Nghệ thuật biểu diễn lân sư rồng do những người Hoa đầu tiên mang đến vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn cách đây hơn trăm năm, trải qua lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này, nghệ thuật lân sư rồng đã có nhiều biến đổi, tiếp nối, lan rộng khắp nơi trên cả nước, trong đó có Đồng Nai.
Lân trên mai hoa thung được xem là một trong những bài biểu diễn khó nhất của bộ môn lân sư rồng. Ảnh: HÀ LÊ |
Đặc biệt, có rất nhiều hội quán, đoàn lân sư rồng ở các địa phương trong tỉnh vẫn duy trì và phát triển đều đặn hàng năm, phục vụ nhu cầu văn hóa giải trí của người dân, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Nét đẹp văn hóa dân gian
Theo quan niệm của phương Đông, lân sư rồng là ba linh vật tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát tài, hạnh phúc. Do đó, cứ mỗi dịp lễ hội, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, khắp phố phường, ngõ xóm đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đoàn/đội lân sư rồng hay Ông Địa với âm thanh, điệu múa vừa vui nhộn, vừa mang ý nghĩa tâm linh. Múa lân sư rồng là hoạt động được đông đảo người dân đón chờ, dõi theo, đặc biệt là các em nhỏ. Vào dịp Tết, rất nhiều gia đình còn giữ nguyên sự háo hức khi chuẩn bị những phong bì lộc đỏ chờ đoàn lân đến chúc Tết, mong mọi sự khởi đầu hanh thông, thuận lợi.
Ngày nay, mỗi đoàn lân sư rồng đã tích cực sáng tạo, kết hợp những đặc trưng của bộ môn nghệ thuật - võ thuật này với nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam để tạo nên một tinh thần Việt đậm đà bản sắc, do chính người Việt sáng tạo và phát triển.
Tháng 4-2023, Liên đoàn Lân sư rồng Việt Nam chính thức được thành lập và có mặt trong hệ thống thi đấu thể thao quần chúng quốc gia.
Để có được bài biểu diễn sống động và thành công thì tiếng trống, thanh la, chũm chọe cũng vô cùng quan trọng. Mỗi nghệ nhân múa lân sư rồng phải tập luyện bài bản để cảm thụ nhịp điệu phù hợp với từng bộ pháp của các “ông” lân sư rồng gồm: chào, lạy, nằm, ăn, leo lên, tụt xuống, đồng thời biểu lộ được nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau như: vui, buồn, phấn khởi, tò mò, giận dữ… Linh hồn của bài múa hòa trong tiết tấu của từng nhịp trống, khi thì chậm rãi, khi thì dồn dập như trống trận, từ đó mới lột tả hết sự uy phong, hùng dũng của lân sư rồng, mang lại bầu không khí sôi nổi, gây ấn tượng mạnh với người xem.
Đến buổi tập của Đoàn lân sư rồng Vy Anh Đường (TP.Biên Hòa) vào những ngày cao điểm chuẩn bị cho Tuần lễ Văn hóa 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai và những lễ hội, sự kiện năm mới sắp đến, ông Hồng Kế An, Trưởng đoàn cho biết, đoàn thành lập từ năm 2001 và hiện có 60 thành viên đang hoạt động với đa dạng ngành nghề, độ tuổi, từ 12 tuổi trở lên. Cuối năm 2023 và đầu năm 2024 này, đoàn phải tập luyện thường xuyên để tích cực tham gia vào các hoạt động lễ hội của thành phố và của tỉnh, phục vụ bà con nhân dân. Ngoài ra, đoàn còn nhận biểu diễn tại các sự kiện khai trương, xông đất, động thổ tại các tỉnh, thành lân cận như TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu… vừa để giao lưu, vừa tạo thêm thu nhập cho anh em.
“Múa lân sư rồng được quan niệm mang đến điềm lành, an khang thịnh vượng và trước hết là thu hút con người bởi sự rộn ràng, sôi động. Để tạo môi trường an toàn cho các anh em, tôi đã đầu tư nhiều dụng cụ, phương tiện bảo hộ an toàn như đệm để giảm thiểu rủi ro, sự cố té ngã; đồng thời tạo điều kiện hết sức để các thành viên có cơ hội sáng tạo, phát triển và khẳng định mình trong nghề” - ông An chia sẻ.
Đam mê, khổ luyện và kế thừa
Thành lập từ năm 1936, Nhơn Nghĩa Đường là một trong những đoàn lân sư rồng lâu đời nhất nước ta. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường (Q.Bình Tân, TP.HCM) cho hay, Nhơn Nghĩa Đường đã trải qua 3 đời hoạt động với nhiều thành tích ấn tượng ở các giải lân sư rồng thế giới, cho đến đấu trường khu vực và trong nước. Theo ông, múa lân sư rồng dù truyền thống hay hiện đại đều có những bài đặc sắc và độ khó riêng của từng bài. Đặc biệt, các đoàn lân ngày nay theo luật thi đấu quốc tế nên đã có những bước phát triển rất nhiều so với những kỹ thuật truyền thống. Vì vậy, các vận động viên múa lân cũng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, tập luyện các kỹ năng khó hơn, trang bị sức khỏe cho bản thân tốt hơn. Để có một tiết mục biểu diễn và thi đấu vài phút là cả sự khổ luyện, áp lực và khó khăn của các thành viên, nhất là ở những bài có độ khó cao như: lân trên mai hoa thung, tứ quý hưng long, cao phong hái lộc, lân hoạt náo...
Những chú lân rực rỡ tiếp thêm năng lượng, niềm vui trong các dịp lễ hội. Trong ảnh: Một tiết mục múa rồng và lân phối hợp tại lễ hội Kỳ yên đình Tân Lân vào tháng 11-2023. Ảnh: HUY ANH |
Bên cạnh những đoàn lân sư rồng quy mô lớn, hiện nay hầu như ở các phường, xã đều có những đoàn lân sư rồng được duy trì để phục vụ các lễ hội đình, miếu, dịp Tết cổ truyền cho bà con ngay tại địa phương. Các đoàn lân sở dĩ được duy trì từ đời này qua đời khác đều do đam mê. Chắc hẳn ai cũng từng nghe và lớn lên theo tiếng trống lân rộn ràng.
Ông Liêu Ngọc Vinh, Trưởng đội lân Thạch Sơn Liên Thắng Đường (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết, ông đã theo “nghiệp” lân ngót nghét 20 năm, bao lần rã rồi tụ nhưng có lẽ chưa hết duyên nên hiện tại trở thành “người anh cả” của đội lân phường khoảng 30 thành viên. Do hạn chế về thời gian, điều kiện nên chỉ khi gần Tết từ 1-2 tháng, đoàn mới có thể tụ họp anh em tập luyện. Hiện nay, để sống được với nghề không dễ vì phải có sự đầu tư thường xuyên, nên đội chỉ còn duy trì hoạt động vào mỗi dịp hội, Tết nhằm giữ “lửa” nghề truyền thống.
“Các anh em trong đội đến tập vì đam mê, tôi truyền nghề cũng vì đam mê ăn sâu vào máu thịt. Mọi người cùng chia sẻ các thế võ thuật, quyền, xiếc rồi sáng tạo từng lớp biểu diễn để tạo nên một bài múa hoàn chỉnh phục vụ bà con trong phường. Đã tham gia vào các đoàn lân sư rồng, ai cũng chỉ có mong ước là biểu diễn an toàn, mang lại niềm vui cho mọi người” - ông Vinh chia sẻ.
Còn anh Trương Nhật Phát, thành viên Đoàn lân sư rồng Vy Anh Đường cho hay, từ năm 2010 khi được 11 tuổi anh đã đi theo đoàn. Theo anh, để có được bài biểu diễn hoàn chỉnh, thành công phải mất từ 3 tháng trở lên.
“Đến với lân sư rồng vì đam mê nên mỗi khi biểu diễn, thả hồn vào từng con lân, sư, rồng và nhận được sự tán thưởng, vỗ tay hò reo của mọi người chính là niềm vui, tự hào rất lớn đối với tôi. Mong rằng sẽ có thêm nhiều sân chơi giao lưu giữa các đoàn, địa phương để mỗi thành viên có cơ hội trải nghiệm, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian” - anh Phát bộc bạch.
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển và có thêm nhiều hoạt động vui chơi giải trí mới. Tuy nhiên, múa lân sư rồng vẫn mang sức sống bền bỉ bởi sự giản dị, gần gũi với đời sống dân gian. Đặc biệt là mỗi dịp Tết đến, Xuân về, những đội lân sư rồng đầy màu sắc hoạt náo khắp nơi đã góp thêm hương vị mùa xuân, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.
Hà Lê
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin