Báo Đồng Nai điện tử
En

Đa dạng đặc sản tết chờ người mua

Bình Nguyên
07:05, 20/01/2024

Tết Nguyên đán là mùa thị trường tiêu thụ cao điểm nhất của dòng thực phẩm đặc sản quê như: chả lụa, giò thủ, lạp xưởng, khô cá kìm… Ngoài ra, nhiều nông dân nuôi gà Đông Tảo, gà thảo dược, cá chình, cá chép giòn, cá hô… cũng kỳ vọng bán được sản phẩm với giá tốt hơn vào mùa mua sắm Tết.

Cơ sở chế biến giò chả tại xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất)
Cơ sở chế biến giò chả tại xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất). Ảnh: B.NGUYÊN

Dự báo năm nay, tình hình kinh tế khó khăn hơn, sức mua của thị trường chậm, nhiều cơ sở cung cấp đặc sản không tăng giá, thậm chí có cơ sở còn giảm giá hơn so với cùng kỳ năm ngoái để kích cầu sức mua. 

Đặc sản làng nghề vào mùa chậm

Đồng Nai có nhiều cơ sở chế biến thực phẩm, trong đó một số vùng tập trung hàng chục cơ sở sản xuất hình thành các làng nghề truyền thống chế biến các món đặc sản quê như giò thủ, chả lụa, chả quế, lạp xưởng, khô cá kìm, khô cá lóc… Tiêu biểu nhất có thể kể đến làng nghề chả lụa, nem Bắc tại P.Hố Nai (TP.Biên Hòa), làng giò chả xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất), làng Bến Nôm làm các loại đặc sản khô cá tại xã Phú Cường (H.Định Quán)…

Thường khoảng 2 tháng trước Tết, các làng nghề truyền thống trên bắt đầu khởi động sản xuất mùa cuối năm và hoạt động này nhộn nhịp cho đến những ngày cuối tháng Chạp. Nhưng năm nay, hoạt động chế biến các sản phẩm từ thịt cho thị trường tết kém sôi động hơn hẳn mọi năm.

Theo một số hộ nuôi các loại cá cảnh, thị trường Tết Nguyên đán 2024, sức tiêu thụ các loại cá cảnh cũng chậm hơn nhiều so với mọi năm. Giá các loại cá cảnh như cá koi, cá chép vàng… hầu như không tăng, thậm chí giảm hơn nhiều so với mọi năm để hút khách mua.

Theo một số chủ cơ sở chế biến giò thủ, chả lụa, lạp xưởng… tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, năm nay tình hình kinh tế khó khăn, sức mua chậm nên hoạt động chế biến thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán 2024 khởi động chậm hơn hẳn so với những năm trước. Hiện nhiều lò sản xuất giò thủ, chả lụa, lạp xưởng tại các làng nghề trên chỉ mới đạt 20-30% công suất của cùng kỳ năm ngoái. Mọi năm, thời điểm này, cả khách mua sỉ, mua lẻ đều chủ động đặt hàng tết sớm nhưng năm nay, hầu như chưa có nhiều khách đến đặt hàng trước. Các cơ sở chế biến cũng dè dặt hơn trong đặt hàng thịt tươi và các nguyên liệu chế biến vì lo thị trường ế ẩm.

Để có nguồn hàng dồi dào cung cấp ra thị trường tết, các cơ sở sản xuất khô cá kìm, một loại đặc sản của hồ Trị An tại ấp Bến Nôm, xã Phú Cường, H.Định Quán thường phải khởi động từ 2 tháng trước Tết. Ngoài mặt hàng đặc sản khô cá kìm, nhiều cơ sở còn làm thêm sản phẩm khô cá lóc, cá chỉ vàng… Thị trường cuối năm nay, làng nghề làm khô cá ở ấp Bến Nôm trầm lắng hơn mọi năm.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, chủ cơ sở làm các loại khô cá tại ấp Bến Nôm cho biết, đặc sản khô cá kìm tiêu thụ mạnh nhất là vào mùa tết. Nhưng năm nay, sức mua của thị trường giảm mạnh. Dự đoán vào cao điểm thị trường tết năm nay sẽ chậm hơn so với mọi năm nên nhiều cơ sở sản xuất không tăng giá các loại khô để kích cầu sức mua.

Nhiều hàng đặc sản thấp thỏm chờ người mua

Hiện nguồn cung các loại trái cây tươi như: bưởi, xoài, thanh long… cho thị trường Tết Nguyên đán 2024 khá dồi dào. Mọi năm, đặc sản bưởi đường lá cam Tân Triều (H.Vĩnh Cửu) thường “cháy hàng” vào thị trường mùa tết; một số nhà vườn còn đầu tư làm bưởi có hình hồ lô, thỏi vàng… để bán cho người tiêu dùng chưng Tết với giá hàng triệu đồng/cặp. Nhưng từ đầu năm đến nay, giá bưởi thường ổn định ở mức thấp, lo thị trường tết tiếp tục gặp khó khăn nên nông dân trồng bưởi cũng e dè hơn trong đầu tư.

Người nuôi cá bè tại sông La Ngà (H.Định Quán) giới thiệu đặc sản cá hô cho giá trị kinh tế cao
Người nuôi cá bè tại sông La Ngà (H.Định Quán) giới thiệu đặc sản cá hô cho giá trị kinh tế cao

Ông Ngô Văn Sơn, nông dân trồng bưởi tại xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ: “Tết năm nay, tôi không làm bưởi hình hồ lô, thỏi vàng nữa vì người đặt ít, làm sẵn thì sợ không có khách mua vì ai cũng thắt chặt chi tiêu hơn. Từ đầu năm đến nay, giá bưởi liên tục đứng ở mức thấp do nguồn cung lớn, sức mua chậm. Lo lắng thị trường bưởi tết sẽ rơi vào cảnh dội chợ, tôi chỉ xử lý một phần diện tích cho thu hoạch vào dịp Tết, còn lại sẽ cho thu hoạch sau Tết để hạn chế rủi ro về đầu ra”.

Đây cũng là khó khăn của nhiều hộ nuôi đặc sản nước lợ tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Bà Nguyễn Kim Phụng, nông dân nuôi tôm tại xã Long Phước (H.Long Thành) chia sẻ, cận Tết nhưng giá tôm thẻ, tôm sú vẫn chưa mấy biến động. Giá các loại cá đặc sản như: cá chẽm, cá dứa… cũng thấp hơn nhiều so với thị trường tết mọi năm. Để chủ động hơn về đầu ra cho con tôm, cơ sở có làm thêm sản phẩm tôm một nắng bán ra thị trường mùa tết với giá ổn định để phục vụ khách mua.

Cùng nỗi lo sức tiêu thụ của thị trường tết năm nay kém hơn mọi năm, anh Ngô Chiến Thắng, chủ Cơ sở cá giống, cá thịt Trường Sơn tại xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) cho biết, cơ sở chủ yếu nuôi các loại cá đặc sản, cá cảnh cho giá trị kinh tế cao. Năm nay, chi phí đầu tư cao hơn nhưng giá các loại cá đặc sản như cá chình, cá chạch, lươn… đều giảm hơn so với cùng kỳ mọi năm vì sức mua chậm, cơ sở buộc phải giảm giá để kích cầu sức mua.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Theo bạn ăn mít sấy có nóng không những điều cần lưu ýCông ty quà tặng doanh nghiệp grand cru