Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy hoạch không gian ngầm cho các đô thị

Phạm Tùng
07:25, 23/03/2024

Quy hoạch phát triển không gian ngầm là xu thế phát triển tất yếu của các đô thị, tuy nhiên, tại Đồng Nai, thời gian qua công tác này gần như vẫn còn bỏ ngõ.

Không gian ngầm trên địa bàn thành phố Biên Hòa được quy hoạch sẽ tạo điều kiện để xây dựng mạng lưới metro, phát triển đô thị theo mô hình TOD. Ảnh: CTV
Không gian ngầm trên địa bàn thành phố Biên Hòa được quy hoạch sẽ tạo điều kiện để xây dựng mạng lưới metro, phát triển đô thị theo mô hình TOD. Ảnh: CTV

Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai có rất ít đô thị có quy hoạch phát triển không gian ngầm.

“Trống” quy hoạch không gian ngầm đô thị

Biên Hòa là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước, đồng thời cũng là đô thị có tốc độ gia tăng dân số hàng năm cao. Chính vì vậy, thời gian qua, hệ thống hạ tầng của đô thị Biên Hòa luôn trong tình trạng quá tải so với nhu cầu. Hàng loạt tồn tại trong quá trình phát triển đô thị đang bộc lộ ngày càng rõ như: tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu bãi đậu xe ô tô… Trong khi đó, quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng hạn hẹp.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH, đối với quy hoạch không gian ngầm đô thị Biên Hòa cần lưu ý đến 2 vấn đề là: không gian ngầm để phát triển giao thông và phát triển thương mại dịch vụ. Trong đó, không gian ngầm phát triển thương mại dịch vụ sẽ do tư nhân thực hiện thông qua các dự án đầu tư. Do đó, cần xem xét đưa ra tỷ lệ ngầm hóa khi triển khai các dự án để chủ đầu tư thực hiện.

Trong bối cảnh đó, việc khai thác không gian ngầm được xem là “lời giải” cho bài toán thiếu quỹ đất phát triển đô thị. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, cho dù đã là đô thị loại I, thành phố Biên Hòa vẫn đang là đô thị chưa có quy hoạch không gian ngầm.

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho hay, trong Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt năm 2014, đô thị Biên Hòa không có quy hoạch để phát triển không gian ngầm.

Do vậy, thời gian qua, việc phát triển đô thị tại thành phố Biên Hòa chủ yếu tập trung khai thác không gian mặt đất và trên không. Biên Hòa cũng đã bước đầu thực hiện khai thác không gian ngầm đô thị nhưng mới chỉ được khai thác để phục vụ các nhu cầu đơn giản, quy mô nhỏ như: lắp đặt đường ống cấp nước, cống thoát nước; hạ ngầm đường điện, cáp quang tại một số tuyến phố như đường Hà Huy Giáp, Võ Thị Sáu, 30-4; xây dựng, khai thác tự phát các tầng hầm gắn liền với mỗi tòa nhà cao tầng hoặc một cụm tòa nhà cao tầng; xây dựng một số hầm ngầm vượt nút giao thông…

Đô thị mới Nhơn Trạch là một trong những đô thị hiếm hoi trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch phát triển không gian ngầm. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa diễn ra còn chậm, dân cư còn ít nên việc khai thác không gian ngầm để phát triển rất hạn chế.

Khai thác không gian ngầm trong phát triển đô thị

Theo Sở Xây dựng, trong định hướng phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã lưu ý đến quy hoạch không gian ngầm theo xu thế của các nước phát triển. “Phải xác định lựa chọn phát triển không gian ngầm là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài trong phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh”- ông Hồ Văn Hà cho biết.

Chính vì vậy, trong Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đô thị Biên Hòa đến năm 2045 đang được lập, lần đầu tiên, đơn vị tư vấn đã đưa ra phương án quy hoạch phát triển không gian ngầm cho đô thị Biên Hòa. Theo đó, không gian ngầm đô thị Biên Hòa sẽ được sử dụng vào các mục đích gồm: giao thông; công trình dân dụng; công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; đường dây, đường ống…

Hiện nay, trong quy hoạch phát triển giao thông của thành phố Biên Hòa, Sở Giao thông vận tải đề xuất xây dựng các tuyến đường sắt đô thị (metro); đồng thời, phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development - là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng).

Tùy theo điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn, điều kiện hiện trạng xây dựng của mỗi đô thị và ý đồ tổ chức không gian trên mặt đất và không gian ngầm, việc sử dụng không gian ngầm theo độ sâu có thể chia ra các tầng khác nhau. Trong đó, tầng 1 (sâu 3-5m) bố trí các công trình đường dây, đường ống kỹ thuật ngầm, hào, cống bể cáp, hầm dành cho người đi bộ, bãi đổ ô tô ngầm; tầng 2 (sâu 5-15m) bố trí bãi đỗ xe ngầm sâu, tuynel kỹ thuật, đường tàu điện ngầm nông, hầm đường ô tô đặt sâu, một số bể chứa ngầm; tầng 3 (sâu trên 20m) chủ yếu bố trí đường tàu điện ngầm đặt sâu, hầm đường ô tô đặt sâu.

Theo kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, việc khai thác không gian ngầm là xu hướng tương đối phổ biến và hiệu quả trong phát triển đô thị trên thế giới. Ngay như trong khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã khai thác và phát triển mạnh không gian ngầm đô thị như: Singapore, Thái Lan. “Khai thác không gian ngầm dưới lòng đất không gây hao tổn diện tích đất nên rất phù hợp với các đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất phát triển đô thị ngày càng hạn hẹp”- kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương chia sẻ.

Kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương cũng cho rằng, nguồn vốn, tiềm lực tài chính hiện là trở ngại lớn nhất trong việc khai thác, phát triển không gian ngầm đô thị. Tuy nhiên, được xem là xu hướng tất yếu trong phát triển đô thị, việc quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị cần được triển khai sớm. “Công tác quy hoạch cần được triển khai sớm. Quy hoạch phải tạo được sự đồng bộ, bám sát các dự án hạ tầng giao thông để sau này khi phát triển thì tạo được sự liên kết giữa không gian ngầm và không gian phát triển trên mặt đất. Từ đó, nâng cao hiệu quả các công trình, thu hút người dân sử dụng”- kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương nêu quan điểm. 

Phạm Tùng

Từ khóa:

không gian ngầm

Tin xem nhiều