao quý.
Hai người đi trên chiếc xe gắn máy hiệu Honda màu đỏ chạy bon bon trên đường mát rượi. Khi vào đến quốc lộ 13 còn cách xã Mỹ Phước (Bình Dương) khoảng 7-8km, bỗng xuất hiện một trạm kiếm soát của địch. Ông hỏi nhỏ cô giao liên: “Sao nhiều xe Jeep cảnh sát quá vậy?”. Cô giao liên đáp: “Hồi sáng em đi dọ đường thì không có, chắc trạm kiểm soát đột xuất”.
Đây là trạm kiểm soát đột xuất nên cô cũng bị bất ngờ. Biết được sự lo lắng của người đồng chí, ông Tư Cang bình tĩnh nói với cô: “Gay go đấy, nhưng phải bình tĩnh”. Ông nghĩ nếu quay xe lại, địch sẽ nghi ngờ, đã đến đây thì mình tới luôn.
Xe Honda dừng lại trạm kiểm soát. Phía địch kiểm tra giấy tờ từng người. Cô giao liên là người dân sống hợp pháp trong vùng địch, nên giấy tờ hợp lệ. Riêng ông Tư Cang thì giấy tờ do ta cấp để hoạt động trong vùng địch. Tên cảnh sát săm soi cả hai mặt tấm thẻ của ông. Ông Tư Cang hơi chột dạ.
Chợt tên cảnh sát hất hàm hỏi ông: “Thẻ cấp ngày tháng năm nào?”. Ông bình tĩnh trả lời: “Thẻ cấp lâu rồi ai mà nhớ được ngày tháng, chỉ nhớ năm 1962”. Đây là cách xử trí nhanh của ông Tư Cang. Vì tấm thẻ đã cấp lâu mà còn nhớ rõ ngày tháng sẽ làm cho nó nghi ngờ. Bỗng tên cảnh sát vo tròn tấm thẻ trong lòng bàn tay. Ông Tư Cang biết tên cảnh sát đang kiểm tra thẻ thật hay giả. Hắn nhìn thẳng mặt ông Tư Cang cười gằn: “Giấy này coi kỳ quá he”, rồi cầm tấm thẻ trên tay đi về phía sĩ quan chỉ huy. Tình huống lúc này đã trở nên nghiêm trọng.
Ông Tư Cang bình tĩnh rút điếu thuốc lá thơm, gõ gõ vào hộp quẹt zippo, rồi điệu nghệ bật ngón tay cái mở nắp hộp quẹt, châm lửa hút rất sành điệu. Cử chỉ hai người đã xóa đi nỗi nghi ngờ của tên chỉ huy. Sĩ quan chỉ huy nói với tên cảnh sát: “Người Sài Gòn, cho người ta đi”.
Cô giao liên ngồi lên xe, choàng tay ôm lưng người đồng chí ghì chặt vào mình cười vui vẻ như muốn xóa tan hết mọi nghi ngờ của kẻ địch. Cô cũng vui mừng vì thoát hiểm và cảm phục sự gan dạ, mưu trí của người chiến sĩ tình báo trước tình huống bất ngờ hiểm nguy.
2. Có lần, ông Tư Cang nhận nhiệm vụ đến nhà số 7 đường Lê Chân, một cơ sở nằm vùng của ta. Đó là nhà của bà chủ sở Dầu Tiếng. Ông Tư Cang chưa từng gặp mặt bà chủ nhà. Đến đúng địa chỉ, ông dắt xe vào nhà.
Ngay tại phòng khách, có hai người đàn ông đang ngồi uống rượu, mặt đỏ phừng phừng. Ông mở lời hỏi bà chủ nhà. Nhưng lúc này, bà chủ nhà ngồi trên lầu tránh mặt vì có trung tá an ninh đến nhà. Tuy hắn mặc thường phục, nhưng ông bà biết rõ tên này.
Bà để chồng ngồi tiếp rượu. Ông Tư Cang không biết ông chủ nhà đang tiếp ai. Nhưng khi người này hỏi ông Tư Cang đến có việc gì và làm ở đâu, ông Tư Cang có ý nghi ngờ người này. Chắc hắn có chức tước và vai vế nên mới được ông chủ tiếp rượu.
Lấy lý do không gặp được bà chủ, ông Tư Cang xin phép ra về. Bỗng trung tá an ninh mặt đỏ gay chặn ông và nói: “Dậy sao được, tới đây phải ngồi nhậu chứ”. Tư Cang chợt nghĩ: Nếu mình bỏ về, hắn sẽ sinh nghi, lúc này phải sống cho thật. Mình từ chối hắn sẽ nghi ngờ. Bởi trong con mắt kẻ địch, người biết ăn chơi, nhậu nhẹt thì không phải Việt cộng, còn không thì chính cống Việt cộng.
Trong không khí ấm áp, thân mật, tôi hỏi ông Nguyễn Văn Tàu:
- Người chiến sĩ tình báo ghét gì nhất?
- Đó là sự phản bội - ông trả lời.
- Vậy ông yêu gì nhất?
- Yêu quý gia đình và yêu thương đồng đội.
Đó cũng là nét yêu, ghét của người tình báo. Nhưng có lẽ đẹp nhất chính là sự dũng cảm, mưu trí, thông minh của người tình báo hoạt động giữa lòng địch.
Ông Tư Cang nhận lời, vui vẻ ngồi vào bàn nhậu. Ông chủ nhà cũng thấy chột dạ. Còn bà chủ ngồi trên lầu thấy hồi hộp, lo lắng. Ông Tư Cang mạnh dạn hỏi hắn làm việc gì, ở đâu. Hắn nói: lái tàu trên sông Sài Gòn. Với con mắt của người tình báo, Tư Cang biết ngay là hắn nói gạt vì tướng tá hắn không phải là diện mạo người lái tàu. Hắn cũng hỏi lại Tư Cang. Ông trả lời làm thư ký cho một hãng tư nhân trên đường Nguyễn Huệ. Tư Cang vừa nói tiếng Việt lại thêm tiếng Pháp cho sang trọng và để hắn tin.
Ngồi cụng được năm ly rượu, trung tá an ninh đã say mềm người. Ông Tư Cang xin phép ông chủ ra về. Chủ nhà như trút bỏ được nỗi lo. Ông mừng quá, tặng cho ông Tư Cang gói quà và hai trái bưởi đem về. Nhưng khi về đến nơi, không biết vì say rượu hay do căng thẳng nên… rớt hai trái bưởi khi nào không hay biết.
Trên đây chỉ là hai mẩu chuyện trong nhiều câu chuyện cuộc đời hoạt động trong lòng địch của người tình báo anh hùng. Ông Tư Cang đã tâm sự: “Cuộc đời của người chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng kẻ thù luôn giáp mặt với những hiểm nguy, bất ngờ, cận kề bên cái chết. Nhưng tất cả phải dũng cảm, mưu trí vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ”.
Vũ Đức Vinh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin